Những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm

Thứ Ba, 11/07/2006, 08:26
Nữ hộ sinh trưởng Hoàng Thị Minh Phương kể: "Phần lớn bệnh nhân sau khi thụ tinh trong ống nghiệm được thông báo có thai, ai cũng xúc động, ôm chầm lấy các y tá, nữ hộ sinh, bác sỹ mà khóc trong sung sướng. Lúc đó, chúng tôi cũng trào nước mắt cùng bệnh nhân và tưởng như mình còn hạnh phúc hơn cả họ nữa".

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản  (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) những ngày giữa tháng 6. Mặc cho thời tiết lên đến đỉnh điểm của nắng nóng thì nơi đây, hàng chục cặp vợ chồng trẻ có, luống tuổi có dập dìu đưa nhau đến với một niềm khát khao dồn nén sâu thẳm, ao ước được một lần làm bố, làm mẹ, và hy vọng ấy còn lớn hơn chính bản thân cuộc sống của họ.

Tôi hỏi hai bé Đức Linh và Duy Ngọc: “Lớn lên con sẽ làm gì?”. Đức Linh láu lỉnh đáp: "Con sẽ làm siêu nhân". "Sao con thích làm siêu nhân?". "Vì siêu nhân là người có sức mạnh siêu nhất thế giới ạ!". Bé Đức Linh khuơ cả hai cánh tay vung lên và tròn miệng giải thích rồi chạy vụt đi cười như nắc nẻ.

Không như người anh trai song sinh nghịch ngợm, Duy Ngọc hiền như con gái, rụt rè bẽn lẽn mãi mới tiết lộ ước mơ: "Cháu thích làm bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người". Nói xong bé rúc mặt vào ngực mẹ xấu hổ. Hai con mắt đen lay láy thò ra nhìn trộm tôi rồi lại giấu biệt vào ngực mẹ khẽ cười. Năm nay, cả hai bé sẽ cùng vào lớp 1, và sẽ bắt đầu hành trình đi đến những ước mơ của mình.

Từ hai em bé Đức Linh và Duy Ngọc, con của anh chị Chu Thị Minh Thảo và anh Vũ Ngọc Hà, giảng viên Khoa Âm nhạc Trường Nghệ thuật quân đội, đầu tiên được thụ tinh và cất tiếng khóc chào đời năm 2001, đến nay sau 6 năm đi vào hoạt động kể từ ngày thành lập, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (TTHTSS) của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cho ra đời 1.000 em bé khỏe mạnh.

Ngày 23/6, Trung tâm đã tổ chức một ngày hội lớn cho 1.000 em bé ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) gặp gỡ giao lưu với nhau. Đây thực sự là một ngày hội của hạnh phúc. Hiện nay, một tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 300 đến 400 bệnh nhân đến hỗ trợ sinh sản. Riêng bệnh nhân đến để thực hiện TTTON trong tháng 5/2006 là 120 ca.

Để thực hiện các bước TTTON, đầu tiên bệnh nhân phải đến bệnh viện và làm các xét nghiệm chuyên biệt như: định lượng hoóc môn vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh để đánh giá chức năng của buồng trứng. Siêu âm đánh giá tử cung và vị trí kích thước của buồng trứng. Dựa vào xét nhiệm nội tiết, tiền sử bệnh nhân để chọn phác đồ điều trị trong ống nghiệm, có thể áp dụng phác đồ điều trị dài, hoặc phác đồ điều trị ngắn. Phác đồ dài là từ khi tiêm thuốc đến chuyển phôi đã thụ tinh từ ống nghiệm vào tử cung của bệnh nhân khoảng 1 tháng. Còn phác đồ điều trị ngắn thực hiện quy trình chỉ trong thời gian khoảng 2 tuần.
 

Kinh phí để thực hiện cho một ca TTTON thường dao động từ 30-45 triệu đồng phụ thuộc vào từng cơ địa của người bệnh. Một ca TTTON thành công hay thất bại thì chi phí để thực hiện vẫn là 30-45 triệu đồng. Tỷ lệ thành công từ 30-35%. Hiện nay các phương tiện kỹ thuật, trình độ tay nghề của các y, bác sĩ ở TTHTSS Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.

