Những người "cược mạng" để đào vàng

Chủ Nhật, 19/06/2011, 08:21
Tại khu vực mỏ núi đá cheo leo, vách đá sừng sững này, khi trời vừa tối, trong vai người khai thác quặng, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đi vào chốn "vàng tặc" với hàng trăm hang ngách ăn sâu vào núi nhiều cây số, thông liên hoàn với nhau như một ma trận, nếu không thông thạo địa hình thì chỉ có nước ở lại luôn trong hầm lò.
Từ khai thác "chui" và phá tan các đồi núi, không những thế mà trong 1 năm qua hàng ngàn "vàng tặc" ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam đổ xô vào mỏ vàng Bồng Miêu cướp quặng gần chục lần, đánh trọng thương nhiều bảo vệ và đập bể một số tài sản của công ty. Sự việc này không dừng lại ở con số này, mà thời gian vừa qua trên địa bàn Quảng Nam liên tục xảy ra nhiều vụ sập hầm, bao mạng người vĩnh viễn nằm sâu dưới hàng ngàn khối đất đá nhưng vì cuộc mưu sinh và khát vọng làm giàu, họ liều mình đánh đổi tất ca. Nổi cộm nhất, vào ngày 14/6, tại khe nước Voi, huyện Nam Giang, Quảng Nam đã xảy ra sạt lở núi làm 6 "phu vàng" thiệt mạng.

Nhập vai "phu vàng"

Những ngày tháng 6, xảy ra hai vụ cướp quặng lớn nhất tại mỏ vàng Bồng Miêu. "Vàng tặc" cướp đi gần 30 tấn quặng và đánh 2 bảo vệ trọng thương, cướp 2 xe máy của công nhân, phá và đập tài sản của Công ty Vàng Bồng Miêu. Trước vấn đề cấp bách này, chúng tôi về lại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Sau nhiều lần năn nỉ được làm công nhân khai thác vàng, một nhóm người trú tại xã Tam Lãnh đã đồng ý cho chúng tôi đi theo để khai thác quặng vàng chui ở các núi, rừng trên địa bàn xã Tam Lãnh. Từ trung tâm xã Tam Lãnh, chúng tôi cuốc bộ gần chục cây số đường rừng để có mặt tại vực AD, ngách Chụm thuộc thôn Bồng Miêu.

Văn bản của Công an huyện Phú Ninh báo cáo sự việc tại mỏ vàng với Bí thư và Chủ tịch huyện Phú Ninh.

Tại khu vực mỏ núi đá cheo leo, vách đá sừng sững này, khi trời vừa tối, trong vai người khai thác quặng, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đi vào chốn "vàng tặc" với hàng trăm hang ngách ăn sâu vào núi nhiều cây số, thông liên hoàn với nhau như một ma trận, nếu không thông thạo địa hình thì chỉ có nước ở lại luôn trong hầm lò.

Khi tôi nói lo lắng việc sập hầm, thì một người trong nhóm cho biết: "Việc sập hầm là chuyện thường, đã từng xảy ra những vụ chết người"… Theo anh ta, thường thì ngày, đêm ở các khu vực hang động này có hàng trăm người khai thác quặng vàng trái phép. Trong đó có những nhóm người được thuê làm để nhận tiền công. Lực lượng chức năng không rành hang ngách bằng họ, nên có truy quét họ nấp đâu đấy, khi lực lượng này đi rồi thì họ tiếp tục công việc của mình.

Bảo vệ của mỏ vàng Bồng Miêu Hồ Thanh Tịnh bị dân cướp quặng đánh "toác đầu" vào ngày 4/6.

Mờ sáng hôm sau, tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình đi đến bãi khai thác quặng lộ thiên tại bãi Đồi Sim. Ở đây, cho dù các cơ quan chức năng liên tục xuất hiện truy quét, nhưng tờ mờ sáng vẫn có hàng trăm người tập trung khai thác quặng vàng. Anh Nguyễn Th.Ph., một người ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh cho biết: "Hằng ngày tôi vào đây khai thác quặng để bán, mỗi ngày được khoảng một trăm nghìn đồng!". Còn ông Nguyễn D., người Tam Ngọc, TP Tam Kỳ dẫn cả gia đình gồm 3 cha con lên đây khai thác quặng. "Chẳng biết làm gì để kiếm sống nên phải lên đây chú ơi! Chứ nghề ni gian khổ lắm" - ông D. nói.

