Những tồn tại trong việc giữ Rừng quốc gia U Minh Thượng

Thứ Tư, 18/10/2006, 07:46

Trên vùng đệm Rừng quốc gia U Minh Thượng có 3.526 hộ dân từng nghèo "không cục đất chọi chim". Sau khi được giao đất, hỗ trợ vốn, họ đang ngày đêm nỗ lực thoát nghèo…

U Minh Thượng là vùng căn cứ địa cách mạng của Nam Bộ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ cách đây 15 năm, UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trương khoanh, nuôi, bảo vệ khôi phục khu rừng tràm nguyên sinh rộng 8.128ha - tức vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Thượng, đồng thời hình thành vùng đệm gần 14.300ha bao quanh.

Qua rồi cảnh một bữa cháo, hai bữa rau!

Ông Năm Hưởng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, kể tôi nghe bức tranh vùng đệm cách nay 8 năm: "Trên 60% diện tích còn hoang hóa. Nhiều hộ dân khổ quá phải đùm túm đi nơi khác làm thuê hoặc xộc thẳng vào vùng lõi U Minh Thượng lưới cá, bắt ong, rắn, rùa, chim thú… Hộ nghèo đói tăng từng ngày, hơn 1.000 hộ vùng đệm phải cứu trợ".

Năm 1999, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định xây dựng dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng. Chẳng ai ngờ rằng, vùng hoang hóa được "đánh thức". U Minh Thượng bỗng ngút ngàn bởi màu xanh của tràm, mía, khóm.

Tổng doanh thu năm 2005 vừa qua của toàn vùng đệm đạt gần 54 tỉ đồng, bình quân 20,38 triệu đồng/hộ, thu nhập trên đầu người tăng 2,5 lần so với thời điểm năm 1998. Toàn vùng hiện có gần 600 hộ khá (21,1%); gần 1.400 hộ đủ ăn (51,8%); chỉ còn 624 hộ nghèo theo tiêu chí mới (23,56%), không còn hộ đói.

Điều quan trọng là từ khi triển khai dự án, mực nước dưới chân rừng được ổn định, nạn cháy rừng đã kéo giảm đến mức thấp nhất. Hôm chúng tôi đi vào vùng đệm thuộc khu vực kênh 19, xã An Minh Bắc, nhiều người dân nơi đây rất phấn khởi cho biết, nhờ dự án mà họ được như ngày hôm nay. Tuy cuộc sống vẫn còn đạm bạc nhưng cơ bản, chuyện chạy gạo, chạy rau ăn từng ngày đã qua rồi. Cả nhà sống yên vui, hòa thuận, con cái được học hành thay vì phải trầm mình mò cua, bắt ốc, lưới cá...

Cần khắc phục những tồn tại

Dự án phát triển kinh tế nông hộ được chia làm 9 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư 181 tỉ đồng (gồm 97 tỉ đồng xây dựng cơ bản (XDCB), còn lại là chi phí sản xuất) nhưng mới có 7 tiểu dự án được thi công hoàn thành, với tổng số vuông bao nông hộ được 1.978 hộ, giá trị thực hiện gần 54 tỉ đồng. Còn hai tiểu dự án lẽ ra phải xong từ cách đây 3 năm nhưng hiện vẫn còn đó, gây ảnh hưởng khoảng 850 hộ dân và hiện còn diện tích khoảng 2.600ha chưa thể phát huy hiệu quả.

Một hạn chế khác là chính quyền tập trung cho vay XDCB số vốn lớn (bình quân 27,7 triệu đồng/hộ để múc vuông, bao), chiếm 77,1% trong khi vốn cho vay sản xuất bình quân chỉ 5,52 triệu đồng/hộ trong 5 năm.

Anh Lâm Văn Hoàng, 36 tuổi, cho biết: "Tôi đang nợ ngân hàng gần 24 triệu đồng. Trên 7.000m2 mía hiện vẫn chưa thể đốn, bán cho ai". Ông Huỳnh Hữu Việt - Cán bộ Văn phòng UBND xã Minh Thuận cho biết: "Mới đây, Nhà máy Đường Thới Bình (Cà Mau) có sang đặt vấn đề mua mía của bà con nhưng không chịu ký kết hợp đồng với bà con mà lại đòi ký với xã. Đầu ra mía năm nay hơi rối!".

Theo điều tra của chúng tôi, khi triển khai dự án, không biết quá trình khảo sát thực tế thế nào mà hộ nào cũng được giao 4ha. Đất rộng quá nên không ít hộ không có điều kiện đầu tư sản xuất. Ông Năm Hưởng nói: "Ao vuông của bà con bây giờ muốn trồng mía, khóm, hoa màu trúng, nuôi cá được, thì phải đầu tư đào tiếp một con kênh, lắp cống để thoát phèn ra đê bao ngoài".

Một cán bộ của Sở NN&PTNT thì phân tích thêm: "Công tác khuyến nông thời gian qua chưa đáp ứng nâng cao kiến thức cho người dân; chưa xác định rõ cơ cấu sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể từng tiểu vùng. Việc sản xuất của một số tiểu vùng vẫn còn mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu tính bền vững. Nhiều hộ dân có nguy cơ bị tái nghèo trở lại". Một số liệu khảo sát chưa đầy đủ của ngành chức năng, toàn vùng đệm có đến gần 900 hộ sang bán hoặc cầm cố đất.

Ngân hàng và chủ đầu tư - Công ty Nông lâm sản, hiện đang "khóc ròng" vì từ khi giải ngân cho vay đến nay, đã có gần 33 tỉ đồng hết hạn thanh toán nhưng thu hồi hết sức nhỏ giọt. Ông Việt cho biết: "Hầu hết người dân vùng đệm không thể tích lũy được. Hiện mọi chi tiêu hằng ngày của bà con đều bám víu vào khóm".

Ban chỉ đạo Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá vùng đệm U Minh Thượng cho biết, để gỡ khó cho bà con, UBND tỉnh có thể xem xét, trình Chính phủ chuyển vốn đầu tư tín dụng sang hình thức cho vay theo chỉ định của Chính phủ.

UBND tỉnh cần ban hành chính sách bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho hộ vay; xem xét cho những hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách. Nhiều hộ dân kiến nghị tỉnh không nên thu lại phần tạm ứng lãi vay XDCB năm đầu cho dân để trả ngân hàng. Số thu được ngân hàng sẽ trừ vào nợ gốc hoặc lãi cho hộ vay

Binh Huyền
.
.
.