Đội phân giới cắm mốc Kiên Giang:

Những việc làm thầm lặng đầy vinh quang tự hào

Thứ Hai, 27/06/2016, 09:09
Theo Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, được Ủy ban liên hiệp phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia thống nhất, địa bàn tỉnh Kiên Giang được cắm 28 vị trí mốc, trong đó có một mốc đặc biệt, một mốc A và 26 mốc C. Đến nay, Đội Phân giới cắm mốc số 10 Kiên Giang – Việt Nam và Đội Phân giới cắm mốc số 4 - Campuchia đã xác định được 22 vị trí mốc trên bản đồ.

Năm 2007, đã xây xong một mốc phiên hiệu 313 và đăc biệt năm 2012, cột mốc 314 - cột mốc có thứ tự cuối trên tuyến đường bộ giữa Việt Nam – Campuchia đã được tiến hành xây dựng xong. Với nỗ lực cao, hai đội đã xác định được 51/78 vị trí cột mốc phụ. Đã cắm thí điểm rút kinh nghiệm cho toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia một mốc phụ 311/2, đồng thời phân giới được 32,1km.

Thực hiện được những phần việc nêu trên, với cán bộ, chiến sĩ Đội phân giới cắm mốc là quãng thời gian dài, đòi hỏi phải chịu đựng nhiều khó khăn gian khổ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Các anh đã âm thầm, lặng lẽ hoàn thành xuất sắc công việc đầy tự hào và vinh quang mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Ngày nào cũng vậy, từ mờ sáng, các cán bộ thuộc Đội Phân giới cắm mốc số 10 tỉnh Kiên Giang - Việt Nam mỗi người một việc, khẩn trương chuẩn bị tư trang, máy móc hành quân lên biên giới bắt đầu những công việc của một ngày mới. Mặc dù được Ủy ban liên hiệp phân giới cắm mốc Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện, nơi ăn ở để đội hoạt động. Tuy nhiên, do đặc thù vị trí địa lý, độ dài của tuyến biên giới Kiên Giang nên càng về những cột mốc cuối công việc càng nặng nề, vất vả hơn. Địa bàn biên giới chủ yếu là kênh rạch, đồng ruộng, đầm lầy, bụi rậm...

Trong suốt quá trình tác nghiệp, xe chuyên dụng chỉ có thể đưa đội tập kết đến một vị trí nhất định. Để đến được vị trí cần xác định mốc, toàn đội đều phải đi bộ. Trong khi đó, công cụ làm việc, như máy định vị, leng, cuốc, cọc gỗ, đồ dùng trong ngày... đều do các đồng chí tự mang vác. Trung bình mỗi cột mốc nằm cách nhau hơn 10km, cũng đồng nghĩa với việc ít nhất mỗi ngày một cán bộ Đội Phân giới cắm mốc phải mang vác khoảng 40kg, đi hơn 20km trong thời tiết nắng nóng.

Khi đã hành quân đến được vị trí định sẵn trên bản đồ, mỗi người một việc khẩn trương xác định vị trí mốc trên thực địa. Tuy nhiên, việc chuyển vị trí mốc từ bản đồ ra thực địa là một công việc khó khăn nhất. Vì nó đòi hỏi người thực thi nhiệm vụ này phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và nhất là phải được sự đồng thuận của đội trưởng hai đội Việt Nam và Campuchia. Sau khi đã đo vẽ, cân chỉnh hết sức chi li, chính xác từng milimét một, hai đội mới tiến hành ký kết biên bản, đồng thời bàn giao cho các chiến sĩ Biên phòng sở tại quản lý.

Danh Niệm - tổ dẫn đường Đội Phân giới cắm mốc số 10 tỉnh Kiên Giang cho biết, từ khi đội tiến hành các mốc chính, chuyển sang xác định vị trí cột mốc phụ, công việc càng trở nên vất vả, nặng nề hơn. Hầu hết các vị trí mốc rơi vào khu đầm lầy lại không có bóng cây che mát.

Toàn đội phải mang vác công cụ, máy móc vượt kênh rạch dưới thời tiết nắng nóng. Nếu trời có mưa, giông cũng đành chấp nhận, bởi từ vị trí mốc đến các khu dân cư rất xa. Có những lúc do phải hành quân xa, anh em phải mang theo cơm, vì thường là phải làm việc đến khi nào xong mới quay về nơi đóng quân của đội.

Không cần nói, chỉ nhìn những làn da sạm đen vì nắng gió, những giọt mồ hôi thâm đẫm trên lưng áo, trên vành nón tai bèo của các anh, chúng ta cũng thấu hiểu một phần nỗi vất vả nhưng đầy tự hào của những người đi làm việc cắm mốc.

Ông Phạm Chánh Kính, Đội trưởng Đội Phân giới cắm mốc số 10 tỉnh Kiên Giang, bộc bạch: “Tuy công việc hàng ngày có hơi vất vả, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, sự giúp đỡ chân thành của nhân dân hai bên biên giới, nên công việc ngày một trôi chảy hơn.

Ngoài ra, hai đội còn được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều cả về vật chất, lẫn tinh thần của đồng bào, các đơn vị Biên phòng, lực lượng vũ trang đang đóng quân dọc hai bờ biên giới Việt Nam - Campuchia”.

Đã gần 10 năm, kể từ khi cột cọc dấu đầu tiên được cắm xuống đường biên giới, cũng từng ấy thời gian các anh em trong Đội Phân giới cắm mốc số 10 Kiên Giang gánh lên vai những trọng trách mới, cùng biết bao khó khăn, vất vả.

Do đặc thù công việc, Đội Phân giới cắm mốc phải sống tập trung, công việc gia đình đành gác lại, bởi nhiệm vụ hiện tại mà các anh đang làm là vì tương lai, vì sự bình yên, ổn định của vùng biên giới.

Tuy có khó khăn, vất vả, nhưng những gì các anh làm hôm nay là nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho đồng bào hai bên biên giới. Xây dựng một vùng biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định phát triển đi lên.

Lê Sen
.
.
.