Nỗi đau thời hậu chiến

Thứ Bảy, 25/12/2004, 07:08

Chiến tranh dù đã qua đi, song dường như đối với những con người ở Khu nuôi dưỡng Tâm thần Vô Hối (xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình) thì vẫn chưa có hồi kết thúc. Nó vẫn mãi là nỗi ám ảnh dai dẳng, bám riết theo họ suốt cả cuộc đời.

Hàng ngày, hàng giờ những con người ở đây vẫn phải vật lộn với những cơn đau giằng xé của cả quá khứ và hiện tại.

Những cuộc đời đau khổ sau chiến tranh

Bệnh nhân Nguyễn Anh Quyết là bộ đội đặc công, từng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường miền Tây và Campuchia. Quê anh ở xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Hồi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, anh đã bị mảnh bom găm vào đầu. Giữa lúc sự sống và cái chết cận kề thì một người phụ nữ Campuchia đã nhận chăm sóc anh dưới làn mưa bom bão đạn. Đôi bàn tay nâng giấc mềm mại và tình cảm chân thành của người con gái Khmer đã đưa anh trở về từ "cõi chết".

Ngay khi hồi phục, anh đã ngỏ lời lấy chị làm vợ. Sau ngày hòa bình, anh đưa vợ về nước và hai người sống rất đùm bọc, yêu thương nhau. Thế nhưng, một ngày do vết thương tái phát, lúc lên cơn hoang tưởng, cho vợ là "gián điệp" đang có ý định giết mình, anh đã dùng liềm cắt cổ vợ. Ký ức chiến tranh và nỗi đau đớn giày vò tâm can đã khiến bệnh tình của anh ngày càng nặng thêm khiến anh bỏ đi lang thang.

Giờ đây, ở Khu nuôi dưỡng, ngoài lúc lên cơn, anh lại thất thần khi nghĩ về người vợ đã vì anh mà rời bỏ đất nước thân yêu của mình. Tôi ngồi trò chuyện với anh cả buổi mà chỉ đôi lúc anh tỉnh táo. Những lúc ấy, anh chỉ im lặng, rồi ôm mặt khóc. Trong con người anh lúc nào cũng ngập tràn những ký ức của quá khứ và hiện tại.

Bệnh nhân "chịu khó" nhất ở Khu nuôi dưỡng là anh Nguyễn Xuân Hợp. Sáng nào anh cũng dậy sớm tranh giành với anh em khác để được… đi giặt quần áo. Anh Hợp từng tham gia chiến trường biên giới Tây Nam và trúng đạn tới 5 lần, trên đầu hiện có rất nhiều vết sẹo do mảnh đạn, mảnh bom găm vào. Trong thời gian điều trị ở Tây Ninh, một mảnh đạn gây chấn thương não khiến anh bị tâm thần, anh đã bỏ trốn khỏi bệnh viện dã chiến và mất liên lạc với đơn vị.

Năm 1978, đơn vị gửi giấy báo tử về quê. Suốt 15 năm, chỉ có tấm bao tải rách che thân, anh đã lang thang từ Nam ra Bắc, ngủ đường ngủ chợ, ăn của rơi của vãi. Đến đất Nam Định, anh chợt nhớ quê mình ở Thái Bình. Người xe ôm biết chuyện thương tình chở anh về quê. Thế rồi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thái Bình đưa anh về đây nuôi dưỡng. Được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, anh dần hồi phục và nhớ ra mình ở Điệp Đông, Hưng Hà.

Trong số bệnh binh tâm thần ở đây thì anh Lương Văn Lan (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) có số phận cay đắng hơn cả. Anh từng là giáo viên dạy giỏi lâu năm. Thế nhưng, vết thương cũ bỗng tái phát biến anh thành người lẩn thẩn, rồi bị tâm thần phân liệt. Những lúc lên cơn anh bỏ dạy, cứ trần truồng chạy khắp nơi, tối đến lại chui rúc ở đống rơm, đống rạ. Khi còn là giáo viên, anh gánh vác, lo toan mọi việc trong gia đình, thế nhưng, khi phát bệnh thì vợ con lại trở mặt bỏ rơi anh để về quê ngoại sinh sống. Anh được Sở LĐ-TB&XH đưa vào đây điều trị. Lúc mới vào trung tâm, thân thể xơ xác, tiều tụy, không nhận biết được gì, tưởng như khó có thể cứu chữa được, thế nhưng, nhờ sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, anh đã dần hồi phục và giờ đây đã tỉnh táo gần như người thường. Bệnh tình đã thuyên giảm nhưng anh không muốn về nữa, ở đây anh tìm thấy hơi ấm tình thương của những người đồng đội và được sống lại với quá khứ hào hùng của những ngày cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Nghĩa tình đồng đội

