Nhớ người Anh hùng phi công… “bảy phát, bảy trúng”
Kỳ 2: Duyên nợ với con số 7
Ông Bảy nói với tôi rằng, nếu kể chuyện chiến đấu, chuyện đồng đội, và đặc biệt là về những chiếc máy bay chiến đấu mà ông từng gắn bó “có khi mấy ngày tao kể chưa hết”.
Tôi hỏi câu chuyện mà ông vẫn hay kể với anh em, bạn bè, đó là cuộc đời ông gắn với con số bảy kỳ lạ, ông cười khà khà: “Thì đó là trong nhà tao là con thứ bảy; tên Bảy; tham gia Cách mạng năm 17 tuổi; học văn hóa 7 ngày xong 7 lớp, 7 lần bắn rơi máy bay địch, láy máy bay chiến đấu MiG17, được bảy huy hiệu Bác Hồ; được phong tặng Anh hùng vào 1967. Đến tháng 7-1967, tao đẻ con trai đầu lòng”.
Rồi ông giải thích thêm: “Tao tên Hoa, chứ đâu phải tên Bảy đâu. Nhưng hồi đi học trường làng, bị bạn bè chê sao tên giống con gái. Vậy là sẵn thứ bảy, tao về nói cha mẹ đổi tên thành Bảy luôn. Năm 17 tuổi, tao trốn nhà theo bô đội. Nói thiệt, giác ngộ Cách mạng thì có, nhưng thú thiệt là do sợ ở nhà bị ông bà già bắt cưới vợ, nên đi bộ đội. Tao thắng địch tỷ lệ 7- 0, tức địch chưa hề gảy ngứa được tao - tức tao không hề bị thương hay phải nhảy dù lần nào”.
Có nậm rượu ngâm với trái giác do người dân Cà Mau gởi tặng, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy mời PV Báo CAND nhâm nhi với mấy món “cây nhà, lá vườn". |
“Tối qua tao vừa nghĩ ra được một số con số bảy gắn với đời tao nữa. Đó là chiếc MiG17 tao lái chỉ bằng 70% tốc độ hầu hết các lọai máy bay của địch mà tao đã bắn hạ. Khi giải phóng miền Nam xong, ngày 6-5-1975, tao và một số anh em vào tiếp quản sân bay Cần Thơ, tao chủ trì thành lập Trung đoàn 937” – ông Bảy cho biết thêm.
Trước hôm gặp và nghe ông kể về những chiến công huyền thoại, tôi tìm ông khá vất vã. Nghe ông không còn ở Hòa Thành, tôi hỏi đường sang Tân Dương. Thế nhưng tới Tân Dương rồi, tôi tình cờ biết người cháu của ông đang là cán bộ địa chính xã, cho biết nhà ông hiện đã dời qua thị trấn cùng tên huyện Lai Vung nổi tiếng với đặc sản nem của Đồng Tháp. “Nhưng ông Bảy đi Sài Gòn mấy bữa nay rồi. Nghe đâu cả tuần nữa ổng mới về” – anh Duy cho biết.
Tôi xin số điện thoại của ông rồi bấm máy gọi. Giọng ông rổn rảng, đặc sệt tính cách của nông dân miền Tây Nam Bộ: “Tuần sau tao mới dìa”.
Gần một tuần sau đó, tôi gọi, ông nói còn có chút việc nên phải nán lại mấy bữa nữa. Và mãi tới thứ tư tuần gần cuối tháng 4-2015, quay lại vùng quê Lai Vung, tôi mới gặp được ông
“Tháng nào cũng vậy, ông Bảy lên Sài Gòn vừa thăm con, thăm cháu nội, sinh hoạt CLB không quân và lĩnh lương hưu. Lần nào đi Sài Gòn ông Bảy cũng đùm túm đủ loại sản vật mà ổng nuôi, trồng được như gà, vịt, cá mắm, trái cây,… lên cho con cháu, anh em đồng đội” – Tú, khi đó là Phó bí thư xã đoàn Tân Dương, cũng là cháu rễ của ông Bảy, cho biết.
Nhà ông Bảy nằm giữa đồng. Trước nhà ông là một con kênh xáng cũng là ranh giới hành chính giữa thị trấn Lai Vung với xã Tân Dương. Để tới được nhà ông, từ trụ sở UBND xã Tân Dương, chúng tôi phải đi ngoằn ngoèo thêm khoảng 5km, theo con đường nhựa cũ, khá hẹp lại có rất nhiều cầu; sau đó rẽ trái vào nhà ông theo một lối đi nhỏ được trải đá dăm.
