Những người làm tờ báo đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn
Những phóng viên của tờ Trường Sơn năm xưa có người đã hy sinh ngay trên chiến trường, có người vừa mới ra đi vì tuổi cao sức yếu, cũng có người còn sống và thành đạt, nhưng tất cả đều tự hào về những năm tháng làm báo ở chiến trường.
Tờ báo nơi đầu tuyến lửa
Đại tá Lục Văn Thao, Tổng Biên tập duy nhất của báo Trường Sơn bây giờ đã ngoài 80 tuổi. Ông vẫn còn giữ hai số báo của tờ Trường Sơn và như là một thứ kỉ niệm nhắc nhở về một thời làm báo đầy kỳ tích ở chiến trường.
Những năm 1965 - 1966, ấn phẩm báo chí đầu tiên của Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra đời, mang tên "Hoa thắm Trường Sơn", sau một thời gian thì đổi thành tờ "Trường Sơn gang thép". Lúc này tờ báo đăng tải những thông tin đơn thuần về hoạt động của bộ đội trên khắp dải Trường Sơn.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng - một trong những phóng viên gắn bó với tờ báo từ những ngày đầu nhớ lại: "Ở tờ “Trường Sơn gang thép” hồi đó ngoài tôi ra còn có đồng chí Cao Cân và cô Phạm Thị Ngọc Huệ. Tờ báo chẳng có Tổng biên tập hay Thư kí toà soạn. Cả ba chúng tôi đều phải kiêm trách nhiệm của cả phóng viên và biên tập viên".
Toà soạn của báo hồi đó chỉ có một cái lán trại nhỏ và một cái hầm tránh đạn, nhưng địa điểm thì liên tục thay đổi tuỳ theo yêu cầu của cuộc chiến và để tránh những cuộc tấn công của địch. Không có phương tiện kỹ thuật để in ảnh, phóng viên của báo phải viết bài và vẽ minh họa trên giấy nến rồi mới đem đi in. Nhưng trong thời kỳ đó, dù không ra được định kỳ, tờ "Trường Sơn gang thép" vẫn xuất bản khá đều đặn 1 - 2 số báo/tháng với số lượng hơn 1.000 bản để phát đến cấp đại đội, cung cấp thông tin quý giá cho những người lính nơi tuyến lửa.
Phải đến tận năm 1969, khi báo "Trường Sơn gang thép" đổi tên thành báo "Trường Sơn", tờ báo mới bắt đầu được in tipô. Nhà báo Lục Văn Thao (khi ấy là Trưởng phòng Quân sự báo Quân đội nhân dân tăng cường cho Trường Sơn) trở thành Tổng biên tập đầu tiên và cũng là duy nhất của báo Trường Sơn.
Ông nhớ lại: "Tờ báo Trường Sơn của chúng tôi đã ba lần thay tên và mỗi lần đổi tên là một lần nó được lột xác. Phóng viên của báo chỉ hơn 10 người nhưng luôn túc trực ở những cao điểm nóng như trọng điểm ATP, đỉnh Xeng Phan... Từ một tờ tin nội bộ, báo Trường Sơn đã phát triển thành một tờ báo đúng nghĩa, với lượng thông tin dồi dào, trở thành tờ báo được yêu thích nhất ở chiến trường".
Từ năm 1969 đến 1975, trung bình mỗi số tờ Trường Sơn in 5.000 bản, cấp phát đến cho từng đơn vị. Những người lái xe tại Trường Sơn nghiễm nhiên trở thành những "tình nguyện viên" phát báo. Những bịch báo được ném dọc hai bên đường đi để cho bộ đội hành quân tự mang về đơn vị. Bất kể điều kiện làm báo thời chiến có thiếu thốn, báo Trường Sơn vẫn thực sự được các chiến sĩ yêu quý. Ông Thao tự hào nói: "Nhiều tờ báo được chiến sĩ truyền nhau đọc đi đọc lại đến nát cả ra. Nhiều chuyên mục hay như tấm gương người lính trong chiến đấu, các tác phẩm thơ văn đã trở thành chuyên mục yêu thích của người lính”.
Những người làm báo nơi chiến trường
Tham gia xây dựng báo Trường Sơn ngày ấy có nhiều cây bút tên tuổi như nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu, nhà báo Như Phong... Họ đều là những cây bút được các chiến sĩ yêu thích.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, có những nhà báo của tờ Trường Sơn đã nằm lại mãi ở chiến trường. Những người từng công tác ở báo Trường Sơn vẫn tiếc nuối cho sự ra đi của nữ phóng viên Phạm Thị Ngọc Huệ. Là một cô gái thông minh và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, chị bỏ giảng đường đại học, viết thư bằng máu để tình nguyện đến chiến trường.
Hồi ấy, Ngọc Huệ là bông hoa đẹp nhất của núi rừng Trường Sơn, không chỉ thế, chị còn hát rất hay và có khả năng chơi cờ vào bậc cao thủ. Trong những ván cờ, chị đã từng đánh bại cả chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và những chuyên gia Trung Quốc vốn nổi tiếng cao cờ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đi thực tế ở chiến trường đã phải thốt lên rằng: "Chưa gặp Ngọc Huệ là chưa hiểu hết về Trường Sơn".
Chân dung phóng viên - liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ. |
Là phóng viên nữ duy nhất của báo Trường Sơn, chị được tất cả các đơn vị bộ đội yêu quý, chào đón. Chị còn được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhận làm con nuôi. Trong một lần đi tác nghiệp cùng với đoàn văn nghệ ở đèo Pú Khao (thuộc tỉnh Khăm Muộn - Lào), chị đã bị vướng mìn và hi sinh do mất quá nhiều máu. Chị được an táng ngay tại chiến trường Lào, nhưng tiếc là đến nay, dù không ít lần bỏ công tìm kiếm, đồng đội vẫn chưa thể tìm thấy mộ chị.
Thế hệ những người làm báo Trường Sơn cách đây 40 năm đều đã trở thành những nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hoàng Kim Đáng từng giữ chức Phó tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh Việt