Những đứa trẻ sinh ra từ tình yêu

Nữ hộ sinh trưởng Hoàng Thị Minh Phương tiếp tôi trong đống hồ sơ TTTON ngập lút cả bàn làm việc. Câu chuyện về những cặp vợ chồng không may mắn được chị kể với một nỗi niềm chất chứa, xen lẫn cả tiếng thở dài và nước mắt hoen ướt. Chị nói: Gần 40 năm công tác ở Viện, và có mặt từ những ngày đầu tiên Trung tâm mới thành lập, đây là những năm tháng chị làm việc với một sự thôi thúc mạnh mẽ của tình yêu thương, mong muốn được chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh.

Niềm vui của tập thể y, bác sỹ trước một ca thành công, hay đơn giản nhất mới chỉ là thụ tinh thành công ở phôi thôi thì cũng đã đủ cho họ đến mất ăn mất ngủ. Cấy được thành công các phôi vào tử cung bệnh nhân phát triển thành bào thai, thì niềm vui của họ khi báo tin cho bệnh nhân có lẽ không còn gì tả xiết.

Chị nói: "Phần lớn bệnh nhân sau khi TTTON được thông báo có thai, ai cũng xúc động, ôm chầm lấy các y tá, nữ hộ sinh, bác sỹ mà khóc trong sung sướng. Lúc đó, chúng tôi cũng trào nước mắt cùng bệnh nhân và tưởng như mình còn hạnh phúc hơn cả họ nữa".

Thế nhưng từ khi có thai cho đến lúc chăm sóc các thai nhi phát triển để cho ra đời an toàn là cả một quá trình gian khó và bền bỉ, và không ít bệnh nhân đến gần tới đích của hạnh phúc rồi vẫn không hái được quả ngọt. Công việc khó khăn như thế nhưng tập thể y, bác sỹ nơi đây không bao giờ nản chí hay bó tay. Những cái tên như bác sỹ Nguyễn Phương Lan, bác sỹ Hoàng gắn liền với công việc và niềm hạnh phúc của những gia đình hiếm muộn.

Bên cạnh đó, việc phẫu thuật và chữa trị, TTTON thành công những bệnh nhân bị dị tật là thành công lớn mang lại những vinh danh cho nghề nghiệp của Tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến và tập thể y, bác sỹ nơi đây. Anh kể về những câu chuyện hy hữu trong điều trị vô sinh mà chính anh là người đã chữa trị thành công.

Đó là bệnh nhân Phạm Thị Quyên 37 tuổi ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội có thai ở ống cổ tử cung. Thông thường trong y học những ca như thế này bác sỹ buộc phải xử lý bằng cách mổ cắt tử cung, bệnh  nhân không còn hy vọng sinh sản. Thế nhưng với trường hợp này, bệnh nhân chưa sinh đẻ lần nào, sau nhiều ngày trăn trở và nghiên cứu, anh đã can thiệp bằng cách tiêm trực tiếp thuốc MTX vào thai nhi, làm ngừng phát triển và thai sẽ hỏng, bong tự nhiên ra khỏi cổ tử cung.

Riêng trường hợp như bệnh nhân này chưa có một bác sỹ nào dám can thiệp theo phương pháp mới, và Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến là người đầu tiên thực hiện thành công. Sau đó bệnh nhân đã có thai lại và sinh nở mẹ tròn con vuông trong niềm hạnh phúc tột cùng của gia đình.

Hay như trường hợp chị Lê Thị Sinh ở 87A Lý Thường Kiệt, tử cung bị dị tật 2 buồng, đã đi điều trị vô sinh ở các bệnh viện ở nước ngoài nhưng các bác sỹ đều bó tay. Anh là người đã nghiên cứu bệnh án và táo bạo tiến hành phương pháp mổ thông buồng tử cung. Sáu tháng sau chị đã mang bầu và kết quả ngoài sức mong đợi là bệnh nhân đã cho ra đời hai em bé trai khỏe mạnh xinh xắn. Bệnh nhân Đ.T.N. ở phố Huế sau khi TTTON thành công đã có song thai nhưng một thai nằm ở góc tử cung bị vỡ chảy máu khi thai mới 8 tuần, một thai ở trong tử cung.

Hy vọng để bảo vệ được bào thai trong tử cung là vô cùng mong manh nhưng bác sỹ Tiến đã mổ lấy khối chửa ở góc tử cung và bảo vệ an toàn thai nhi trong bụng mẹ. Bây giờ bé trai đã được 4 tuổi.

