Những ngôi mộ vô danh và khúc tráng ca của con tàu không số

Thứ Ba, 25/10/2011, 13:56
14 ngôi mộ vô danh nằm ở nghĩa trang Ninh Hòa, Khánh Hòa. Những mảnh sắt vụn hoen gỉ vì nắng mưa còn vương lại trên lưng chừng ngọn núi Bà Nam. Đó là tất cả những gì còn lại của con tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy trong Đoàn tàu không số năm nào… Nhưng tên tuổi của những người anh hùng trên con tàu lịch sử ấy, mãi trở thành dấu son trong truyền thống bất khuất của dân tộc với tất cả niềm tiếc thương, kính trọng.

Cuốn "Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân" (tức Đoàn tàu không số) còn ghi lại: sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận lệnh tuyệt mật về việc chuyển vũ khí vào Nam. Một trong 4 con tàu lên đường trong lần ấy, là tàu 235, gồm 20 người, do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh điều khiển, 2 Thuyền phó là Nguyễn Tương và Đoàn Văn Nhi, vượt sóng vào Hòn Hèo (Khánh Hòa).

Đêm 29/2, sau 2 ngày rời bến, tàu 235 vào hải phận Khánh Hòa thì bị lộ. Thuyền trưởng Phan Vinh khẩn trương cho thả hàng xuống Ninh Phước để du kích mò vớt lên sau, rồi đưa thuyền xuống Ninh Vân cách đó 10 hải lý để vị trí thả vũ khí không bị lộ. 7 tàu chiến địch bám đuổi, bao vây, trên đầu là máy bay địch quần đảo, bắn phá, nhằm bắt sống thủy thủ tàu 235 cùng tàu vũ khí. Tàu của ta vừa vòng tránh, vừa đánh trả, đã bắn cháy một tàu địch. Điên cuồng, chúng bắn pháo lớn và cuộc chiến nhanh chóng trở nên khốc liệt. 5 chiến sĩ trên tàu hi sinh, còn lại đều bị thương. Dẫu đã dính đạn, Thuyền trưởng Phan Vinh vẫn tiếp tục động viên anh em chiến đấu.

Khi biết không thể đương đầu trước thế địch quá mạnh, Thuyền trưởng Phan Vinh định đưa tàu lao thẳng vào đội hình địch, phá vòng vây ra khơi, nhưng không may lúc đó máy đã hỏng nặng. Thuyền trưởng Phan Vinh quyết định cho thương binh và liệt sĩ rời tàu, số người còn lại cài kíp nổ để hủy tàu. Đích thân anh và máy trưởng Ngô Văn Thứ, cũng đã bị thương nặng, chui vào khoang máy hẹn giờ nổ.

2h30 sáng 1/3/1968, một tiếng nổ vang rền khắp vùng biển Hòn Hèo. Sức công phá của một tấn thuốc nổ đã xé con tàu làm đôi, một nửa chìm sâu dưới sóng biển gầm réo, một nửa bắn lên, dính chặt vào núi Bà Nam. Ngay sau đó, máy bay địch lao đến bắn phá, dọn đường cho bộ binh bao vây, lùng sục nhằm bắt sống các thủy thủ tàu 235 vừa rút lên bờ. Thuyền trưởng Phan Vinh và anh Thứ đã trụ lại và kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, để đồng đội rút lui. Nhưng do bị thương quá nặng, đạn lại hết, các anh đã anh dũng hy sinh.

Hòn đảo mang tên Anh hùng Phan Vinh.

Anh Trà Thái Lâm, Chủ tịch xã Ninh Vân, kể lại: Hồi đó, còn nhỏ, nhưng anh còn nhớ, sau khi tàu nổ, có 2 người dạt vào chân núi và đánh trả địch dữ lắm. Gần sáng thì không nghe tiếng súng nữa. Khi địch mò đến nơi, 2 người đã tắt thở. Cay cú, bọn địch đã tưới xăng vào người 2 liệt sĩ và châm lửa đốt...

Số thủy thủ của tàu 235 còn lại 7 người, do Thuyền phó Đoàn Văn Nhi chỉ huy, đã dìu nhau khắp núi Hòn Hèo tránh sự truy lùng của quân địch. Suốt hơn 10 ngày dưới nắng gắt, thiếu lương thực, nước uống, tất cả đều kiệt quệ. Anh Mai Văn Khung (lái tàu) khát nước không chịu nổi, lần mò xuống núi tìm nước nên đã bị địch bắt. Anh Nhi yêu cầu mọi người tiếp tục đi tìm cách liên lạc với du kích địa phương, để mình anh ở lại, nếu địch đuổi theo thì sẽ đánh chặn. Chia tay anh Nhi được 1 ngày thì các thủy thủ gặp được du kích, đồng đội quay vào rừng đón anh Nhi, nhưng nơi anh nằm chỉ còn lại mảnh áo rách và cuộn băng cá nhân thấm máu. Những người còn lại dìu nhau vượt Trường Sơn ra Bắc và nửa năm sau, mới có mặt ở Đồ Sơn.

Nói về sự kiện này, tạp chí "Lướt sóng" của Hải quân ngụy cũng phải ghi nhận: "Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập và tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết"...

Theo nhật ký của liệt sĩ Hường (hy sinh năm 1969) thì 9 chiến sĩ trên tàu 235 hy sinh đã được du kích chôn cất tại chỗ. Sau giải phóng, địa phương qui tập về nghĩa trang huyện được 7 ngôi mộ. Khi đào lên, chỉ vài ba ngôi còn lại ít xương, đa phần là mảnh vải dù hoặc tấm nilong, nên đành chôn xuống khu mộ vô danh trong nghĩa trang huyện.

Chuyến đi bi tráng này là chuyến đi thứ 11 của Thuyền trưởng Phan Vinh, người con ưu tú của mảnh đất Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam đã cầm súng đánh giặc từ năm 13 tuổi, trưởng thành từ vùng địch hậu nổi tiếng kiên cường. Năm 1970, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1990), một hòn đảo đã vinh dự được mang tên người thuyền trưởng tàu 235 quả cảm.

Năm 1998, tên anh cũng được đặt cho một ngôi trường ở TP Đà Nẵng: Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh… Mới đây, Lữ đoàn 125 đã xây ở Ninh Vân một tấm bia tưởng niệm chiến công của tàu 235 cùng tên tuổi, quê quán của 15 cán bộ, thủy thủ đã hy sinh tại Hòn Hèo vào đêm 1/3/1968

Thanh Hằng
.
.
.