Những nẻo đường lịch sử

Thứ Ba, 05/04/2005, 06:50
Đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh cho các đơn vị ở chiến trường.

Mệnh lệnh nêu rõ: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Sáng 8/4/1975, Nguyễn Thành Trung, Trung úy lái máy bay, là người của ta hoạt động trong hàng ngũ địch và hai sỹ quan khác cùng nhận lệnh của ngụy quyền Sài Gòn từ sân bay Biên Hòa ném bom vùng mới giải phóng.

Nhưng Nguyễn Thành Trung lấy cớ máy bay bị trục trặc rồi lái vòng về Sài Gòn và ném bom xuống Dinh Độc Lập, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Sự kiện này làm cho tình hình ở Sài Gòn thêm náo động, địch bắt đầu dùng trực thăng di tản nhân viên và gia đình người Mỹ khỏi Sài Gòn.

Nhằm cứu vãn sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Nghị viện được chỉ định làm Thủ tướng lập nội các mới. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: "Đây là Chính phủ chiến đấu, thương lượng nhưng không đầu hàng". Thế nhưng, đi ngược với lời tuyên bố đó, các sỹ quan cao cấp ngụy quyền Sài Gòn lại tìm cách đưa gia đình chạy trốn.

Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, ngay từ tháng 3/1975, Ban An ninh TW Cục và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định đã điều động gần 1.500 cán bộ, chiến sỹ an ninh với khoảng 1.000 cơ sở của ta hoạt động trong nội thành. Đến tháng 4/1975, các lực lượng này đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng làm nhiệm vụ phối hợp với quân đội và quần chúng tiến công, nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu, bảo vệ tài liệu…ở Ban An ninh TW Cục, đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử làm Phó Chủ tịch ủy ban quân quản phụ trách An ninh nội chính.

Tiểu ban An ninh nội chính được thành lập do đồng chí Nguyễn Hoàng (Hai An) làm Trưởng Tiểu ban. Các đồng chí: Bùi Thiện Ngộ, Ngô Quang Nghĩa, Cao Đức Hoàn, Nguyễn Văn Huấn được cử làm Phó Tiểu ban An ninh nội chính. Ban An ninh TW Cục và Tiểu ban An ninh nội chính tổ chức nhiều cuộc họp xây dựng kế hoạch và phương án tiến công chiếm lĩnh thành phố Sài Gòn - Gia Định, đồng thời hướng dẫn kế hoạch giải phóng cho an ninh các khu, tỉnh..

CAND
.
.
.