Bệnh nhân Trần Vân Huyền ở Thành Công, Hà Nội cũng là một trường hợp vô cùng khó khi TTTON thành công. Có 3 thai cùng phát triển, song thai ở trong, còn một thai chửa ngoài dạ con. Bác sỹ Tiến đã mổ lấy khối chửa ngoài dạ con và bảo vệ song thai còn lại. Khi thai nhi được 4 tháng tuổi, một bào thai bị lưu, còn lại một vẫn được bảo toàn và phát triển đến ngày mẹ tròn con vuông.

Bên cạnh đó các kỹ thuật khó như tạo hình tử cung, bác sỹ can thiệp bằng cách giảm thiểu số lượng thai ở trong tử cung để bảo vệ an toàn thai nhi là công việc mang lại nhiều kết quả, thành công rực rỡ.

Và đây là một bức thư đẫm nước mắt trong vô vàn những bức thư mà Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến nhận được từ những bệnh nhân của mình: "Chú ơi! Cháu rất biết ơn chú và các bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tận tình mổ giúp cho cháu. Cháu biết mọi người có thể nghĩ cháu không biết xấu hổ khi không có cái đó mà vẫn lấy chồng. Thú thực cháu không hề biết và không nhận thức được vì trước khi lấy chồng cháu chưa đi khám lần nào.

Khi biết thì cháu đã hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng may mắn cháu đã gặp được chú - một người sẵn sàng đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cháu đã tìm tới những tia hy vọng dù là nhỏ nhoi nhất để cháu có thể có con bằng mọi cách. Cháu tự cảm thấy rất hổ thẹn và xấu số bởi ông trời tạo ra cháu là người phụ nữ nhưng lại không hoàn chỉnh, lại không có cái thiên chức quan trọng nhất của người phụ nữ là sinh con đẻ cái. Cháu rất đau lòng chú ạ. Chính chú đã cho cháu những hy vọng vào tương lai và cứu giúp cuộc đời cháu. Cháu rất khát khao cháy bỏng những người bị bệnh như cháu sau này sẽ được ghép nối tử cung để biết được cảm giác mang nặng đẻ đau. Cháu cảm ơn vị "Bồ Tát sống" là chú - để cháu thấy cuộc sống này thêm phần ý nghĩa và để tiếp tục sống và hy vọng. Cháu: Trần Thu Hiền”.

Thế nhưng trong vô số những trường hợp khó khăn và hy hữu ấy thì còn bao nhiêu câu chuyện buồn nếu kể ra thật thương tâm. Ví như một cặp vợ chồng nọ do người vợ không sinh nở được, người chồng đã viết đơn ly dị vợ để tìm một người phụ nữ quá lứa ở cùng mong kiếm được đứa con nối dõi. Thật không may người đàn bà này cũng không có con.

Đứng trước nguy cơ gia đình tan vỡ, người vợ đã cầu xin chồng cho phép chị được đi TTTON. Người chồng đồng ý với một điều kiện thành công thì không bỏ vợ, nếu không thành công khi ra toà toàn bộ chi phí TTTON sẽ chia đôi cho cả hai. Đứng trước nỗi đau của người đàn bà bất hạnh, tập thể y, bác sỹ nơi đây đã giúp đỡ tận tình. Ông trời không nỡ làm tắt nốt hy vọng của người đàn bà đáng thương kia nên may mắn trong lần TTTON đầu tiên, người đàn bà đã có thai và sinh nở.

Có một thực tế phương pháp TTTON hiện nay mới chỉ được thực hiện đối với những bệnh nhân có điều kiện về kinh tế. Chi phí 30-45 triệu đồng cho một lần thụ tinh có lẽ là giấc mơ xa vời nhất, hoang đường nhất đối với những bệnh nhân nghèo hiếm muộn, trong khi đó quyền được ước mơ có một đứa con là quyền tối thiểu nhất của bất kỳ bà mẹ nào trên thế gian này.

Bao giờ bệnh nhân nghèo được đến với phương pháp TTTON để những người nghèo cũng có quyền được biến ước mơ thành sự thật? Và ước mơ để có được một đứa con thì có ai có quyền được chối từ?

Lê Thị Thanh Bình
.
.
.