Nhớ mãi ngày chiến thắng

Chủ Nhật, 29/03/2015, 09:45
Những ngày này, thành phố bên bờ sông Hàn tràn ngập trong không khí hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố (29/3/1975-29/3/2015).
Tiếp chúng tôi trong căn nhà trên đường Phan Bội Châu, Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Khu ủy viên Đặc Khu ủy Quảng Đà, Phó Chính ủy Mặt trận 4 – một trong những người trực tiếp chỉ huy tiến công và tiếp quản Đà Nẵng trong ngày 29/3/1975, bồi hồi bao cảm xúc khi kể lại trận đánh mang tính quyết định năm xưa. Dù đã bước sang tuổi 88, nhưng ông Thạnh vẫn còn khá minh mẫn. Trong hồi ức của người lính già đầu bạc vẫn còn đó tươi nguyên bao kỷ niệm trên chiến trường đất Quảng năm nào...

Theo lời kể của ông Thạnh, trước thắng lợi như chẻ tre của quân ta ở Tây Nguyên, rồi Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, vào tối 27/3/1975, đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch nước, lúc bấy giờ giữ chức vụ Bí thư Khu ủy V, họp Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, quyết định: Phải giải phóng Đà Nẵng bằng 2 lực lượng tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng; chậm nhất là ngày 3/4/1975 phải hoàn thành giải phóng thành phố!...

Quân giải phóng tiến vào TP Đà Nẵng ngày 29/3/1975. (Ảnh tư liệu).

Ngay sau đó, Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận 4 nhanh chóng được thành lập, đóng tại thôn Phái Nhứt, xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam). Địa điểm này chỉ cách đồn địch khoảng 1 cây số, để chuẩn bị bước tiến quân giải phóng Đà Nẵng… Chiến dịch giải phóng Quảng Đà bắt đầu từ 5h sáng 28/3/1975, khi pháo binh của ta nổ súng vào Bà Rén, Vĩnh Điện, Hòn Bằng… 8h sáng cùng ngày, pháo binh tiếp tục bắn khống chế sân bay và hải cảng Đà Nẵng.

Các lực lượng bộ binh, thiết giáp bắt đầu tấn công những huyện, thị, vùng ven thành phố. Do được chuẩn bị trước, các ủy ban khởi nghĩa huyện, thị ở Quảng Đà đã nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy theo mệnh lệnh khởi nghĩa của Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Lúc này, hơn 3.000 binh sĩ ngụy tại Trung tâm huấn luyện Hoà Cầm, Đà Nẵng làm binh biến (nhờ công tác binh địch vận của ta) đã tan rã, rối loạn như ong vỡ tổ. Vụ binh biến Hòa Cầm đã gây một tiếng vang lớn, đánh vào tâm lý hàng ngũ địch ở vùng ven TP Đà Nẵng, vốn đã rất hoang mang, lo sợ.

Trước tình thế đó, Trung tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn I của ngụy đóng tại Đà Nẵng hoảng sợ và tuyệt vọng, nhanh chóng đánh bài chuồn. Nhận được tin báo “Ngô Quang Trưởng bí mật chuồn ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi biển Đông”, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà hạ quyết tâm: “Vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975” và được Thường vụ Khu ủy 5 chấp thuận.

Trong lúc đó, từ các hướng Bắc, Tây, Tây Nam và Nam, các Sư đoàn 325, 324 của Quân đoàn 2, Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52 của Quân Khu V hành quân về Đà Nẵng. Xe tăng, pháo binh, bộ binh hình thành thế trận hợp đồng chặt chẽ. Pháo lớn của ta đặt ở phía Nam cầu Câu Lâu bắn chặn phía bờ biển Thọ Quang, sân bay Đà Nẵng…

Nhớ về thời khắc lịch sử giải phóng TP Đà Nẵng của 40 năm trước, ông Thạnh không giấu được ánh mắt tự hào, nói rằng, ngày 29/3/1975, thực hiện mệnh lệnh của Sở chỉ huy tiền phương, một mũi quân ta tấn công cánh Đông, từ Hòa Hải tiến ra đánh chiếm sân bay Nước Mặn, thọc thẳng ra chiếm Sơn Trà, chặn không cho địch rút chạy bằng đường biển.

