Những trẻ không có tuổi thơ vì AIDS

Thứ Tư, 18/03/2009, 10:31
5 năm lăn lộn xứ người, anh Thuyết trở về với căn bệnh nan y: HIV giai đoạn cuối. Sau 8 tháng liệt giường, anh Thuyết ra đi, mấy tháng sau đứa con trai 4 tuổi cũng đi theo bố. Vợ anh một mình chèo chống nuôi đứa con còn lại đã may mắn không lây bệnh từ bố mẹ và em thêm 2 năm nữa cũng ngã bệnh chết.

Căn bệnh quái ác đã cướp đi người thân khi các em còn quá nhỏ tuổi, thậm chí có em mới chỉ 5-6 tuổi, chưa hề ý thức được nỗi khổ của mình. Hai cảnh đời thơ dại mà chúng tôi đã gặp trong chuyến công tác mới đây ở huyện Yên Thành (Nghệ An) có thể coi là những trường hợp điển hình về gánh nặng của căn bệnh nan y tại những vùng quê nghèo khổ, lam lũ.

Một mình trong ngôi nhà đổ nát!

Đó là trường hợp của cháu Trần Thị Oanh, hiện đang học lớp 8D, Trường THCS Bảo Thành (Yên Thành). Khi chúng tôi đến gặp em cũng là ngày giỗ lần thứ 7 của bố. Câu chuyện của Oanh ngập tràn nước mắt: Em Oanh là con đầu lòng trong một gia đình mà bố mẹ đều là nông dân. Để cải thiện cuộc sống, bố Oanh, anh Trần Đình Thuyết theo bạn vào Nam làm thợ hồ.

5 năm lăn lộn xứ người, anh Thuyết trở về, đổ bệnh nằm liệt giường. Khi đi bệnh viện tỉnh xét nghiệm máu mới hay là đã có HIV giai đoạn cuối. Đau đớn hơn, căn bệnh này đã lây sang cả vợ là chị Nguyễn Thị Hợi và đứa con trai út 4 tuổi.

Sau 8 tháng liệt giường, anh Thuyết ra đi, mấy tháng sau đứa con trai cũng đi theo bố. Mang trong mình mầm mống cái chết, chị Hợi một mình chèo chống nuôi đứa con còn lại thêm 2 năm nữa cũng ngã bệnh chết. Kể từ đấy, Oanh hoàn toàn không còn chỗ bấu víu!

Em Trần Thị Oanh trước căn nhà đổ nát.

Ở một làng quê thuần nông yên bình, cái chết liên tiếp của 3 người trong 1 gia đình vì căn bệnh AIDS là một sự kiện "xưa nay chưa hề có". Người ta bàn tán, dò xét và xa lánh Oanh. Thầy Trần Duy Tồn, giáo viên chủ nhiệm của Oanh cho biết: "Mặc dù qua 6 lần xét nghiệm HIV đều âm tính nhưng mọi người đều nhìn Oanh bằng ánh mắt ngại ngần, sợ hãi. Các bạn cùng trang lứa thì xa lánh, quá tội!".

Thầy Tồn dẫn chúng tôi đến ngôi nhà đau khổ, nơi Oanh từng có những ngày tháng êm đềm bên bố mẹ. Trong căn nhà tối om, bàn thờ nguội lạnh khói hương. Một đầu nhà đã sập nát. Quang cảnh hoang tàn! Oanh nức nở: "Mọi người tránh xa, không ai dám vào thắp hương cho bố mẹ và em!".

Được biết, sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, Oanh hết ở nhà dì đến nhà bác. Một buổi đi học, buổi chăn bò, làm cỏ lúa. Thông cảm với hoàn cảnh của Oanh, nhà trường đã miễn tất cả các khoản đóng góp cho em.

Cú sốc quá lớn đã tạo cho em mặc cảm trước bạn bè và tất cả mọi người. Sống thu mình và thỉnh thoảng lại nổi khùng khi bạn bè đụng vào nỗi đau riêng của mình. Có lẽ, cần một thời gian dài nữa, đặc biệt là cần tới sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của nhà trường, cộng đồng thì Oanh mới có thể vượt qua được nỗi đau quá lớn này.

Không được đến trường vì AIDS!

Em Oanh tuy đau khổ nhưng vẫn còn được đến trường đến lớp, tương lai phía trước vẫn còn, trường hợp của cháu Phạm Thị Thơm còn bi đát hơn nhiều! Gia đình anh Phạm Văn Dũng và chị Trần Thị Lợi ở xã Phúc Thành (Yên Thành) sống bằng nghề nông. Sau khi sinh được 3 đứa con là Phạm Thị Hương, Phạm Văn Hợp, Phạm Văn Hùng thì anh Dũng theo bạn bè đi làm thuê phương xa.

