Những đứa trẻ lớn lên nơi cửa Phật

Thứ Ba, 21/08/2007, 12:21
Năm 1996, Đại đức Thích Thanh Hòa, trụ trì chùa Thịnh Đại chính thức xin chính quyền địa phương cho phép nhận nuôi các cháu nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi hoặc gia đình quá nghèo. Đến nay, đã có hơn 20 cháu được nhà chùa nuôi dưỡng trong đó có 7 cháu đang học đại học, cao đẳng.

Bẵng đi một thời gian, chúng tôi mới lại có dịp về thăm chùa Thịnh Đại (xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Dừng xe trước cửa chùa, đang hỏi thăm Đại đức Thích Thanh Hòa thì đã thấy thầy không khác xưa là mấy, tất tả tay bế tay bồng đứng ngoài hiên hướng dẫn các phật tử chuẩn bị cho một buổi lễ chúng sinh.

Vậy là không lãng quên việc thiện luôn duy trì mười mấy năm qua, nhà chùa vẫn tiếp tục nhận nuôi các cháu nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc gia đình nghèo khó.

Nhà sư nuôi trẻ

Nhớ lại cách đây mấy năm, trong một dịp chúng tôi đến vãn cảnh chùa, đang ngồi uống trà nơi phòng khách thì thấy một sư thầy tất tả từ đại điện đi vào, trên tay bế một thằng bé kháu khỉnh. Nhìn khuôn mặt mệt mỏi và đôi mắt thâm quầng của sư thầy, tò mò hỏi, chúng tôi được biết đó là Đại đức Thích Thanh Hòa, trụ trì chùa Thịnh Đại.

Nhiều năm qua, Đại đức đã nhận nuôi nhiều cháu nhỏ mồ côi, trong đó có cháu mới chỉ 15 tháng tuổi. Ban đêm các cháu quấy khóc, một mình thầy phải dậy dỗ dành, cho các cháu uống sữa, ru các cháu ngủ nên nhiều ngày qua thầy không chợp mắt. Hiện thầy đang là trụ trì của ba ngôi chùa nằm gần nhau: Thịnh Đại, Nhật Tựu và Tam Giáp.

Được biết, cháu bé đầu tiên Đại đức Thích Thanh Hòa nhận nuôi năm 1996 là cháu Nguyễn Bá Hiếu (tức Tám). Cháu Tám sinh ra trong một gia đình có rất đông anh chị em mà bố mẹ chỉ làm ruộng để sinh sống.

Hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, cháu có nguy cơ phải nghỉ học để đi làm thêm giúp bố mẹ nuôi các em. Tình cờ một lần, hay theo cách nói của thầy Hòa thì là bởi có cơ duyên, cháu theo một bà trong xóm lên chùa lễ Phật. Cảm nhận được lòng nhân đức của thầy Hòa, cháu đã xin thầy cứu giúp cho số phận và sự học của cháu.

Sẵn lòng từ bi của người nương nhờ cửa Phật, thầy Hòa đã nhận nuôi cháu Tám ăn học cho đến khi trưởng thành. Giờ đây, cháu Tám đang là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Cũng trong năm 1996, thầy đã chính thức xin với chính quyền địa phương cho phép nhà chùa nhận nuôi các cháu nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi hoặc gia đình quá nghèo. Đến nay, đã có hơn 20 cháu được nhà chùa nuôi dưỡng. Trong đó có 7 cháu đang theo học các trường đại học, cao đẳng.

Cháu Dương Thị Chi, một trong những đứa con của chùa, tâm sự: "Cháu lên chùa ở từ năm 12 tuổi, nay đã được 3 năm. Bố mẹ cháu bỏ nhau, bố cháu đi lấy vợ hai, còn mẹ cháu đi làm trên Hà Nội thỉnh thoảng mới về thăm cháu. Nhà cháu ngay gần chùa, thầy thấy hoàn cảnh thế nên thương nhận về nuôi. Không có thầy thì chẳng biết tương lai của cháu sẽ ra sao".

Được biết, những lúc rỗi rãi, hàng xóm thường chạy sang giúp nhà chùa trông nom các cháu. Bà Lê Thị Hòa tâm sự: "Chúng tôi cũng chỉ tranh thủ những lúc nhà hết việc thì chạy sang giúp thầy trông nom các cháu. Sống ở gần chùa được chứng kiến đức từ bi của thầy Hòa mà khâm phục. Để nuôi nấng được các cháu, thầy như là người đàn bà đông con, lúc nào cũng tất tưởi, lo toan, chăm cho con từ miếng ăn giấc ngủ".

