Nhọc nhằn dạy chữ ở thung lũng người Mông

Thứ Sáu, 26/11/2004, 10:22

Hang Kia nằm trên độ cao 1.200m thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Mùa này, nhiệt độ ở đây xuống còn dưới 5 độ C. Cái lạnh như mũi kim châm vào da thịt. Ít ai biết được rằng nơi thâm sơn cùng cốc này, có hơn ba mươi giáo viên vượt lên những thua thiệt đời thường để miệt mài dạy chữ cho gần 500 học sinh người Mông.

Để đến được Hang Kìa, từ thị xã Hòa Bình, phải vượt hơn 140 cây số đường núi quanh co, gập ghềnh. Cả xã chỉ có duy nhất một trường tiểu học. Gọi là trường nhưng chỉ có dăm bảy lớp học trát vách đất xiêu vẹo, nhiều mảng vách đã bị thủng. Lớp học trống hơ trống hoác, gió lùa ào ào như có bão.

Bao giờ đi học là niềm vui?

Trời lạnh cắt da cắt thịt nhưng các em học sinh người Mông chỉ mặc một bộ váy áo dân tộc mỏng manh, đôi chân trần tím bầm. Có lẽ vì quá lạnh nên các em nghỉ học rất nhiều, như lớp của cô giáo Hà Thị Hòm, sỹ số là 23 em, nhưng hôm nay chỉ có 10 em co cụm trong một góc lớp ê a tập đọc.

Năm học này, Hang Kia có 5 lớp mầm non, 21 lớp tiểu học và 3 lớp  "nhô" THCS. Vì mỗi xóm bản cách nhau vài cây số đường rừng, bàn chân nhỏ bé của các em người Mông khó có thể trèo đèo lội suối đến trường vào những buổi sáng sớm nên Hang Kia đã thành lập các chi trường tại xóm bản. Xã được Chính phủ xếp vào diện đặc biệt khó khăn nên học sinh được phát sách, phát vở, được miễn học phí.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hang Kia là thầy Lò Văn Êu, dân tộc Thái, người có 34 năm gắn bó với trường tiểu học vùng cao. Thầy Lò Văn Êu tâm sự: "Tôi có một khao khát lớn nhất là có đông học sinh đến học, vì thế, chiều nào soạn bài xong, chúng tôi đều vào nhà dân vận động con em đi học. Vậy mà có vị trưởng bản nói: "Thầy giáo ơi, đi học thì lấy ai làm nương, cái bụng cần ăn lúa, ăn gạo chứ cần gì ăn chữ. Có em học sinh đến tuổi đến trường nhưng lại ở nhà chăn trâu vì nếu để trâu đói bố sẽ mắng”. Nghe những lời ấy, đêm nằm tôi trằn trọc lắm".

Cô giáo Hà Thị Hòm có 27 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, nay vẫn day dứt: "Mỗi lần vào lớp thấy thiếu vắng một vài em là tôi lo chúng ốm. Tôi vào bản giải thích cho bố mẹ các em hiểu, có chữ sẽ không còn đói nghèo, lạc hậu. Nhiều ông bố lại cõng con ra trường gọi: "Cô giáo ơi, dạy chữ cho con tôi với". Mừng rơi nước mắt! Những hình ảnh đó đã giúp chúng tôi vững niềm tin bám lớp, bám trường mà chẳng hề thấy thua thiệt". Mấy ai hiểu được nỗi vất vả khi các thầy cô dạy chương trình và sách giáo khoa mới, trong khi nhiều em học sinh người Mông chưa thông thạo tiếng phổ thông. Vì thế, các thầy cô vừa phải dạy các em kiến thức, lại vừa dạy các em nói tiếng phổ thông. Thêm nỗi nhọc nhằn, biết bao giờ mỗi ngày đến trường là một ngày náo nức niềm vui?

Cần lắm những con người như thế!

Một hình ảnh xúc động đến nao lòng lại là chuyện thường ngày ở Hang Kia. Học sinh khi đến lớp, trên vai khoác thêm bi đông nước để mang cho thầy cô. Nguồn nước duy nhất ở đây là nước mưa và phải băng vài cây số đường rừng mới có thể tìm thấy nước trong các hang đá. 20/11 năm nay, Trường Tiểu học Hang Kia đã đề xuất với Phòng Giáo dục huyện Mai Châu mua 4 téc nước chở từ xã Pà Cò vào "cấp cứu", nếu không các thầy cô chắc phải ăn gạo khô. Thầy Lường Văn Phượng, Hiệu phó nhà trường đỏ mặt: "Nói ra thì xấu hổ, nhưng có khi cả tháng không được tắm vì phải nhường nước cho các cô".

Thầy Lò Văn Êu có gia đình ở xã Tòng Đậu, cô giáo Hà Thị Hòm ở thị trấn Mai Châu, thầy Lường Văn Phượng quê ở xã Mai Hạ, đường đi từ những xã đó đến Hang Kia chủ yếu là đường rừng núi nên họ ít về thăm nhà. Có cô giáo tuổi mới đôi mươi như cô Hà Thị Huyền nhưng sẵn lòng gắn bó với bản làng người Mông này. Phía sau họ là gia đình, người yêu và những tình cảm riêng tư.

Thời gian gần đây, theo Công an huyện Mai Châu, đáng buồn là tại "thung lũng hoang vắng" Hang Kia, nạn ma túy đang xâm nhập mạnh mẽ, làm đảo lộn nếp sống của nhiều gia đình. Vì thế, việc dạy chữ cho con em người Mông càng phải được quan tâm để giúp các em có đủ hiểu biết, nghị lực tránh xa tệ nạn.

Nếu không có một lẽ sống vượt trên những đồng lương, tôi tin thầy Êu, thầy Phượng, cô Hòm… sẽ không thể vượt qua được nỗi nhọc nhằn, sự khắc nghiệt tại nơi đất rộng người thưa này để mang chữ đến cho con em người Mông

Thu Phương
.
.
.