Những bác sĩ của đại dương

Thứ Sáu, 31/12/2004, 07:15
Một con tàu khác của VOSCO đang ở Trung Đông thì một thủy thủ bị ngã, trật khớp khuỷu tay trái. Qua hệ thống Tele-Medicine, các bác sỹ ở Việt Nam đã chỉ đạo thành công việc cấp cứu cho nạn nhân này. Tàu không phải hủy bỏ hành trình…

Những bác sĩ đó thuộc Viện Y học biển Việt Nam ở 213 phố Nguyễn Văn Linh - con phố mới của thành phố Hải Phòng. Đây là cơ sở y tế chuyên ngành đại dương đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Viện được thành lập ngày 27/3/2001, trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Trung tâm Y học và Môi trường biển - Đại học Y Hải Phòng. Thành công của Viện là đã nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ Tele-Medicine phục vụ cho hoạt động cấp cứu trên biển và bước đầu đã ứng dụng thành công việc truyền tín hiệu điện tim và hình ảnh siêu âm qua đường điện thoại vô tuyến điện…

0h ngày 1/5/2004, tàu Fortune của Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) lênh đênh ở vùng biển Kiên Giang trên hành trình đi Băng Cốc, Thái Lan. Đột nhiên, 10 người trên tàu vốn là những thủy thủ dạn dày sóng gió bị nhức đầu, chóng mặt rồi lịm đi.

Y sỹ trên tàu lập tức tiến hành các biện pháp sơ cứu nhưng không kết quả, sỹ quan chỉ huy tàu đang có dự định bỏ dở hành trình để quay vào cảng gần nhất. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của các nạn nhân xấu đi nhanh chóng khiến ngay giải pháp quay lại cảng cũng có thể chậm, nguy hiểm đến tính mạng các nạn nhân.

Thuyền trưởng quyết định liên hệ với các bác sỹ Viện Y học biển để xin chỉ lệnh cấp cứu khẩn cấp. Sau khi thăm khám từ xa qua hệ thống Tele-Medicine, các bác sỹ đã xác định được nguyên nhân gây ra sự cố trên là do ngộ độc thức ăn. Các bác sỹ Viện Y học biển chỉ lệnh: Dùng tất cả cơ số thuốc hiện có và bổ sung dung dịch qua đường uống để cấp cứu cho các nạn nhân. Kết quả, các nạn nhân đã qua khỏi tình trạng nguy kịch và tàu vẫn tiếp tục hành trình.

Hiện nay có trên 6 triệu người đang sinh sống, làm việc ở vùng biển đảo Việt Nam. Họ đang phải sống và làm việc trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho cư dân vùng biển đảo đòi hỏi một ngành y học đặc thù: Y học đại dương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam - cho biết, tới đây, Viện sẽ tăng cường hợp tác với Hội Y học biển quốc tế, Hội Y học biển của một số nước có nền y học biển tiên tiến như Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan… Ngoài trung tâm chính ở Hải Phòng, tới đây sẽ có các cơ sở y tế biển ở miền Trung, miền Nam và ngoài khơi

Sông Cấm
.
.
.