Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông ở Quảng Ninh

Chủ Nhật, 07/01/2007, 10:30

Khâu tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông dù đã được đầu tư khá tốn kém nhưng vẫn chưa đủ sức làm lay chuyển nhận thức của người dân. Ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng, thời lượng thông tin về ATGT cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, mờ nhạt và không thường xuyên.

Theo tổng hợp nhanh của Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 20/12/2006, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 217 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 244 người, bị thương 91 người. Trong đó, phần lớn xảy ra tại các địa phương là đô thị lớn, tập trung như TP Hạ Long, Đông Triều, TX Cẩm Phả...

Nguyên nhân TNGT đã từng được mổ xẻ phân tích rất nhiều lần tại các văn phòng đầu não về ATGT trong tỉnh. Nhưng phân tích kiểu gì thì vẫn không đưa ra được những phát hiện mới mẻ. Trước hết là do sự hiểu biết, ý thức chấp hành luật của các đối tượng tham gia giao thông rất kém. Do đó, họ thường xuyên mắc các lỗi rất đơn giản nhưng hậu quả lại rất lớn. Đó là, người tham gia giao thông không chấp hành quy tắc giao thông, không làm chủ tốc độ, chiếm đường, thiếu quan sát khi rẽ, quay đầu xe, vượt sai quy định...

Nhưng quan trọng hơn cả những nguyên nhân không mới như đã nói, hầu như Quảng Ninh chưa thực sự kiểm soát được tình hình TNGT. Trong đó, một phần là khâu tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông dù đã được đầu tư khá tốn kém nhưng vẫn chưa đủ sức làm lay chuyển nhận thức của người dân. Ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng, thời lượng thông tin về ATGT cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, mờ nhạt và không thường xuyên.

Một số địa phương trong quá trình chỉ đạo điều hành đã coi việc kiềm chế TNGT là trách nhiệm riêng của lực lượng CSGT nên ít khi ngó ngàng, đề ra những giải pháp sáng tạo, đột phá. Thậm chí, vì chạy theo thành tích, không ít địa phương đã né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và giấu giếm số vụ việc về TNGT.

Ở khía cạnh khác, mỗi khi các hành vi vi phạm giao thông bị phát hiện, đối tượng vi phạm thay vì nghiêm chỉnh chấp hành và tự rút ra bài học nhằm tránh vi phạm lần sau, họ lại tìm cách xoay xở, chạy vạy giảm lỗi để tránh các mức phạt bổ sung như đục lỗ, tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện. Chính vì vậy, tình hình TNGT trong khi chưa được kiềm chế đã phát sinh những tiêu cực khác làm nhiễu loạn tình hình. Tính bức xúc của TNGT tại Quảng Ninh trong năm 2006 cũng vì thế mà đẩy lên mức cao so với các địa phương khác trong cả nước.

Kỷ cương cần lập lại

Theo chính quyền tỉnh Quảng Ninh, cách cơ bản và hiệu quả nhất để hạn chế TNGT là kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Để làm được điều rất dễ "nói" này, tỉnh cần tập trung cao độ để mở những đợt tuyên truyền sâu rộng, quy mô lớn chưa từng có. Công tác tuyên truyền cũng cần đổi mới. Nghĩa là phải hướng đến đối tượng cụ thể, đến từng hộ dân, từng học sinh trên địa bàn và phải có cách để kiểm chứng được sự nhận thức của đối tượng sau mỗi đợt tuyên truyền.

Đối với lực lượng CSGT nói riêng và Công an các địa phương nói chung cũng cần tiếp tục xây dựng các phương án nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu rõ rệt trước hết là số vụ TNGT. Những hạn chế này cũng cần được Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu để có những quy định phù hợp với yêu cầu kiểm soát được tình hình vốn đã và sẽ còn rất phức tạp. Nhưng quan trọng là ý thức chấp hành của người dân trong quá trình tham gia giao thông. Việc này có ý nghĩa thiết thực là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính bản thân và cũng là cho cả xã hội.

Hy vọng rằng, năm 2007 đối với Quảng Ninh sẽ là năm không để lại dấu ấn buồn vì sự gia tăng khủng khiếp về TNGT như đã từng xảy ra

Lê Minh Triết
.
.
.