Khu nuôi dưỡng được thành lập từ năm 1979, hiện đang nuôi dưỡng 170 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là thương, bệnh binh và thân nhân những người có công với đất nước. Phần lớn trong số họ là những bệnh nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn, được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng. Ông Phạm Thế Hằng, Phó giám đốc, người đã công tác ở đây từ những ngày đầu thành lập tỏ ý lo lắng khi chúng tôi đặt vấn đề muốn vào thăm khu bệnh nhân: "Anh em ở đây có thể lên cơn tâm thần bất cứ lúc nào, khi đó, anh em sẵn sàng hành hung bất cứ ai đến gần…".

Tôi đã vào nhiều nơi nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần song tôi thật sự xúc động khi cán bộ ở đây đều gọi bệnh nhân tâm thần bằng hai tiếng thân ái: "Anh em". Ông Hằng giải thích: "Tôi cũng như hầu hết cán bộ ở đây đã gắn bó với anh em hơn hai thập kỷ nay rồi. Vả lại, với chúng tôi, ngoài là bệnh nhân, họ còn là đồng đội cùng chiến đấu trên chiến trường năm xưa".

Khu nuôi dưỡng dành riêng cho bệnh nhân nặng là một dãy nhà xây kiên cố, được ngăn thành từng phòng riêng biệt. Ông Hằng chỉ tay vào từng ô cửa sổ với những chắn song sắt vững chắc bị bẻ cong queo, nói: "Anh thấy đấy, chắn song sắt cứng thế mà anh em còn bẻ cong được. Lúc phát bệnh, họ khỏe lắm". Tôi băn khoăn không hiểu vì sao người bệnh có nhiều chuyện như thế mà những căn phòng vẫn sạch sẽ, giường chiếu vẫn được các hộ lý giặt giũ thơm tho, thì ông Hằng giải thích: "Anh em chỉ hung hãn và mất tính người khi bệnh tái phát, còn bình thường họ hiền lành và đáng thương lắm". Trò chuyện với ông Hằng và anh em bệnh nhân trong lúc tỉnh táo, tôi mới hiểu được nỗi đau tột cùng của con người cũng như giá trị cao thượng của tình đồng đội.--PageBreak--

Mất mát, hy sinh của những con người trong Khu nuôi dưỡng Tâm thần kinh Vô Hối là vô cùng lớn lao. Họ đã bị chiến tranh cướp đi cả phần con lẫn phần người, đã thế họ lại bị một số người ác miệng gọi là "thằng điên" khi lang thang ngoài đường, ngoài chợ. Ít ai biết rằng, họ tâm thần vì đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có chăng chỉ là ánh mắt cảm thông của một số người qua đường, nhưng rồi họ vội quay đi bởi đó là người điên: Bẩn thỉu và nguy hiểm.

Thế nhưng, đối với 36 cán bộ ở đây thì không những phải tiếp xúc hàng ngày với những bệnh nhân đặc biệt này mà thực sự phải sống chung với họ. Ngoài việc khám bệnh, theo dõi sức khoẻ, tâm lý còn phải có tình thương của một người thân, một người đồng đội. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều bị rối loạn bản năng ăn uống, họ có thể ăn bất cứ thứ gì. Miếng cá, miếng thịt phải gỡ xương mới dám cho bệnh nhân ăn. Mọi sinh hoạt đời thường như cắt tóc, cạo râu, tắm giặt, vệ sinh… bệnh nhân đều không có ý thức, các hộ lý, y tá phải trực tiếp làm.

Tiếp xúc với tôi, Giám đốc Nguyễn Sĩ Cật cho biết, trong số 36 cán bộ, công nhân viên thì có tới 30 người từng tham gia quân đội. Vì thế, ngoài trách nhiệm là người thầy thuốc, anh em còn là đồng đội đã từng vào sinh ra tử và giờ đây, giữa thời bình, anh em vẫn phải chiến đấu với một cuộc chiến thầm lặng có khi còn khốc liệt hơn thế. Tôi được biết, thu nhập của mỗi cán bộ, công nhân viên ở đây chỉ từ 350 - 400 ngàn đồng. Cuộc sống đâu có dư dật, lại không thể làm thêm hoặc tổ chức khám chữa bệnh dịch vụ như ở các cơ sở khác trong tỉnh. Tất cả mọi thứ từ mớ rau, cân gạo, mảnh áo cho con… đều trông vào đồng lương và tiền phụ cấp độc hại không đáng là bao.