Cái chết về "vàng" đã được cảnh báo trước

Thống kê của UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết: Hiện toàn xã có 5.150 hộ, 7.000 nhân khẩu, đa phần những hộ này đều thuần nông, chuyên nghề canh tác và trồng rừng. Nhưng do "sức hút" của vàng nên hiện tại đã mất hơn 1/3 hộ đi theo làm "vàng tặc". Hầu như gia đình nào cũng có người làm "phu vàng", cả phụ nữ, người già, thậm chí trẻ em cũng bỏ học theo gia đình trốn lên núi làm "phu vàng" (chiếm trên 30%) bởi mức thu nhập hấp dẫn từ 200 - 400 ngàn/ngày/"phu vàng".

Như chúng tôi đã từng thông tin, vào đầu năm 2008, cũng như nhiều thanh niên khác trong thôn, 2 con trai lớn của chị Hoa là Huỳnh Văn Xin (SN 1982), Huỳnh Văn Linh (SN 1991) khăn gói vào bãi vàng ở núi Thánh Giá (huyện Phú Ninh) làm ăn. Trong một đêm mưa gió, lúc họ đang đào xới dưới hầm sâu, đất bỗng dưng đổ sập, chôn vùi cả 2 anh em trong chốc lát.

Tiếp đến tháng 10/2008, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Dũng, chị Huỳnh Thị Tình cùng con trai lớn là Nguyễn Thành Trung (15 tuổi) đã bị chôn vùi dưới hầm sâu tại bãi vàng Sũng Mù (huyện Phú Ninh), để lại 3 đứa con thơ.

Hàng trăm "vàng tặc" đổ xô vào cướp quặng thuộc khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Tang thương nhất là vào ngày 5/11/2009, tại bãi vàng Nước Vin (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My), do mưa lớn kéo dài, nước thấm xuống các hầm khai thác vàng, tích lại làm đất nhão khiến nửa quả đồi đổ ập xuống, chôn vùi hai lán trại, cướp đi 13 sinh mạng và làm 7 người bị thương nặng.

Và mới đây nhất vào ngày 14/6, tại khe Nước Voi nơi giáp ranh giữa hai xã Tàbing và Chàval của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, trời mưa to dẫn đến đồi núi bị sạt lở vùi chết 6 "phu vàng".

Trao đổi với ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, chúng tôi được biết: Mặc dù chính quyền xã đã liên tục kêu gọi, tuyên truyền, cảm hóa giáo dục, thậm chí cả hỗ trợ vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm cho "phu vàng", nhưng cũng đành bất lực trước sự ồ ạt, manh động, liều lĩnh của "vàng tặc"…

Một vụ sập hầm vàng ở nước Vin, huyện Nam Trà My dẫn đến 13 "phu vàng" bị chôn vùi.

Hiện tại, có đến hàng trăm "phu vàng" từ các xã, tỉnh lân cận và cả từ các tỉnh phía Bắc vào… luồn lách trong các hang, hầm vàng. Sau đó lực lượng truy quét xuất hiện, họ đã chạy trốn để lại hiện trường ngổn ngang hầm hố. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng chức năng của xã và huyện Phú Ninh đã tổ chức truy quét rất nhiều đợt, thu gần 50 máy xay đá quặng, gần 10 máy phát điện, đẩy đuổi 500 người ra khỏi khu vực, tạm giữ 21 xe máy, phá hủy trên 20 lán trại lò trái phép tại khu vực thác Trắng. Nạn "vàng tặc" ngày đêm hoành hành, nhưng lực lượng chức năng của xã còn rất mỏng nên khó kiểm soát hết "vàng tặc".

Ông Trần Hà Tiên - Tổng Giám đốc Công ty Vàng Bồng Miêu, cho biết: "Bọn "vàng tặc" luôn ẩn nấp sẵn trong rừng, hễ chúng tôi sơ hở là ùa vào cướp quặng ngay". Theo ông Tiên, công ty đã bất lực vì không đủ nhân lực để bảo vệ và quản lý. Đồng thời, khu vực khai thác của công ty này nằm xen kẽ với đất rừng của người dân địa phương nên khó có thể ngăn "vàng tặc" tiếp cận, xâm nhập vào bên trong.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt gần 20 vụ khai thác vàng trái phép, trong đó có 2 vụ sập hầm vàng làm 3 người chết...

An Khang - Gia Hân
.
.
.