Nơi địa linh nhân kiệt

Thứ Hai, 12/02/2007, 09:32
Năm nào cũng vậy, lễ hội chợ đình Bích La diễn ra vào ngày mùng 3 Tết âm lịch. Người đi chợ khăn áo chỉnh tề, đi chợ cốt để bán hàng cầu may và mong cho khách mua rẻ, mua may.

Làng Bích La thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một miền quê có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Đây được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt" vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.

Nói đến làng Bích La, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội chợ đình Bích La nổi tiếng được tổ chức mỗi năm một lần đúng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Nếu có dịp ghé về Bích La vào dịp Tết đến xuân về, bạn sẽ có cảm nhận riêng về một lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc riêng của một miền quê. Ở đó, bạn được tham gia lễ cầu rùa, lễ cầu may…

Năm nào cũng vậy, lễ hội chợ đình Bích La diễn ra vào ngày mùng 3 Tết âm lịch. Từ 3-4h sáng, đình Bích La đã đông nghẹt người. Dưới quầng sáng của ánh nến, của những ngọn đèn dầu, của màn sương bạc mưa xuân lất phất, của mùi hương trầm lan toả khắp nơi và hình như hàng trăm, hàng nghìn con gà giữa chợ đình đã đồng loạt cất tiếng gáy; dân làng và du khách, chủ và khách bỗng có lúc quên đi thực tại, quên mùa xuân vừa mới gõ cửa muôn nhà và trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên người ta chợt thấy mình đang trôi đi giữa những miền kí ức. Đối với người Bích La, có lẽ đêm mùng 2 Tết, đêm chuẩn bị cho lễ hội chợ đình và hương sắc đêm ấy sẽ đi theo suốt cuộc đời.

Người Bích La làm lụng, chắt chiu cả năm và để dành lại những sản phẩm tốt nhất cho đêm hội này. Cả năm chỉ có một phiên chợ đêm. Dân làng mang đến chợ đình dù chỉ một mớ cá tươi, buồng cau vừa hái xuống, mấy tệp trầu xanh vôi trắng hay mấy nắm chè mới hái còn đẫm sương đêm, rồi gạo, dưa, cà, thịt, muối… tất cả đều làm ra từ đồng ruộng hương hoả của tổ tiên để lại.

Người đi chợ khăn áo chỉnh tề, đi chợ cốt để bán hàng cầu may và mong cho khách mua rẻ, mua may. Đó là lễ cầu may mà chủ ý của người Bích La, chủ ý của người bán là muốn vừa lòng khách, giao đãi thân tình với khách, mong khách biết đến những sản vật của vùng đất Bích La và mong năm sau khách trở lại với chợ đình.

Du khách đổ về chợ đình đa phần không phải để mua sắm mà đi chợ để xem chợ và tận hưởng cái không khí Tết đêm. Nhưng với người Bích La, đêm chợ đình lại hết sức quan trọng. Dân làng từ bậc cao niên đến con cháu, dâu rể của 14 họ tộc nối gót về đây với tâm thức hướng thiện và với tấm lòng thành kính trước vong linh tổ tiên.

Chợ đình Bích La nguyên sơ từ khi xây dựng vào năm 1527 cho đến nay vẫn giữ nguyên kết cấu hình chữ nhất, xung quanh không có tường bao. Thiết kế theo dạng "đình mở" không rào giậu như thế, từ xa xưa người Bích La đã hướng đến một ngôi nhà chung; họ coi trọng sự cố kết cộng đồng, sức mạnh cộng đồng, và rõ ràng, chợ đình đã xoá đi ranh giới giữa các họ tộc. Du khách thập phương về tham dự Lễ hội chợ đình cũng vì lẽ ấy.

Chợ đình đã chứng kiến cảnh hoang vu sơ khai của vùng đất Bích La, chứng kiến cảnh con dân của làng be bờ tát nước và trong kí ức người Bích La, nơi đây vẫn vang vọng bước chân vị phó tướng cai trị Lê Mậu Doãn dưới triều Lê dẫn đầu trưởng tộc của 14 dòng họ đi khai khẩn, lập làng.

Hàng nghìn đời nay, dù lịch sử thăng trầm dâu bể, chợ đình vẫn chính là nguồn cội và chưa bao giờ chợ đình Bích La khai cuộc vắng tiếng gà! Đây đó trong không gian chợ đình thoang thoảng mùi hương, tiếng gà quê to te vừa thực vừa ảo… và chủ, và khách chỉ cần nghe âm thanh ấy, tiếng to te đã có thể quay trở thời gian để mỗi người có thể sống lại với quá vãng thời gian và với tuổi thơ của chính mình.

Đêm chợ đình dường như thức trắng. Trước sân đình đã tái hiện lễ cầu rùa. Nếu như đêm chợ đình mang ý nghĩa cầu may và giao đãi giữa chủ với khách, thể hiện cuộc sống cộng đồng sung túc và tri ân, báo hiếu tổ tiên gia tộc thì lễ cầu rùa lại mang sắc thái tín ngưỡng thờ thần đậm nét của người Bích La xưa.

Cầu rùa, tức là cầu thần linh để mong mưa thuận gió hoà, mong mùa màng bội thu cho cuộc sống dân làng được no đủ, dư dật. Lễ cầu may, cầu rùa cùng với biểu tượng con gà, về bản chất là lối tư duy biện chứng nói chung của cộng đồng cư dân gắn liền với văn hoá lúa nước; đó còn là hàng nghìn năm vật lộn, chế ngự thiên nhiên để bảo tồn nòi giống và duy trì cuộc sống của người dân Bích La

Phan Thanh Bình
.
.
.