Những mái ấm không có đàn ông

Thứ Năm, 28/04/2005, 07:19
Mái ấm của những người đồng tính tổ chức khá chặt chẽ, người được phân công làm "chồng" phải đảm nhận việc kiếm sống, xây dựng gia đình bằng chính sức lực của mình, họ luôn chứng minh mình là người khỏe mạnh, giàu nghị lực. Người được phân công làm "chồng" chúa ghét mọi người xung quanh gọi mình bằng chị hoặc cô em.

Anh Tư Điền, nhà ở phường 4, thị xã Tân An (Long An) kể lại, cách đây vài tháng, anh được một cô em gái kết nghĩa mời ăn tân gia và sẵn dịp giới thiệu người bạn đời của cô ấy. Cô em kết nghĩa này tên là L.T.C., ngụ tại phường 3, thị xã Tân An, một kỹ sư điện công nghiệp, năm nay 36 tuổi. Khi đến nơi, anh Tư Điền cảm thấy bất ngờ vì chẳng thấy ai đến dự tiệc tân gia như trong thư mời.
Còn căn nhà ngói mà anh vừa bước chân vào cũng đã xây từ lâu, xung quanh nó chẳng khác nào một trang trại thu nhỏ. Anh càng ngạc nhiên hơn khi cô em gái kết nghĩa dắt đến một cô gái khác và giới thiệu đó là "bà xã" của mình. Cô "vợ" tên Tr. chào khách rồi đi xuống bếp lo việc nấu nướng phục vụ "chồng" thết đãi khách quen. Đến đây, C. mới giải thích rằng mượn cớ tân gia để mời anh đến làm làm lễ tạ ơn ngày nào, đồng thời làm nhân chứng cuộc sống chung của hai người từ đây đến cuối đời.

Cách đây 15 năm, anh Tư Điền giới thiệu C. vào làm việc tại một công ty ở Long An. Với tính cách mạnh mẽ như như con trai, C. lọt vào mắt xanh của cô công nhân lành nghề quê ở huyện Tân Trụ. Sau khi công ty giải thể, hai người được lĩnh trợ cấp trên 50 triệu đồng. Tr. mang tiền theo C. đến xã Hòa Phú (Châu Thành) mua đất cất nhà, xây tổ ấm. Với bằng kỹ sư điện trong tay, C. không khó khăn trong việc kiếm việc làm ổn định tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức. Hai người còn dự định đến trại mồ côi xin một đứa trẻ về nuôi.

Đến "luật" của xã hội đồng tính

Theo anh Tư Điền, xã hội đã có nhiều mái ấm không có đàn ông như vậy. Mái ấm của những người đồng tính tổ chức khá chặt chẽ, người được phân công làm "chồng" phải đảm nhận việc kiếm sống, xây dựng gia đình bằng chính sức lực của mình, họ luôn chứng minh mình là người khỏe mạnh, giàu nghị lực. Người được phân công làm "chồng" chúa ghét mọi người xung quanh gọi mình bằng chị hoặc cô em. Ngược lại, cô ta rất vui khi được ai đó, nhất là người khác giới gọi mình bằng anh xưng tôi, bằng mày xưng tao.

Ngay khi nhà có khách là người khác giới, người "chồng" cũng phải biết uống rượu để khách không cảm thấy hụt hẫng vì thiếu người đối ẩm. Còn người "vợ" thì phải dịu dàng, giỏi bếp núc, không cần bận tâm đến việc kiếm tiền cũng như làm thay việc của người "chồng". Giống như người đàn ông, người đàn bà đang lãnh trách nhiệm làm "chồng" không thích người "vợ" của mình đứng núi này trông núi nọ. Chỉ cần cô "vợ" khen một người đàn bà khác có phong độ nam nhi, khỏe mạnh và ga lăng thì ngay lập tức người "chồng" nổi ghen đánh đập không nương tay.