Hiện nay, trong chùa có gần hai chục cháu ăn ở. Nhỏ nhất là cháu Trần Việt Hùng. Cháu sinh ngày 21/7/2005 và lên chùa ngày 22/7/2005. Cháu vừa sinh ra thì đã bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện. Cũng may, nhờ tấm lòng của khách thập phương, các cháu nhỏ trong chùa đã có được điều kiện sống và sinh hoạt, học tập tốt hơn, thầy Hòa nói.

Cần nhất một chữ Tâm

Rời chùa Thịnh Đại, thuận đường, chúng tôi tìm đến thăm gia đình Đại đức Thích Thanh Hòa, ở xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Được trò chuyện với bố mẹ thầy, chúng tôi mới biết thầy Hòa từng có một tuổi thơ vô cùng cơ cực và nghèo khổ.

Là anh hai trong một gia đình đông con, bố là bộ đội về hưu, mẹ là nông dân, ngay từ nhỏ thầy đã phải bươn chải vừa đi học ở trường làng, vừa làm đủ thứ việc vặt để kiếm tiền giúp mẹ như quạt ngô nướng, bánh đa nướng bán rong cho trẻ con quanh làng.

Tuy thầy học rất giỏi nhưng theo các cô giáo Trường THPT Xuân Trường thì thầy không chơi bời hay giao du với các bạn nữ bao giờ.

Ông Trần Duy Trung, thân sinh ra thầy, tâm sự: "Bác ấy (chỉ thầy Thích Thanh Hòa - PV) bộc lộ thiên tính tu hành ngay từ khi còn nhỏ. Bác ấy sống rất hiền lành và từ tâm, chỉ thích làm việc thiện để giúp đỡ người khác. Học hết lớp 12, khám tuyển nghĩa vụ quân sự không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, bác ấy quyết định xuống tóc đi tu.

Lúc ấy, gia đình tôi nghèo lắm, tôi theo bạn bè đi đào vàng ở xa, chỉ còn bà nhà tôi ở nhà. Bà ấy khóc hết nước mắt nhưng biết không cản được nên sắm cho bác ấy cái lễ mọn gồm thẻ hương và chục quả trứng gà trong vườn nhà để cụ ngoại tôi dắt bác ấy lên chùa làng xin cho được xuất gia".

Tu ở chùa làng được một năm, với chí hướng mong được đi nhiều nơi để gieo từ tâm và lòng thiện, thầy đã lưu lại dấu chân mình khắp các chùa lớn ở Thủ đô và Nam Định. Càng ngộ đạo, thầy càng nhận thấy những nơi phồn hoa, đô hội không hợp với mình nên đã xin về tu hành ở chùa Thịnh Đại, lúc ấy chỉ là một ngôi chùa xập xệ và rách nát.

Giờ đây, nhờ ân đức của thầy, Thịnh Đại ngày càng khang trang, không chỉ là nơi cửa Phật linh thiêng mà còn là một mái nhà nhân ái cho nhiều cháu nhỏ thiệt thòi, khốn khó.

Mẹ thầy, bà Trần Thị Ngọ, vừa cười hiền từ vừa lấy khăn thấm giọt nước mắt đang trực trào ra vì xúc động: "Ngày đầu, khi mới nhận nuôi các cháu nhỏ, bác ấy vất vả vô cùng. Lúc nào cũng ốm lên ốm xuống, người gầy rộc đi vì mệt mỏi và thiếu ngủ. Giờ đây, những nhọc nhằn, vất vả đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Nhiều cháu đã vào đại học, có một cháu đã tốt nghiệp ra trường đi làm và chuẩn bị cưới vợ vào cuối tháng này. Thế mới biết sống ở đời này cần phải có một chữ Tâm".

Câu nói của cụ bà làm chúng tôi bồi hồi nhớ lại lời dặn của Đại đức Thích Thanh Hòa khi tiễn chúng tôi nơi cổng chùa Thịnh Đại: "Mong các em chỉ viết đúng những gì mắt thấy tai nghe, đừng viết quá lên. Người tu hành như chúng tôi sống ngoài những tiếng khen chê. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là được thấy các cháu đi học về và trên môi là những nụ cười trẻ thơ trong sáng..."

Hải Châu
.
.
.