Những lời đồn đại cùng những hồi ức khác nhau về "Suối Máu"

Thứ Hai, 23/07/2007, 19:31

Tuy các câu chuyện về trận đánh phát nguồn câu chuyện về "Suối Máu" của các nhân chứng lịch sử có khác nhau, nhưng đều khẳng định: không phải là máu của bộ đội ta mà chính là máu của quân thù đổ xuống...

Khe Nghệ lớn là một nhánh của con sông Bồ chảy cắt qua quốc lộ 49 (từ TP Huế đi A Lưới), nơi cách đây 35 năm từng là dòng suối nhuốm đỏ máu chảy hòa vào dòng sông Bồ. Đến xã Hồng Tiến, huyện Hương Trà - nơi diễn ra trận đánh nhuốm máu 35 năm trước vào một ngày giữa tháng 7, bắt gặp địa danh "Suối Máu" trên cột mốc Km quốc lộ 49.

Hỏi nhân dân chuyện về Suối Máu, ai cũng cho rằng là máu của bộ đội ta đổ xuống. Không một bia chứng tích ghi lại trận đánh, dò tìm tất cả các sách, tài liệu về các trận đánh diễn ra trên địa bàn huyện Hương Trà cũng không có dòng nào ghi về sự kiện này, chỉ là những lời đồn đại đau lòng.

Với băn khoăn: Nếu là nơi bộ đội ta đã hi sinh nhiều sao không có bia tưởng niệm hay bát nhang khói hương, chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng lịch sử để tìm sự thật câu chuyện về "Suối Máu".

Có phải là tội ác dã man của địch?

Đến UBND xã Hồng Tiến hỏi về những nhân chứng lịch sử của trận đánh phát nguồn cái tên "Suối Máu" mà người ta vẫn quen gọi khi nói về Khe Nghệ lớn - một nhánh của sông Bồ, chúng tôi được giới thiệu tìm gặp hai nhân chứng lịch sử, là ông Vương Quốc Tre - một cựu chiến binh, hiện đang ở thôn 4 và ông Nguyễn Văn Tích - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến đã nghỉ hưu, hiện đang ở thôn 3.

Hồi tưởng của ông Tích có nhiều điểm khá giống với những lời kể của ông Vương Quốc Tre. Tháng 2/1972, địch thực hiện một trận càn lớn với 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3 Bộ binh - Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn do Trung tá Mão chỉ huy.

Địch chia làm 3 mũi, một mũi càn lên theo đường 12, hai mũi còn lại đi đường rừng. Cả 3 mũi đi song song nhau, cách nhau chỉ vài kilômét để hỗ trợ lẫn nhau. Sau khi càn lên đến đèo Kim Quy và Tà Lương, lực lượng ta tránh địch, chúng không gặp ta. Cuộc hành quân thất bại, chúng liền hợp quân rút về.

Lúc này, lực lượng ta gồm một đại đội của Trung đoàn 6 (thuộc Quân khu IV) phục kích ở điểm cao 410, một đại đội của Trung đoàn 2 (thuộc Bộ) phục kích ở mỏm đồi đối diện để đánh xe tăng và thiết giáp của địch theo đường 12 sẽ lên hỗ trợ cho các cánh quân nếu xảy ra sự biến.

Rút về đến cầu Khe Nghệ, quân địch dừng lại để tắm rửa, lau chùi súng, rửa xe trước khi về đơn vị. Nhận thấy thời cơ bất ngờ, hai đơn vị với khoảng 60 người quyết định chớp thời cơ đánh thẳng vào đội hình địch, làm địch bị thương rồi rút nhanh.

Bị đánh bất ngờ quân địch rối loạn, lồng lộn, thiệt hại nặng giữa vòng vây, ta lại hủy được bộ phận thông tin của địch. Bị mất liên lạc, Sở chỉ huy của chúng nhầm tưởng là đã bị bộ đội chủ lực ta với lực lượng rất lớn đánh trọn, liền cho phi pháo và máy bay ném bom vùi trận địa, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Nhưng chúng đã nhầm, Trung đoàn 3 của chúng đã bị xóa sổ vì bom đạn của chúng.

Ông Tre cũng cho biết: Nghe nhân dân nói lại là chỉ còn mỗi 2 lính quân đội Sài Gòn xuôi theo dòng Khe Nghệ sống sót trở về. Còn lực lượng của ta tổn thất không đáng kể, Đại đội tham gia trận đánh của Trung đoàn 6 chỉ hi sinh 2 người, bị thương 6 người.

Hay là trận đánh tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp địch của Trung đoàn 6?