Mũi khác, lấy Tiểu đoàn 1 R20 của Trung đoàn 96 từ chỉ huy Sở tiến vào trung tâm Đà Nẵng đánh chiếm Tòa Thị chính, do đồng chí Lê Ngọc Bảy (Tiểu đoàn trưởng) chỉ huy và ông Thạnh được phân công đi cùng. Khoảng 1h30 cùng ngày, cùng với Biệt động thành Đà Nẵng, đơn vị này đã chiếm được Tòa Thị chính và triển khai đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm khác ở Quận Nhứt.

“Khi đại quân ta tiến công vào Đà Nẵng từ nhiều hướng, nhân dân các khu phố ùa ra đường vỗ tay chào đón quân giải phóng. Đường phố đầy người và cờ, hoa... Đến chiều 29/3, đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có mặt ở trung tâm TP Đà Nẵng.

Tối đó, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Hồ Nghinh, Thường vụ Khu ủy cùng một số đồng chí lãnh đạo Khu ủy V, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã vào đến TP Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công ra lệnh đánh đi cho đồng chí Lê Duẩn (Cố Tổng Bí thư-NV) một bức điện lịch sử, với nội dung: “Đà Nẵng đã giải phóng rồi.Anh Năm Công (Võ Chí Công-NV), anh Phước (Hồ Nghinh-NV) đã vào Đà Nẵng rồi!”.

Vậy là, Đà Nẵng được giải phóng gần như nguyên vẹn. Tối 29/3 thành phố vẫn sáng ánh đèn, toàn dân hân hoan với niềm vui đại thắng. Giải phóng Đà Nẵng ta thu được 109 khẩu pháo, 138 xe tăng và xe bọc thép, 115 máy bay, 47 tàu thủy...

Trong kế hoạch tấn công giải phóng Đà Nẵng, phối hợp với lực lượng tiến công từ ngoài vào, rạng ngày 29/3, tại số nhà 245 Phan Châu Trinh, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã phát lệnh khởi nghĩa; các ủy ban khởi nghĩa trong thành phố lập tức đưa quần chúng nổi dậy, tấn công vào quân ngụy, kêu gọi binh sĩ ngụy hạ vũ khí trở về nhà, không chống cự, ra hàng cách mạng.

Lực lượng An ninh Quảng Đà, lúc bấy giờ do đồng chí Hoàng Văn Lai, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh trực tiếp chỉ huy 184 cán bộ, chiến sĩ an ninh hạ quyết tâm “Tất cả cho giải phóng Đà Nẵng”, phối hợp cùng các lực lượng khác, như: biệt động thành, tự vệ triển khai kế hoạch đánh chiếm các vị trí theo phương án đã vạch ra, đặc biệt tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của địch tại Đà Nẵng, như: Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Đài phát thanh, Nha Cảnh sát vùng I, trụ sở Quốc dân đảng, cơ quan CIA, Tòa Thị chính… Đặc biệt, khi đánh vào nhà giam Kho Đạn, lực lượng An ninh đã tấn công giải phóng hàng trăm người bị địch bắt giam giữ tại đây…     

Đã 4 thập kỷ trôi qua, từ đổ nát của chiến tranh, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, thành phố bên bờ sông Hàn ngày nay đã phát triển trở thành thành phố văn minh, hiện đại và “đáng sống”.

Những người lính năm xưa từ chiến khu tiến quân về đồng bằng giải phóng Đà Nẵng, nay người còn, người mất. Những cựu chiến binh còn sống như ông Thạnh, hầu hết tuổi cũng đã cao, tóc bạc da mồi. Thế nhưng, tâm khảm của họ vẫn còn đó hừng hực khí thế và niềm vui bất tận của ngày quê hương được giải phóng.

Ngày 29/3/1975, không chỉ là ngày vui của người Đà Nẵng mà mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo nên thế và lực mới để quân và dân ta mở toang cánh cửa “tiến về Sài Gòn”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

T.Thành - A. Rô
.
.
.