Những chiến công góp phần làm nên huyền thoại biệt động thành
Chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai thời điểm trở lại với cuộc sống đời thường. |
Ngôi nhà này chính là một trong những hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn để tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968 do chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai xây dựng trong thời gian hoạt động dưới vỏ bọc của Mai Hồng Quế, ông chủ thầu khoán Dinh Độc Lập.
Theo tư liệu được tập hợp phục vụ hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Trần Văn Lai, đầu năm 1963, do nhu cầu chiến lược cần phát động mạnh phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, ông chính thức được chuyển sang Đơn vị 159 Biệt động thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
"Khả năng đặc biệt về nghi trang, biến dạng trong mọi hoàn cảnh để thâm nhập một cách hợp pháp vào các cơ sở của địch" cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức đã giúp ông dần tạo được vỏ bọc vững chắc trong các các cơ quan đầu não của địch - nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập Mai Hồng Quế.
Nhiệm vụ của Trần Văn Lai - Mai Hồng Quế - Năm U.S.O.M thời điểm ấy là trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch và tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn.
Sau này, bản xác nhận của đồng chí Nguyễn Văn Trí, nguyên Thủ trưởng đơn vị Bảo đảm chiến đấu Quân khu Sài Gòn - Gia Định về thành tích của ông Trần Văn Lai cũng khẳng định: Tại các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, các tin tức do đồng chí Trần Văn Lai điều tra tình hình và báo cáo về Quân khu đều có giá trị...
Chỉ trong một khoảng thời gian không dài, ông đã xây dựng được trên 20 cơ sở bảo đảm có khả năng vừa cất giấu vũ khí, vừa giấu cán bộ để hoạt động bí mật, hơn 100 quần chúng nòng cốt có thể giao nhiệm vụ từ dễ đến khó, từ đóng góp tiền bạc đến nhận nhiệm vụ công tác... Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968 tại đường Nguyễn Đình Chiểu chỉ là một trong số những cơ sở tiêu biểu nhất mà ông xây dựng được.
Anh Trần Văn Bình, con trai của ông Trần Văn Lai cho biết, đây là một trong những "công trình" đặc biệt gắn với khá nhiều mẩu chuyện nhỏ anh được cha kể cho nghe và đã thuộc nằm lòng. Sau này, tìm hiểu thêm nhiều tư liệu, anh được biết, căn hầm được xây dựng từ chỉ đạo năm 1966 của Bộ Chỉ huy Quân khu về tổ chức xây dựng hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn.
Sau nhiều lần đi lại tìm hiểu tình hình, cha anh quyết định chọn địa chỉ 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (trước là Trần Quý Cáp). Lý do đây là khu dân cư lao động, ít có "tai mắt" của kẻ thù. Để đảm bảo bí mật, việc chọn mua nhà và tiến hành thiết kế xây dựng, đào hầm đều do một mình ông thực hiện.
Bằng khen dành cho ông Trần Văn Lai về thành tích vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968. |
Vũ khí xuống hầm an toàn, ông Trần Văn Lai được Bộ Chỉ huy Quân khu ký quyết định tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng ba. Tổng cộng, có đến 350kg thuốc nổ TNT, 20kg C4, 40 mét dây nổ, 150 kíp nổ, 216 nụ xòe, 8 súng B.40, B.41 và 20 quả đạn, liều phóng B.40, B.41, 15 khẩu AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn K.54, K.59 và 200 viên đạn, 50 lựu đạn và các trang bị chiến đấu khác như quân trang, quân dụng, băng đạn, quần áo, khối lõm... được ông vận chuyển thành công về hầm.
Đêm mồng 1, rạng mồng 2 tết Mậu Thân, hầm vũ khí là nơi tập trung của Ban Chỉ huy chiến đấu. Trong lúc đồng đội khui hầm bốc dỡ, lắp ráp các thiết bị vũ khí, lau chùi súng đạn và làm trái nổ (bộc phá), ông Lai phải liên tục dùng bàn ghế có chân sắt kéo lê trong nhà; đồng thời ra vào kéo đóng cửa sắt để át tiếng kêu của các thiết bị vũ khí, cảnh giác tình hình địch và các nhà xung quanh.
Đúng giờ G, tất cả các vũ khí, trái nổ, cùng các trang thiết bị chiến đấu khác được đưa lên 2 xe ôtô riêng mà ông thường xuyên sử dụng ra vào hoạt động tại các cơ quan đầu não của chính quyền ngụy, tiến thẳng về Dinh Độc Lập...
Sau 4 ngày nổ súng phát kích, địch phát hiện ra địa điểm tập kết xuất quân và cất giấu vũ khí nên đã mở cuộc hành quân bao vây, dùng súng bắn phá cửa phía trước và cửa sau căn nhà. Hiện nay, các dấu đạn của địch năm 1968 vẫn còn nguyên trên chiếc cửa sắt...
Về ông Trần Văn Lai, sau trận tấn công vào Dinh Độc Lập, thân phận bị lộ, ông bị địch tịch thu toàn bộ tài sản, nhà cửa, xe cộ, tiền, vàng. Vừa ra sức truy lùng, chúng vừa treo giải thưởng trên báo chí, vô tuyến truyền hình, đài phát thanh cho ai bắt được Việt cộng nằm vùng Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế). Bản thân ông phải lẩn trốn, có khi giả điên để qua mắt kẻ địch.
Từ năm 1970 đến 1974, ông hai lần bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung bất khuất. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông về công tác tại Đơn vị Tiền phương B.12, Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định; chuyển về Phòng Tổng kết Chiến tranh - Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và nghỉ hưu năm 1981...