“Ông Bảy vận động nhà hảo tâm đổ đá chứ hồi trước đâu được vầy. Rồi cũng nhờ ông Bảy mà cả chục hộ dân nằm sâu trong này sớm có điện xài. Ông Bảy thương người lắm. Được tiền bồi dưỡng mỗi dịp được mời kể chuyện truyền thống, ông không xài đâu mà bỏ vào heo đất, gây quỹ tiết kiệm cho trường. Học sinh, nhà trường và đoàn thanh niên nhiều nơi từ đó phát động phong trào nuôi heo đất ông Bảy” – Tú, kể thêm.
Ngay từ trước khi bước vô căn nhà cấp 4 của ông Bảy, tôi nhận ra tố chất rất cần cù của ông Bảy dù rằng năm nay, ông đã bước vào tuổi 80. Mảnh sân nhỏ trước nhà ngoài phần diện tích ông để cho con cháu cùng xóm phơi lúa, ông trồng đủ thứ rau, củ, quả, hoa kiểng và những cây thuốc nam. Tất cả đều rất tươi tốt. Còn trên tường mặt tiền nhà mình, ông Bảy cho chạm phù điêu của quân chủng mà ông từng lẫy lừng với những chiến công đặc biệt.
Chúng tôi bước vào nhà, theo lối nhà bếp, đi luồn ra phía sau nhà tìm ông. Công sức của “Anh hùng Bảy lúa” hiện rõ ràng trước mặt. Cánh đồng lúa xanh rì. Trên bờ mẫu được gia cố tựa những con đê chống lũ có đến hàng chục loại cây ăn trái. Cạnh nơi tôi đứng, sa ri chín rụng đầy lối đi; mít thì trái sai oằn từ gốc tới ngọn. Khi chúng tôi lên tiếng chào, ông Bảy đang lui cui trồng mấy gốc mãng cầu gai thay thế cho một số cây mà theo ông “chẳng nên nết”, tức cho trái như ý ông.
Múc nước tưới mấy gốc mãng cầu vừa được trồng, ông Bảy quay sang tôi, cho biết suốt ngày, ít khi ông ở trong nhà mà “khoái” ở ngoài đồng, làm bạn với ruộng lúa, cây trái và mấy con cá. Ông kể hồi mới “giã từ binh nghiệp”, ông trở về lại với “kiếp” nông dân bằng việc về Hòa Thành - mảnh đất ngày xưa đã sinh ra ông, cất chòi, lên bờ liếp trồng cây, khoét thêm ao nuôi cá.
Chỉ xuống ao cá có chiếc cầu tre lắc lẻo bắc qua, ông Bảy cho biết: “Tao đặt dớn ngoài kinh. Hễ dính cá gì nuôi được là tao thả vô đây nuôi”. Chính vì vậy mà giờ ao cá của ông cũng đủ chủng loại cá.
“Môi trường nước ở đây ngon lành à nghen. Hồi sáng tao bắt mấy con cá mè, cá chép, cá rô phi, con nào cũng chửa, trứng óc nóc” – ông Bảy ra vẻ tâm đắc.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn (khi đang là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp) trong một dịp gặp gỡ. |
Người dân cùng xóm nói “ông Bảy lúa mát tay”, trồng cây gì, nuôi con gì cũng sống, cũng… “trúng”. Lúa, ông Bảy làm mỗi công tới 50 giạ. Người dân cùng xóm còn nể ông Bảy lần ông trồng được củ khoai mì nặng gần 23 kg, “dư sức đem đi đấu xảo”.
Tôi nói bờ mẫu đất phèn, sao ông trồng cây gì cũng tươi tốt, ông Bảy cười khà khà, nói như chia sẻ kinh nghiệm cho một học trò đang “học” làm nông dân: “Đất phèn thì phải vun phân cho nó. Rồi tháng trời nắng, phải siêng năng tưới cho nó, đủ nước nó mới tốt được chứ”.
Ngồi dưới tán cây, gió mát rượi, rít điếu thuốc lá, ông Bảy nói với tôi giọng mãn nguyện: “Tao trồng tỉa cho vui, cho con, cho cháu, chòm xóm ăn, có khách khứa thì cây nhà, lá vườn đem lên nhậu, chứ tao với bả mà ăn uống bao nhiêu. Được cái là nhờ vậy mà quanh năm, nhà tao chẳng phải đi chợ. Tao nhờ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà từng tuổi này vẫn khỏe trân, vác bao lúa năm chục ký đi te te; rượu đế nhâm nhi nửa lít là… chuyện nhỏ”.