Ông Cật kể rằng, có những người thân khi đưa bệnh nhân đến đã nói nhỏ với bác sĩ, hãy tiêm cho họ một liều thuốc để có thể chết ngay. Ông cũng hiểu hoàn cảnh của họ, bởi vì bệnh nhân mỗi khi lên cơn đã phá phách, đánh đập cả bố mẹ già. Thế nhưng, các bác sĩ ở đây hiểu rằng họ bị tâm thần là do ám ảnh của chiến tranh nên bằng những kinh nghiệm đã từng trải qua trận mạc, họ dễ thông cảm và biết cách chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Điều quan trọng với họ là phải có trách nhiệm và tình thương của người bác sĩ và người đồng đội.

Ngoài những khó khăn vất vả trong việc chăm sóc bệnh nhân thì sự nguy hiểm đến tính mạng luôn đe dọa các cán bộ, nhân viên. Hộ lý Trần Đăng Phượng khi đang chăm sóc bệnh nhân thì bị bệnh nhân đánh vào mắt. Anh đã điều trị ở nhiều bệnh viện chuyên khoa từ tỉnh đến Trung ương song không thể hồi phục được, phải bỏ một bên mắt để bảo toàn tính mạng. Y sĩ Phạm Mạnh Cường, đang tiêm thuốc cho bệnh nhân, bất thần người bệnh (vốn là sĩ quan đặc công) đá vào sườn làm gãy 3 rẻ xương. Anh Hùng (hộ lý) bị bệnh nhân dùng gạch đập vào đầu. Chị Dung (nhà bếp) bị một bệnh nhân khác ném đĩa vào mặt phải khâu 10 mũi… Gần đây nhất, bác sĩ Hà Đình Hoàng bị bệnh nhân cầm đá ném vào gáy ngất lịm, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Chúng tôi tìm gặp hộ lý Trần Đăng Phượng để nghe anh tâm sự: “Tôi đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam suốt 10 năm trời song khi trở về, thân thể vẫn còn nguyên vẹn. Vậy mà khi công tác ở đây lại bị chính đồng đội năm xưa của mình đánh hỏng một mắt, làm mất 34% sức khoẻ. Ngoài đồng lương 400.000 đồng một tháng, tôi được trợ cấp mất sức 80.000 đồng. Nằm viện hai tháng đã tiêu tốn số tiền bằng bao nhiêu năm tích cóp. Lúc đó lại phải nuôi hai con ăn học đại học, thật tưởng khó có thể vượt qua nổi". Anh trầm ngâm một hồi rồi quả quyết: "Nỗi đau của tôi chẳng thấm vào đâu so với anh em. Dù sao mình cũng còn suy nghĩ minh mẫn, còn có cả gia đình êm ấm để đi về. Đằng này anh em lúc nào cũng sống dữ dội với thời bom đạn. Lúc lên cơn thì điên điên dại dại, được lúc tỉnh táo thì lại buồn chán, mặc cảm, đến mình là đồng đội mà còn xa lánh thì tủi cho anh em lắm".

Rời cái "thế giới" riêng của những người thương, bệnh binh tâm thần bên dòng sông Diêm thơ mộng, tôi còn nhớ mãi hình ảnh, dưới gốc cây dừa ở cửa ra vào, bà mẹ già đến thăm con là bệnh nhân từ sáng đến chiều tối mà lưu luyến chưa về được. Thấy chúng tôi đi ra, anh chạy đến bắt tay và cười rất tươi. Bất chợt, trên khuôn mặt ngây ngô đó có sự biến chuyển dữ dội, anh hô to: "Tất cả chú ý. Bọn địch đã đến tầm bắn. Bắn đi. Pằng, pằng, pằng…". Nghe thế, người mẹ vội quay đi, không giấu nổi những giọt nước mắt, bà chạy ra con đê bên dòng sông Diêm, bóng người mẹ già đổ dài trên cánh đồng lúa đang thì con gái.

Nơi đây, cuộc chiến tranh chưa bao giờ kết thúc…

Thái Vị Thủy
.
.
.