Năm 2003, anh Dũng trở về và sinh tiếp cháu Phạm Thị Thơm. Sau một thời gian đau ốm quặt quẹo không biết vì bệnh gì. Anh đi viện tỉnh xét nghiệp thì mới biết là bị HIV giai đoạn cuối. Đau đớn hơn, con virus tử thần đã lây sang cả vợ và đứa con gái út. Thơm chào đời được mấy tháng thì mất bố. Chị Lợi tay ôm tay níu nuôi con, cầm cự được 5 năm nữa thì mất. Thế là từ 2007, 3 đứa trẻ bỗng dưng thành côi cút!

Cháu Phạm Thị Thơm với ông bà nội. Ảnh: PV

Khi chúng tôi tìm về xã Phúc Thành thì gian nhà cũ của anh Dũng, chị Thơm không còn người ở, 3 đứa cháu về ở với ông bà nội. Lau vội hàng nước mắt trên gò má nhăn nheo, ông Phạm Văn Bảng trình bày: "Chúng nó chết đi để lại cho 2 kẻ già khoản nợ 5 triệu đồng và 3 đứa trẻ nheo nhóc. Cháu Phạm Thị Hương học đến lớp 10 thì phải bỏ học đi rửa bát cho người ta ngoài thị trấn. Hai đứa em thì đang cố gắng cầm cự, đứa lớp 9, đứa lớp 7. Tội nhất là con bé Thơm đây - ông ghì chặt đứa cháu vào lòng - nó không được đi học các anh ạ!".

Hỏi kỹ ra thì được biết, hai ông bà đều là thương binh hạng 4/4, lương được 900 ngàn đồng/tháng, cũng đủ rau cháo cho các cháu. Nhưng ngặt nỗi, biết cháu Thơm đã có HIV nên không ai cho con cái chơi chung với cháu cả. Đưa đến trường mẫu giáo thì bị cô hiệu trưởng từ chối với lý do "phụ huynh người ta không đồng tình cho con mình học chung với "con si đa"!

Thế là bà cháu dắt nhau lủi thủi quay về trong nước mắt. Và vì không được đi học, nên trường SOS Nghệ An đã cắt khoản tiền trợ cấp cho học sinh ngoại trú đối với trường hợp cháu Thơm. Ông Bảng ngơ ngác hỏi chúng tôi: "Mần răng cho cháu được đến trường hả các anh?".

Để rõ thực hư, ngay trong chiều 13/3, chúng tôi đã tìm gặp cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phúc Thành. Cô Thành khẳng định: Đúng là cháu Phạm Thị Thơm có đến trường xin học nhưng nhà trường không thể tiếp nhận được.

Lý do cô Thành đưa ra là: "Nếu Thơm vào học thì phụ huynh người ta cho con nghỉ học hết!". Cũng theo cô Thơm, việc này nhà trường cũng đã trao đổi, thống nhất với lãnh đạo địa phương rồi.

Làm việc với PV ngay sau đó tại trụ sở UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, ông Thạch Kim Lợi nói: "Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh cháu Thơm nhưng không thể cho cháu đi học được!". Lý do ông Lợi đưa ra cũng là: Nếu cháu Thơm đi học thì phụ huynh người ta phản đối!?

Vậy, đến khi nào xã hội, nhà trường, chính quyền địa phương mới hết thái độ xa lánh, khi nào cháu Thơm mới được đi học? Cả Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thành và Phó Chủ tịch xã Thạch Kim Lợi đều khẳng định chắc chắn trước máy ghi âm của PV rằng: "Nếu sang năm họp hội phụ huynh lấy ý kiến mà phụ huynh vẫn tiếp tục phản đối thì chúng tôi vẫn không thể tiếp nhận cháu được"(!?).

Trao đổi với PV qua điện thoại, chiều 13/3, ông Nguyễn Tiến Lợi , Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Hiện chưa nghe báo cáo trường hợp này và ông sẽ quan tâm giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Mong rằng, chính quyền địa phương không ngoảnh mặt trước lời thỉnh cầu của một bé gái bất hạnh. Qua bài viết này, rất mong những tấm lòng hảo tâm quan tâm giúp đỡ để các cháu có thể vượt qua đau khổ do căn bệnh nan y gây ra

Tuấn Thiện
.
.
.