Những đội cứu hộ trên dòng sông Trà

Thứ Sáu, 20/10/2006, 13:55

Không được nhận bất cứ một khoản tiền gì từ chính quyền, chưa một lần yêu cầu quyền lợi kinh tế cho bản thân, thế nhưng bất chấp nguy hiểm, những đội viên tự nguyện của các đội cứu hộ ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, sẵn sàng đối mặt với dòng nước lũ hung dữ để cứu và bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.

Nằm về phía Đông, dọc theo trên 5km của bờ Nam hạ lưu sông Trà Khúc, Nghĩa Dõng là một trong những xã vùng đất trũng của TP Quảng Ngãi. Vì thế, cứ vào mùa mưa hàng năm, cùng với hiểm họa do đất ven sông bị sạt lở, nhiều điểm dân cư ở đây thường xuyên bị ngập nước. Nhất là mỗi khi có lũ lớn, nước sông Trà dâng lên làm hư hại hoa màu, nhà cửa, chia cắt, cô lập nhiều nơi.

Ông Cao Chuộng, Chủ tịch HĐND xã, và cũng là người dân sống ở thôn 6 cho biết: Toàn thôn hiện có gần 260 hộ, với khoảng 1.170 khẩu. Do vị trí nằm nhô ra phía lòng sông, mặt khác xung quanh vùng đất này thấp cho nên mỗi khi có lũ thì đây là một trong những nơi trong xã bị ngập đầu tiên, gây khó khăn trong việc đi lại và đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân trong thôn.

Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã thành lập các đội cứu hộ, với mục đích giúp đỡ nhân dân trong vùng giảm bớt những rủi ro, thiệt hại khi mưa lũ về; đồng thời hỗ trợ cho các vùng dân cư lân cận khi cần thiết. Năm 1996, trên tinh thần kêu gọi sự tự nguyện, chính quyền xã thành lập 3 đội cứu hộ ở 3/6 thôn thường bị ngập khi có mưa lũ là thôn 2, thôn 5 và thôn 6, với tổng số đội viên khoảng 44 người ở độ tuổi từ 30-50.

Tuy về hình thức tổ chức hoạt động và công việc của các đội cứu hộ xã Nghĩa Dũng vất vả và nguy hiểm không kém gì so với những đội cứu hộ chuyên nghiệp khác, thế nhưng các đội viên không được nhận một khoản tiền trợ cấp và hỗ trợ nào từ chính quyền và ngành chức năng các cấp trong tỉnh. Và mỗi đội viên cũng chưa một lần đề nghị, hay yêu cầu, đòi hỏi gì về quyền lợi cho bản thân. Thậm chí, trước mùa mưa năm 2006, mỗi đội viên còn tự bỏ tiền ra từ 30.000-50.000 đồng để làm mái chèo mới. Anh Trần Văn Đông, Đội trưởng đội thuyền cứu hộ số 1 bộc bạch: Cùng là dân nghèo với nhau, giúp nhau trong lúc hoạn nạn thì có gì đâu mà so bì, tính toán.

Nhiều năm qua, các đội cứu hộ không những giúp người dân di dời đồ đạc, mà còn giải quyết nhiều trường hợp nguy hiểm khác. Anh Trần Quang, ở thôn 4 nhớ lại: Vào mùa mưa năm 2002, nước sông Trà dâng lên làm ngập hầu hết các đường giao thông nội vùng. Đúng lúc đó, con dâu của ông Trần Ngạnh ở trong thôn đang nằm trong trạm xá xã lại trở dạ, nhưng trạm xá lại không thể xử lý đưa đi cấp cứu. Không quản ngại nước lũ đang hung hãn cuồn cuộn đổ về, đội cứu hộ số 1 do ông Trần Đông phụ trách đã lập tức dùng thuyền chèo men theo bờ, ngược dòng sông Trà đưa người bệnh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Một trường hợp khác xảy ra vào năm 2004, do nước lũ bất ngờ đổ về làm đàn bò 17 con của ông Nguyễn Công Dân ở thôn 6 đang chăn thả ở bãi cát giữa lòng sông Trà không kịp lùa về. Mặc cho nước đang dâng lên cao, 20 đội viên của đội thuyền cứu hộ số 2 và 3 đã vượt lũ ra tận nơi, rồi cột và khiêng từng con lên thuyền chở vào bờ an toàn. Và cũng không ai khác vào năm 2001, các đội viên của đội cứu hộ Nghĩa Dũng là những người đã 3 ngày đêm ròng rã chèo thuyền len lỏi đi khắp nơi để tìm kiếm và vớt xác 2 mẹ con xấu số ở xã kế bên chẳng may bị chết do lật thuyền.

Từ chỗ phương tiện cứu hộ là ghe thuyền huy động của mỗi cá nhân, dần dần chính quyền TP Quảng Ngãi và các tổ hội, đoàn thể đã bổ sung, hỗ trợ nhiều trang thiết bị cho các đội cứu hộ. Bên cạnh đó, hàng năm còn tổ chức tập huấn về kĩ thuật nghiệp vụ cho các đội viên. Nói về các đội cứu hộ của địa phương, ông Cao Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng tự hào: Khó có thể kể ra một cách cụ thể tất cả những gì mà các đội viên đã làm, chỉ có thể tóm tắt một cách ngắn gọn là các đội viên của đội cứu hộ đã trở thành một trong những lực lượng tiên phong, chủ lực của địa phương trong việc giúp và bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân mỗi khi mùa mưa lũ đến

Công Nguyễn
.
.
.