Những anh hàng rong trở thành tỷ phú ở làng Cơ Giáo

Thứ Sáu, 12/05/2006, 13:27

Điện thoại di động đời mới, ăn mặc lịch sự, giao dịch, làm ăn thành thạo như những doanh nhân chốn thị thành, thậm chí có người còn "cưỡi" trên những chiếc xe hơi láng coóng… Đó là hình ảnh của những anh nông dân tỷ phú ở làng Cơ Giáo, xã Hồng Vân (Thường Tín - Hà Tây). Khởi nghiệp từ việc bán cây cảnh rong, họ đã giàu lên nhờ sự nhạy bén với thị trường.

Sự nhạy bén với nhu cầu thị trường của những nhà kinh tế chân đất vùng quê này đã giúp cho không ít người sau một đêm ngủ dậy bỗng trở thành triệu phú, tỷ phú. Từ một vùng đất nghèo có tiếng, giờ đây đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp các tỷ phú. Tất cả họ đều là nông dân xịn 100% và chuyện mỗi năm kiếm ra vài ba tỷ chỉ là chuyện… nhỏ.

Họ làm ăn buôn bán gì mà lại giàu nhanh đến như vậy? Xin bật mí ngay rằng họ buôn bán cây cảnh. Việc buôn bán mặt hàng "đồ cổ" tươi xanh này đã lập tức đưa cái làng Cơ Giáo trở thành địa chỉ nổi tiếng. Mà toàn cây cảnh xịn, mỗi cây trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây hơn cả tỷ bạc. Cây cảnh ở làng Cơ Giáo này được gom về từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Gọi "đồ cổ" bởi cây ít nhất ở đây cũng có thâm niên 30-40 năm tuổi, có những cây đã có thâm niên 100 năm tuổi…

Tiếp chúng tôi trong một căn nhà sàn mới dựng giữa vườn cây cảnh, Nguyễn Văn Hiệp, một tỷ phú trẻ mới nổi vài ba năm nay, đồng thời là Thư ký Hội Cây cảnh huyện Thường Tín kể lại con đường để những nông dân nơi đây trở thành tỷ phú. Anh Hiệp kể rằng, cả cơ ngơi gồm một nhà sàn và vườn cây cảnh rộng 6.500m2 trị giá gần 2 tỷ này được gây dựng nên từ số vốn vỏn vẹn chỉ có 80 ngàn đồng cách đây ba năm…

Nghề kinh doanh cây cảnh khó làm, nhưng nếu biết cách thì lại rất dễ ăn. Hồi đầu ít tiền, anh Hiệp chỉ mua những cây con khoảng 500 đồng, sau một năm đưa về chăm bón, đem ra thị trường đã bán được 50 ngàn đồng. Anh lại mua về những cây trị giá khoảng 50 ngàn đồng về chăm bón một thời gian, khách đến mua đã trả 500 ngàn đồng. Tiền vốn ít, cứ tích tiểu thành đại, giờ đây vườn nhà anh Hiệp đã đủ các loại cây từ cây xanh, lộc vừng, đa… cây nào cũng có giá từ chục triệu trở lên và có những thời điểm không đủ hàng để cung cấp.

Anh Hiệp dẫn chúng tôi sang tham quan vườn nhà anh Chí - Hội phó Hội Cây cảnh của xã. Vườn của anh Chí nổi tiếng với rất nhiều cây đẹp và có giá cao ngất ngưởng. Trong đó có một cây rất cổ, anh Chí phải qua lại với chủ cây 6 năm ròng rã mới mua về được với giá 300 triệu đồng. Cách đây ít hôm, cây xanh này đã được một ông khách tìm đến trả giá 550 triệu nhưng anh không bán. Hiện trong vườn nhà anh Chí có khoảng 5-6 cây có giá từ vài trăm triệu trở lên.

