Những con vạng biển

Thứ Hai, 11/08/2008, 09:25
Hàng trăm đứa trẻ ở bãi Triều, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng - Nam Định) vẫn ngày ngày còng lưng cào vạng biển. Nhiều em trong số đó bỏ học đi cào từ khi gà chưa báo sáng. Cái nghèo, cái đói và cả sự hờ hững của người lớn đã phần nào làm nên vẻ nhọc nhằn, lam lũ ở các em.

Tuổi thơ ở biển

Đi nhiều vùng đất nước, qua bao nhiêu ngôi làng nhỏ bé, tôi nhận ra rằng: đất nước mình vẫn còn nhiều những đứa trẻ thiệt thòi. Tuổi thơ của chúng thay vì được đến trường bình thường, lại phải lao động vất vả để có cái ăn cái mặc, nhiều em làm việc quần quật như người lớn để có tiền đi học. Những đứa trẻ ở bãi Triều, xã Nam Điền (Nam Định) chỉ là con số ít trong số những đứa trẻ thiệt thòi.

So sánh chúng với những đứa trẻ thành phố, chênh nhau một trời một vực, tôi ứa nước mắt. Chúng vất vả, lam lũ, nhem nhuốc. Thân phận có khác gì con vạng biển bé nhỏ, vất vưởng nơi đầu sóng ngọn gió. Chẳng biết số phận của chúng, tương lai chúng sẽ về đâu nếu tiếp tục như vậy(?). Hay chúng cũng sẽ là những người như cha mẹ chúng, sau này sinh con ra, con cái tiếp tục cái vòng mưu sinh vất vả(?).

Được biết nghề cào vạng đã có từ rất lâu. Khi con vạng đem đi xuất khẩu, bán được giá thì mỗi ngày có hàng trăm người đi cào vạng đem bán cho các chủ hàng. Huyện Nghĩa Hưng có 8 xã ven biển, với hơn 2.000 lao động ngày đêm lặn lội kiếm sống. Lên 7, lên 8, nhiều đứa trẻ đã theo mẹ đi cào vạng. Lớn lên chút nữa là trở thành lao động chính trong gia đình.

 Tôi gặp cô bé Nguyễn Thị Diện, mới 13 tuổi nhưng đã có vẻ lam lũ của một người dân miền biển từng trải. Em tâm sự: "Từ nhỏ em đã đi cào vạng ở đây. Bố em lên thành phố làm, còn mẹ em ốm. Những ngày này, vạng rất hiếm do đông người kiếm tìm. Người khôn của khó, có hôm em chỉ cào được nửa cân. Vục vào xuống nước, chỉ thấy vỏ là vỏ. Còn không, một ngày cũng kiếm được 20 ngàn, nhiều thì 30 ngàn".

 Kinh nghiệm cho rằng: dân cào vạng phải biết căn theo lịch con nước. Con nước rút thì cào và phải mau chóng trở về khi con nước lên. Trẻ vùng biển thuộc lịch con nước như lòng bàn tay. Nhiều đứa trẻ tham việc, trở dậy từ rất sớm đi cào và về nhà khi trời đã nắng. Nơi những đứa trẻ cào vạng là những bãi cát dài sát biển, có độ sâu khoảng 1m. Cứ mỗi lần vục cào xuống, chúng nặng nề kéo đi, khoảng 10 mét thì dừng lại nhấc lên. Cứ như vậy, chúng làm việc liên tục, hì hục. Mỗi ngày tính ra, chúng vục xuống rồi nhấc lên không biết bao nhiêu lần.

"Em muốn được học hành tử tế"

Đó là ước vọng của em Đinh Văn Khuyến, hiện đang học lớp 7. Vì nhà nghèo nên nhiều lần mẹ muốn em bỏ học để ở nhà giúp mẹ cào vạng nuôi em. Bố Khuyến muốn con đi học, cho nên gia đình nhiều lần to tiếng vì "quan điểm" trái chiều. Cuối cùng Khuyến vẫn được đi học, nhưng sáng sớm phải trở dậy tranh thủ đi cào, đến giờ tức tốc chạy về trường học cho kịp. Nhìn khuôn mặt sáng bừng của em, tôi biết là em đã cố gắng để có cái chữ trong đầu. Đó cũng là ước vọng của nhiều em nhỏ khác xã Nam Điền, của hàng triệu em nhỏ trên cả nước.

Nam Điền có khoảng 6.000 hộ dân thì 40% là hộ nghèo. Vì nghèo nên bà con dồn hết ra biển để kiếm sống, bất chấp cả nguy hiểm đến tính mạng. Đến tận bây giờ, những người già trong vùng vẫn kể lại cho con cháu nghe một câu chuyện đau lòng của hơn 10 năm về trước.

Đó là khi dân cào vạng gặp phải cơn bão lớn, không kịp chạy về bờ. Hơn mười người cả già lẫn trẻ đã chết. Nhưng chỉ sau tai nạn đó một tuần, mọi công việc trên bãi biển lại diễn ra như thường. Vì tìm vạng, lội qua sông mà một số em suýt chết đuối do bị nước cuốn. Dù rất giỏi bơi, nhưng nhiều khi, thuỷ thần vẫn cướp được mạng trẻ em.

Qua tìm hiểu, tôi được biết kinh tế khó khăn, những ông bố bà mẹ ở Nam Điền quanh năm tất bật với những chuyến đi biển, chỉ lo cái ăn cái mặc  còn bỏ mặc chuyện học hành của con cái. Phần lớn những đứa trẻ ở vùng bãi Triều đều bỏ học sớm. Em Khuyến cũng biết, đã có lần thầy cô giáo ở trường phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường. Nhưng hiệu quả chẳng là bao. Cái chữ không có sức hấp dẫn bằng con vạng. Con vạng mới là cuộc sống của những trẻ em nghèo!

Những ngày hè này, Đinh Văn Khuyến và những người bạn của mình tranh thủ cào vạng để kiếm tiền, mua sắm cặp, sách vở, quần áo để chuẩn bị vào năm học mới. Có lẽ, Khuyến là đứa trẻ nhiều khát vọng nhất ở bãi Triều này, cũng là đứa khôi ngô nhất tôi từng gặp. Sau khi nói chuyện với tôi, tiếng nó gọi bạn vang lên: "Nhanh lên chúng mày, con nước sắp lên rồi, chuẩn bị còn về".

Tiếp xúc với biển nước mà trán nó lấm tấm mồ hôi. Tôi nhìn những đứa trẻ - những con vạng biển một lần nữa và cầu mong cho chúng sẽ thực hiện được ước vọng của mình, là kiếm được tiền để có thể tiếp tục đến trường

Diên Khánh
.
.
.