“Anh hùng Bảy lúa” bộc bạch với tôi rằng giờ quen với công việc nhà nông, nên hễ đi đâu vài ngày là ông nhớ da diết. Ông kể lúc nhỏ ông là dân chăn bò, chăn trâu, suốt ngày ở ngoài đồng. Cái mùi lúa non, mùi sữa khi lúa trổ đòng đòng, mùi lúa chín và cả mùi âm ẩm của rơm rạ cứ theo đuổi ông suốt mấy mươi năm xa quê, đánh giặc. Và chính vì vậy, trở lại từ chiến trường, ông không có cớ gì để mà không tìm lại nó. Tôi để ý trong nhà của ông có hai chiếc võng, đều được đặt cạnh cửa sổ. Hai ông bà vẫn hay nằm võng này “coi” tivi, đọc báo. “Nằm đây lúc nào tao cũng thấy mát rượi. Sướng nhất là luôn ngửi được mùi lúa ngoài ruộng theo gió bay vào và tiếng cá dưới ao sau nhà giành mồi, quảy đuôi…”.
Tôi hỏi điều khiến ông tâm đắc, hạnh phúc nhất, ông Bảy nói chính là đã vinh dự nhiều lần được gặp Bác, nghe theo lời Bác, học, chiến đấu hết mình.
Ôn lại chặng đường chiến đấu vẻ vang của mình, ông Bảy rất rất tự hào được anh em đồng chí đánh giá là người luôn giành phần nguy hiểm về mình nhiều nhất. Ông cũng là chiến sĩ không quân đầu tiên được bầu vào Quốc hội (khóa IV và nửa nhiệm kỳ V thì miền Nam hoàn toàn giải phóng – PV), là một trong ba phi công được Bác Hồ tuyên dương Anh hùng LLVTND đầu tiên trong đợt tuyên dương anh hùng thời chống Mỹ, cứu nước đầu tiên ở miền Bắc, là Anh hùng không quân được mời tham gia Đoàn chủ tịch đại hội, các cuộc mít tinh của quân đội và Nhà nước nhiều lần nhất;… Là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp “ách” (aces) – một danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ năm trở lên.
Về kỷ niệm kể từ sau ngày về hưu, trở thành “Anh hùng Bảy lúa”, ông kể tôi nghe lần ông gặp lại “đối thủ trên không” của mình - tướng phi công Mỹ Steve Richie. Một trong những việc mà Steve Richie làm khi quay trở lại Việt Nam lần đó là về Đồng Tháp, quyết tìm lại cho bằng được Anh hùng Nguyễn Văn Bảy - người phi công năm xưa đã bắn hạ chiếc F-4 mà ông ấy từng lái.
Tướng Steve Richie xin kết bạn, nói lời cảm ơn ông Bảy vì đã cứu sống ông ta trong chiến tranh. “Hôm đó, tao tiếp Steve Richie bằng một bữa cơm gạo thơm, có thịt gà thả vườn, cá dưới ao và rượu tự nấu. Steve Richie vừa ăn vừa khen ngon. Anh ta cũng khâm phục luôn cái tài làm nông dân của Bảy lúa” – ông Bảy kể.
Chia tay với tôi, “Anh hùng Bảy lúa” còn cười khà khà kể kỷ niệm xảy ra cách nay gần 30 năm: “Lái máy bay chiến đấu đánh giặc bao nhiêu năm không bị gì. Vậy mà Tết 1986, trong khi đi tặng hoa đào chở từ miền Bắc vào cho các đơn vị không quân phía Nam thì trực thăng chở bị tai nạn do phi công bất cẩn quệt phải ngọn cây gần sân vận động Bạc Liêu. Trực thăng gảy cánh quạt, rớt. Tao và mấy thằng em suýt chết… oan”.
Theo lời Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, trong lần về Đồng Tháp tìm ông, tướng phi công Mỹ Steve Richie mang theo đứa con gái của một người bạn từng là phi công nhưng đã mất tích trong một trận đánh với phi công Việt Nam tại miền Bắc. Sau gần 50 năm, người con gái Mỹ ấy lớn lên nhưng luôn trăn trở, khắc khoải về tin tức cha mình và cô hy vọng có thể bố mình vẫn còn sống và thất lạc đâu đó ở Việt Nam. Nghe qua lời của Steve Richie, ông quả quyết: "Nếu đúng như mô tả của Steve Richie thì chính tôi đã bắn cháy chiếc máy bay ấy. Nhưng tôi không thấy phi công nhảy dù”. Ông bộc bạch dù nói ra sự thật ấy chỉ khơi lại nỗi đau đến thất vọng cho đứa con đi tìm cha, nhưng đó là sự thật không thể chối cãi. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ đất nước mình, người Việt Nam cũng phải chịu những nỗi đau mất mát rất lớn. |