Những người châu Phi lang thang ở TP HCM

Thứ Sáu, 08/06/2007, 10:22

Trước đây công viên 23-9 (TP HCM)  là địa điểm tụ tập của cả trăm người châu Phi lang thang, gây mất an ninh trật tự. Sau khi cơ quan Công an thu gom, trục xuất một loạt đối tượng nhập cư bất hợp pháp, đến nay số lượng này đã giảm nhưng vẫn còn gần 20 người. 

Gần như đóng đại bản doanh trên Công viên 23-9, hết ngồi vật vờ trên ghế đá lại loanh quanh đi từ góc này sang góc khác, bộ đồ đặc trưng, hiếm khi thay đổi là chiếc áo phông trắng và quần thô đỏ chóe, đôi giày thể thao dễ khiến những người làm việc, sinh sống quanh công viên nhận ra anh ta giữa hàng chục người đàn ông châu Phi thường xuyên lang thang tại đây.

Những công dân bất đắc dĩ trên Công viên 23-9

Không biết tên thật của anh ta là gì, đến từ quốc gia nào, nhưng theo anh Lê Đức Dương, Tổ trưởng Tổ bảo vệ công viên thì anh ta đã xuất hiện ở công viên khá lâu. Thấy anh ta cũng có vẻ hiền lành, sống khổ quá nên người ta gọi là Cu Khổ. Suốt một thời gian dài Cu Khổ chỉ lang thang vật vờ ở công viên. Đôi lúc có người thương tình cho anh ta điếu thuốc, người cho vài nghìn lẻ.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trước đây, Công viên 23-9 là địa điểm tập trung rất nhiều đối tượng người châu Phi lang thang, không thấy làm công việc gì, thỉnh thoảng đi xin vài nghìn ăn cơm.

Nghĩ chúng tôi là người của tổ chức từ thiện nào đó, một chị bán hàng vặt bên đường xởi lởi nói, thấy họ sống khổ quá nên vài lần chị có cho họ mấy nghìn đồng ăn cơm. Cứ ra mấy quán cơm bụi buổi trưa sẽ thấy một số người ăn khổ lắm, chỉ có cơm với nước tương…

Nhiều bảo vệ tại công viên cho biết thêm, trước đây công viên là địa điểm tụ tập của cả trăm đối tượng lang thang là người châu Phi, gây mất an ninh trật tự cho khu vực. Đuổi chỗ này, họ chuyển chỗ khác.

Sau khi hàng loạt vụ phạm pháp liên quan đến những đối tượng này bị phanh phui và cơ quan Công an tiến hành thu gom, trục xuất một loạt đối tượng nhập cư bất hợp pháp, đến nay số lượng này đã giảm hẳn, chỉ còn chưa đến hai mươi người… 

Cuội… cũng chào thua?!

Sau khi tham khảo một loạt ý kiến cảnh báo về các thủ đoạn của các đối tượng vô gia cư trên, trong vai một người thả bộ quanh công viên, chúng tôi nhận thấy, bất kỳ phụ nữ nào dạo bộ nơi đây đều nhận được vô số lời chào làm quen khá thân thiện của họ.

Thử gật đầu đáp lại lời chào của hai anh chàng trong số nhiều nhóm đang đứng, ngồi rải rác trong công viên, ngay lập tức chúng tôi nhận tiếp lời mời ngồi chơi nói chuyện.

Một chàng giới thiệu tên Jame, đến từ Jamaica, sang Việt Nam kinh doanh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi kinh doanh lĩnh vực gì, anh chàng đều tỏ ý không hiểu, bảo chỉ biết tiếng Anh chút chút, tiếng Việt cũng không hơn. Tất cả thông tin chỉ dừng lại ở tên, tuổi, quê quán và những câu nịnh đầm…

Rời công viên, chúng tôi tản bộ khu dân cư đã nghe nói có nhiều người châu Phi khác ở trọ. Nối giữa mặt tiền phố Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện hào nhoáng, tấp nập, vô số các con ngõ nhỏ hẹp nối chằng chịt như những mê cung. Lọt vào con ngõ 241 hun hút, chúng tôi không thể ngờ con ngõ nhỏ này lại đông đúc như một cái chợ thu nhỏ.

Trước tiền sảnh một hàng ăn trong ngõ ngổn ngang những anh chàng người châu Phi đứng, ngồi trên xe. Hai chị Hương, Châu bán hàng trong ngõ cho biết: Đây là quán chuyên bán hàng ăn cho những người da đen. Có khi họ đến ăn rồi lấy luôn chỗ ngồi để ngủ. Nhiều đêm họ ở khuya quá, chủ quán phải đuổi mới chịu đi.

Trước đây, khu này tập trung nhiều người châu Phi thuê nhà trọ nhưng sau hàng loạt vụ việc rắc rối: những vụ xô xát, cặp kè, lừa đảo, xin tiền những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, chủ nhà bị họ quỵt tiền thuê nhà, các chủ cho thuê ở đây đã tẩy chay, không chịu cho họ thuê nữa…

Gần một tháng sau trở lại công viên, chúng tôi được biết, Cu Khổ không còn lang thang 24/24h tại đây nữa. Nhìn anh ta có vẻ chững chạc với bộ đồ khá tươm tất, lại nghe anh ta khoe đã đi đá banh cho đội bóng nào đó gần khu vực Công viên Văn hóa Đầm Sen.

Khi anh này lịch sự đề nghị ra quán cà phê nói chuyện cho tiện, không hiểu sao chúng tôi chợt mừng và nghĩ, cái tên Cu Khổ đã không còn đúng nữa. Anh ta nói tiếng Việt rất sõi, bảo rằng, quê ở Nam Phi, đã sang Việt Nam được 6 năm, hiện nay đang thuê nhà dưới Thủ Đức, 6h chiều phải đi đến điểm hẹn đá bóng.

Tuy nhiên, đến sát 6h, chúng tôi nhắc thì anh ta lại bảo ngày mai mới đá.

Bài ca muôn thuở của những người châu Phi vô gia cư thêm một lần nữa được lặp lại: Con gái Việt Nam rất đẹp, em rất đẹp, ngày mai anh em đi chơi nhé, em có nhiều tiền không…

N.Hoa
.
.
.