Có lúc, họ tìm tình địch của mình để thi thố sức mạnh. Như cặp N. và H. ở phường 1 chung sống với nhau cả chục năm, nhưng đùng một cái, người "chồng" tuyên bố ly dị vì cho rằng cô "vợ" của mình không chung thủy. Việc "ly hôn" của những cặp vợ chồng đàn bà này đặt dưới sự giám sát của những cặp "vợ chồng" đồng tính khác. Trước khi nói lời chia tay thật sự, hai người cũng ngồi lại với nhau hòa giải, nếu hòa giải không thành, những cặp đồng tính khác xác nhận không còn gì để hàn gắn. Việc chia tài sản cũng sòng phẳng theo nghĩa “của chồng công vợ” mà không hề có sự so đo công lao tạo dựng của ai nhiều hơn. Sau khi chia tay, N. đến sống chung với cô L., còn H. thì bằng lòng làm "vợ" một bà từng là vận động viên bóng chuyền hệ phong trào.

Không dễ bắt nạt

Cặp "vợ chồng" N.B.V. và T.X.S.,  ở phường 2, thị xã Tân An bật mí, người "chồng" trong các mái ấm không có đàn ông đều hội đủ những đặc tính của nam giới, từ dáng vẻ bề ngoài cho tới nếp sinh hoạt hàng ngày. Còn người phụ nữ làm "vợ" không có gì khác so với những người phụ nữ bình thường. Có chăng là họ không yêu người khác giới mà thôi. Cũng có những trường hợp sau khi "ly hôn" với người chồng cùng giới, người "vợ" đó đi lấy chồng, sinh con bình thường. Trong khi đó, người "chồng" trong các cuộc hôn nhân đồng tính thì không thể lấy chồng, họ vẫn phải đi tìm một người phụ nữ khác.

Cách đây không lâu, trên địa bàn phường 3, có một cô gái nửa đêm uống thuốc độc, chạy một mạch đến nhà cô gái khác để cùng chết vì bị gia đình ngăn cấm. Trong lúc cô gái đóng vai chàng trai chưa kịp mở cửa thì cô người yêu của mình trút hơi thở cuối cùng, nhưng hai tay vẫn ghì chặt chấn song cửa sổ phòng ngủ của người yêu. Cô gái đó quyết định tìm cái chết vì bị người cha bắt trói không cho ra khỏi nhà để đi đến điểm hẹn, nửa đêm cô bứt được dây trói thoát ra ngoài để được chết tại nhà người yêu.

Nói về chuyện uống rượu thì anh Tư Điền chào thua những "anh chồng" đồng tính như cô em kết nghĩa của mình. Rồi anh cho biết, có lần một anh bạn của anh bị mấy phụ nữ đang lãnh trách nhiệm làm "chồng" hạ nốc ao. Hôm đó, người bạn thấy mấy người đàn bà đang đảm trách việc làm "chồng" đi vào quán nhậu liền đi theo để chọc ghẹo.

Anh ta cầm cái ly cối (loại ly pha cà phê đá) đến bàn gọi họ bằng mấy em và mời cưa đôi ly rượu trên tay. Một chị tên là X, người bán tạp hóa ngoài chợ Tân An, đứng lên bảo: “Nếu gọi chúng tôi bằng em thì mời anh đi chỗ khác, còn nghĩ là đàn ông với nhau thì mỗi người một ly”. Không còn cách nào khác, anh bạn của Tư Điền đành bấm bụng nốc hết ly rượu và rót ly khác mời X và xin được gọi chị là "anh bạn", nhưng anh ta chỉ uống được một nửa thì bị gục xuống bàn.

Luật pháp không chấp nhận những mái ấm gia đình của những người đồng giới như trên. Không thể biện minh cho bất lý do nào để tồn tại những cặp đồng tính như vậy. Chính quyền cơ sở ở Tân An hay bất cứ nơi nào nếu phát hiện hiện tượng những cặp “vợ chồng” đồng tính cần có biện pháp tuyên truyền, xử lý theo pháp luật và đạo lý truyền thống

Nhã Phong
.
.
.