Những người lính nông dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Ba, 29/04/2014, 11:48
Sau 60 năm, người Pháp nói riêng và nhân loại nói chung vẫn còn băn khoăn về một câu hỏi: Điều thần kỳ nào đã trợ giúp cho một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam, một đội quân vừa thành lập được 10 năm như Quân đội nhân dân Việt Nam có thể đánh bại một đạo quân viễn chinh nhà nghề thiện chiến của Pháp, trong một cứ điểm vào loại kiên cố nhất thời bấy giờ.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều về đường lối, nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ; về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,… Nhưng suy cho cùng, sức mạnh san bằng “pháo đài không thể công phá” trong suy nghĩ của người Pháp nằm ở những người lính nông dân rất đỗi bình thường. Giữa một rừng chương trình nghệ thuật kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, Giai điệu Tự hào số 4 lấy hình ảnh người nông dân làm gốc, ngợi ca những con người vô danh đã làm nên chiến thắng chấn động.

Nói sức mạnh nông dân làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ bởi hầu hết lực lượng trong số khoảng 5-6 vạn bộ đội tham gia chiến dịch được động viên từ các miền quê. Ngoài ra, hơn hai mươi vạn dân công vận tải hậu cần của ta là đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với những thứ vũ khí nhân dân.

Tại sao Việt Minh có thể huy động được sức mạnh của nông dân, những người còn đang vật lộn với 3 thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, vụt trở thành những Thánh Gióng trong trận Điện Biên Phủ như vậy? Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ họ đã sống trong đêm dài nô lệ quá lâu, đã được vỡ òa trong niềm vui của ngày độc lập, rồi lại bị bóp nghẹt những niềm hy vọng khi quân Pháp quay trở lại Đông Dương. Và họ phải tiếp tục cuộc trường chinh của mình bảo vệ nền độc lập non trẻ mà họ vừa giành được. Nhưng nguyên nhân trực tiếp không kém phần quan trọng đó là chính sách cải cách ruộng đất. Từ tháng 12/1953, Luật Cải cách ruộng đất được quốc hội thông qua. Tháng 7/1954, cải cách ruộng đất được thực hiện ở Thái Nguyên và Thanh Hóa, kết quả này đã có tác dụng to lớn trong việc động viên nhân dân ở hậu phương cũng như bộ đội ở tiền tuyến, nhân dân vùng tự do, cũng như vùng tạm chiếm hăng hái đẩy mạnh sản xuất kháng chiến. Còn những người lính nông dân thì sao? Cha mẹ, vợ con của họ đã có mảnh đất để canh tác. Họ ra đi chiến đấu để bảo vệ quyền sở hữu mà sau bao đời đã qua, giờ mới được trao vào tay mình.

Và chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện chất nông dân đậm nhất.

Những người nông dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đầu tiên phải kể đến những phương tiện vận tải đảm bảo cho chiến dịch. Bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, ta đã huy động dân công từ vùng kiểm soát đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Rồi chỉ bằng bàn tay, cuốc, xẻng,… trong một tháng, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm một việc đồ sộ. Đó là, con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 82km, trước đây chỉ rộng 1m, đã được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15km. Chính sách lược này đã gây nên bất ngờ lớn với quân Pháp, làm đảo lộn những tính toán trước đây. Các nhà quân sự Pháp, Mỹ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đường sá thô sơ của Việt Nam không thể đọ nổi cầu hàng không hiện đại và càng không thể ngờ rằng, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, nhân dân Việt Nam đã chuyên chở hàng chục ngàn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch.

Rồi quá trình giành giật trận địa với địch trong suốt 56 ngày-đêm, sự sáng tạo khi chiến đấu cũng bắt nguồn từ lối suy nghĩ rất hồn hậu của người quê. Để tránh bị sát thương do vũ khí địch thì đào hào thít chặt vòng vây như chuột dũi, lối tác chiến đặc sệt của dân cày cuốc. Để che đỡ hỏa lực địch thì dùng rơm cuốn. Để đi thẳng vào trung tâm trận địa địch thì đào hầm ngầm như trò chơi ú tim của trẻ chăn trâu… Không phải là tư duy nông nghiệp thì làm sao có những sáng tạo chưa từng được ghi chép trong chiến lệ thế giới, song lại hiệu quả không ngờ như thế.

Và cuối cùng, tại sao chúng ta không suy luận rằng, quyết định mang tính lịch sử của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển từ đánh nhanh - thắng nhanh sang đánh chắc - tiến chắc cũng là phản ánh tư duy rất nông dân Việt Nam, đó là “ăn chắc mặc bền”.

Rồi các nhạc sĩ viết những “Hò dân cày”, “Ăn no đánh thắng” (Văn Chung); “Bộ đội về làng” (Lê Yên); Hò kéo pháo (Hoàng Vân);… đều bằng ngôn ngữ nông dân và giai điệu đồng quê Việt. Có người bảo, các văn nghệ sĩ kháng chiến viết thế là để cổ động cho cuộc kháng chiến, vì mục đích chính trị thôi. Nhưng phải nói đúng hơn rằng, đấy là sự phản ánh của văn nghệ từ mảnh đất hiện thực đầy sôi động và khí thế của nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện mà chúng ta đã tiến hành để làm nên thắng lợi vĩ đại, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để chúng ta thêm một lần tự hào vì những người nông dân thuần phác mà anh hùng của dân tộc Việt Nam ta

Nguyễn Minh Cường
.
.
.