Ông Trần Lưu Chữ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 khẳng định: Những hồi tưởng của ông Tích và ông Tre là hoàn toàn không có và cung cấp cho chúng tôi những trang tài liệu về một trận đánh do ông chỉ huy mà theo ông là trận đánh phát nguồn cái tên "Suối Máu".

Sau khi bị thiệt hại nặng vì bị ta bao vây đánh vào "Cánh cửa thép" Cù Mông, lực lượng của Trung đoàn 1 quân đội Sài Gòn co về Động Tranh. Vì bị uy hiếp, buộc chúng phải đưa chiến đoàn thiết giáp đến bố trí chốt ở các mỏm nhô ra của cao điểm Cù Mông nhằm án ngự đường 12, đẩy lực lượng ta ra xa, tăng cường bảo vệ quân địch ở Động Tranh.

Bộ Tư lệnh Quân khu IV giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 6: Phải nhanh chóng tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp địch ở Cù Mông. Muốn tấn công tiêu diệt chúng, không thể đánh trực diện, Trung đoàn phải thực hiện nghệ thuật tạo thế nghi binh đánh lừa địch để kéo địch ra ngoài công sự, kết hợp phục kích, chặn đầu, khóa đuôi, khi thời cơ có lợi dùng hỏa lực tiêu diệt.

8h ngày 5/4/1972, lực lượng nghi binh dùng hỏa lực bắn chế áp vào Động Tranh. Đồng thời, các máy PRC25 của bộ phận thông tin liên tục phát các "mệnh lệnh" như: Chỉ thị mục tiêu, bố trí lực lượng, thời gian tiến công vào Động Tranh,... để đánh lừa địch.

Thông tin trên sóng vô tuyến điện đã làm địch hốt hoảng nhầm tưởng một lực lượng lớn chủ lực Việt Cộng đang tổ chức tiến công Động Tranh, liền lệnh cho chiến đoàn thiết giáp cơ động theo trục đường 12 về cứu nguy cho Động Tranh.

9h ngày 5/4/1972, khi đoàn xe vừa lọt vào giữa trận địa phục kích, Tiểu đoàn 6 phát hỏa chặn đầu. Khối bộc phá 50kg đặt giữa đường 12 nổ long trời lở đất hất tung chiếc M41 đi đầu lật úp, đồng thời tạo một hố sâu giữa mặt đường. Đoàn xe khựng lại trong chốc lát, rồi tập trung toàn bộ hỏa lực bắn mạnh vào đội hình Tiểu đoàn 6 hòng tiếp tục tiến quân. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 1 nổ súng khóa đuôi.

Ngay loạt đạn đầu, B40 của ta bắn cháy cả 3 chiếc xe đi cuối. Quân ta thừa thắng xông lên, Đại đội 1 bắt sống 3 xe M113. Đồng chí Trọng, Đại đội trưởng Đại đội 1 nhanh trí lệnh cho các chiến sĩ nhảy lên các nóc xe bị bắt, sử dụng súng 12,8 ly hạ nòng bắn quét vào đội hình địch. Chưa đầy 25 phút, Tiểu đoàn 1 đã làm chủ đoạn quyết chiến điểm, bắt sống thêm 2 chiếc M113. Bộ phận đi đầu của địch cố bám vệ đường, bắn như vãi đạn vào đội hình Tiểu đoàn 6 hòng mở lối thoát, nhưng không thể vượt qua.

Lúc này, Tiểu đoàn 1 đã lập tức phát triển lực lượng theo dọc đường 12, hợp quân với Tiểu đoàn 6 tiêu diệt địch, làm chủ trận địa. Sau 40 phút nổ súng, trận chiến đấu kết thúc thắng lợi. Trung đoàn đã tiêu diệt 19 xe tăng thiết giáp, bắt sống 5 chiếc, diệt hơn 100 tên địch, bắt hơn 80 tù binh, thu toàn bộ vũ khí trang bị.

Ông Chữ cho biết thêm: Sau ngày đất nước thống nhất, trong một lần dẫn những lính quân đội Sài Gòn cải tạo lên làm kinh tế mới, những người lính này đã rùng mình khi nhìn thấy Khe Nghệ - nơi Trung đoàn 6 quyết chiến với chiến đoàn thiết giáp địch năm nào và họ gọi là Suối Máu...

Qua các hồi tưởng của các nhân chứng, có thể khẳng định ngay tại Khe Nghệ và cầu Hồng Tiến ngày nay, từng là nơi đẫm máu của quân địch và chiến thắng to lớn của bộ đội ta

Viết Nam
.
.
.