Làm nghề kinh doanh cây cảnh từ hai bàn tay trắng từ năm 1998, cho đến nay tổng tài sản từ vườn cây của anh đã lên đến hơn chục tỷ đồng. Khi kể lại những ngày đầu lập nghiệp, tỷ phú Chí ngậm ngùi nhớ lại cảnh hàng ngày hai vợ chồng đạp xe đạp chở cây xanh ra Hà Nội bán rong. Mất tới hai năm ròng rã đạp xe mòn vẹt cả dép nhưng lời lãi chẳng thấm tháp vào đâu. Thế nhưng, chính nhờ những ngày lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội, tiếp xúc với giới chơi cây cảnh, người mua cây cảnh, anh Chí mới nhận ra được một hướng làm ăn mới để đổi đời cho mình. Anh quyết định về nhà thuê đất, mở vườn và bắt đầu lao vào nghiệp cây cảnh. Nếu như ngày trước để bán được một cây cảnh rất khó thì nay có ngày anh phải tiếp hàng chục khách tìm đến mua.

Cổ tích mới ở vùng đất ven sông

Khi có mặt tại trang trại của tỷ phú Ngô Xuân Giang - Chủ tịch Hội Cây cảnh của xã Hồng Vân, chúng tôi bắt gặp cảnh hàng chục lao động đang hối hả chăm sóc cây, xây dựng bờ bao trang trại. Tỷ phú Giang là người khởi đầu cho phong trào cây cảnh tại địa phương này bởi anh khởi nghiệp từ năm 1994  và hiện được xem là ông trùm cây cảnh tại đây.

Cũng bắt đầu nghiệp cây cảnh từ những ngày chở cây ra Hà Nội bán rong, ít năm sau, anh quyết định ngừng việc đi bán rong, lên xã thuê một sào đất để trồng thử. Cho đến nay thì vườn nhà anh Giang đã có diện tích 36.000m2 với đủ các loại cây cảnh. Khác với những người khác, tỷ phú Giang kinh doanh đa năng hơn. Vườn của anh Giang chủ yếu là nơi bán sỉ cây cho các nhà vườn khác ở các tỉnh và thành phố lân cận.

Ngoài việc kinh doanh cây cảnh, anh Giang còn nhận hợp đồng thiết kế và xây dựng các nhà vườn cây cảnh cho khách. Khoát tay chỉ cả vườn cây cảnh xung quanh, anh Giang tâm sự: "Trông thế này thôi, chứ chỉ một ông chủ vườn ở Thái Bình lên gom một chuyến khoảng 20 tỷ đồng là hết sạch cây".

Nỗi lo nhất của anh Giang cũng như các ông chủ cây cảnh tại đây là không có nguồn hàng để bán. Không giống như các mặt hàng khác có thể sản xuất liên tục, một hai năm, mỗi một cây cảnh có giá trị cần có thế đẹp, dáng cao sang và đặc biệt là phải có hàng chục năm tuổi trở lên, càng nhiều tuổi càng có giá. Thế nên để có được cây cảnh đẹp, những ông chủ này phải thiết lập mạng lưới chân rết và thường xuyên mò mẫm khắp các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra để "săn" cây độc. Có được cây đẹp mang về, tập trung chăm sửa, tỉa tót, sau đó mới có thể lọt vào mắt xanh của khách.

Từ chỗ một hai người làm cây cảnh, giờ đây cả xã Hồng Vân có tới hàng trăm gia đình rủ nhau làm. Từ đầu xã đến cuối xã đi đâu cũng chỉ thấy toàn là cây cảnh. Cả làng giờ đây có xấp xỉ gần chục tỷ phú. Trong đó có những tỷ phú trẻ như anh Quỳnh chưa đầy 30 tuổi, trong vườn nhà anh có những cây khách hàng đã trả tới hơn 1,6 tỷ đồng.

Điều hết sức đặc biệt là từ khi có nghề, ai cũng chí thú thi đua nhau làm ăn, lao động sản xuất. Các tệ nạn như cờ bạc, nghiện ngập không còn đất sống. Những tỷ phú làng nơi đây tâm sự: nghề cây cảnh đã giúp họ viết nên những câu chuyện cổ tích trên vùng đất nghèo khó nơi đây

Xuân Luận
.
.
.