Nhớ lần vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng 119 tuổi Trần Thị Viết

Thứ Tư, 22/06/2011, 09:37
Vậy là Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Viết đã về với đất mẹ thuộc ấp cả Dứa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An) vào lúc 10h ngày 20/6 vừa qua.

Trò chuyện với PV Báo CAND sáng 21/6, họa sĩ Đặng Ái Việt - người từng vẽ chân dung mẹ Viết (thuộc công trình mỹ thuật  Hành trình nét thời gian) bộc bạch rằng: Chuyện về Mẹ VNAH Trần Thị Viết - người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam, từng khiến bao thế hệ người Việt Nam cảm động, khâm phục và tự hào.

Bảy con trai lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, khiến người mẹ sống giữa bưng biền Đồng Tháp Mười đau hơn 7 lần cắt ruột. Tuy nhiên, cho tới ngày nhắm mắt, mẹ vẫn mãn nguyện với chân lý Cách mạng: "Đất nước còn giặc, đứa này ngã xuống thì phải đưa đứa khác tiếp bước các anh nó!".

Bảy lần tiễn con đi…

Mẹ VNAH Trần Thị Viết, 119 tuổi, tại làng An Hòa, huyện Thủ Thừa (Long An). Khi còn sống, cụ Viết kể thời con gái, cụ nổi tiếng khắp làng không phải về sắc đẹp mà là do cụ có giọng hò cấy lúa rất đặc sắc. Cụ từng tự tin "thách" nếu ai thuộc nhiều và hò dài hơi hơn, cụ sẽ cấy lúa cho nhưng kết cuộc, không ai qua nổi cụ.

Họa sĩ Đặng Ái Việt chụp ảnh lưu niệm với Mẹ VNAH Trần Thị Viết.

Lần nhận giấy "Mừng đại thọ" do Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh gởi, kèm theo lời chúc phúc ân tình của lãnh đạo địa phương, cùng đại diện hơn 40 cháu nội, ngoại; 450 cháu cố, cháu sơ (chút, chít - thế hệ thứ 4-5), cụ ngẫu hứng hát lại những câu hát ru từng gắn với nghiệp đi cấy mướn của cụ từ cách nay ngót hơn trăm năm.

Cụ Viết kể: Cũng từ giọng hò trong trẻo, ngọt ngào ấy là cụ phải lòng anh chàng làm nghề lái cá Nguyễn Văn Dành, lớn hơn cụ hai tuổi, con một nghĩa binh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.

Năm 16 tuổi, mẹ Viết theo chồng về Tuyên Bình Tây. Cụ Viết từng kể, vùng Đồng Tháp Mười thời ấy rất hoang vắng. Không có tiền đóng thuế thân, cụ ông phải trốn biệt trong đồng sâu và sau đó tham gia chống Pháp từ trước Cách mạng tháng Tám. Còn cụ thì ngày nào cũng vậy, ra bưng cắt cỏ bàng về phơi, tối thức giã bàng để đan đệm bán đổi gạo.

Cuộc sống lam lũ, cùng cực nhưng hai vợ chồng đẻ… một lèo 10 người con. Tiếp bước lòng nhiệt huyết Cách mạng của người cha, những con trai của cụ Viết lần lượt vào bưng biền đi kháng chiến.

Năm 1952, anh Nguyễn Văn Liễng - con trai đầu lòng của cụ tham gia Công an xã Tuyên Bình Tây. Đến tháng 6/1953 thì hy sinh. Lòng cụ đau như bị cắt nhưng cụ vẫn lấy "gương thằng hai" để động viên các con còn lại. Vậy là lần lượt các anh: Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Kiểng, Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Yến "nối bước anh Hai". Cụ Viết vẫn ở nhà làm ruộng, chắt chiu nuôi các con đánh giặc cứu nước.

Cuối năm 1958, bên tin vui chiến thắng của đồng đội con trai thứ sáu, cụ Viết nhận thêm tin anh Tạo đã hy sinh ở tuổi 22 với chức danh Tiểu đội trưởng du kích xã. Chẳng bao lâu sau, anh Kiểng - Đội trưởng Đội du kích, con trai thứ ba của cụ, hy sinh. Năm 1959, cụ Viết tiễn hai con vừa trưởng thành là Nguyễn Văn Trị và Nguyễn Văn An ra trận.

Tết năm 1963, cụ Viết nhận được tin, anh Trị cướp súng giặc không thành, bị địch bắt, xử bắn tại Mộc Hóa. Căm thù giặc sâu sắc, cụ Viết đưa nốt con trai út - anh Nguyễn Văn Dẫu vào chiến trường chống Mỹ. Nguyễn Văn Bi, cháu nội đích tôn - con liệt sĩ Nguyễn Văn Liễng năm ấy vừa mới lớn, cũng tiếp bước cha và các chú.

Trong trận Mậu Thân 1968, anh Tám Dẫu hy sinh ở chiến trường Mỹ Tho. Năm 1971, anh Nguyễn Văn Anh - cán bộ binh vận xã, hy sinh. Năm 1972, đứa con cuối cùng của mẹ Viết còn lại ở chiến trường Đồng Tháp Mười là Nguyễn Văn An cũng ngã xuống…

Sống giữa rốn lũ Đồng Tháp Mười, cụ Viết lặng lẽ nén nỗi đau riêng, khóc thương con bằng trái tim vĩ đại của người mẹ. Cụ vẫn ngày ngày ra đồng mót lúa trời và tát cá lấy tiền nuôi các cháu nội. Sau giải phóng, cụ sống với vợ chồng cháu nội (tên là Bình - con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dẫu). Ngay khi Chủ tịch nước có quyết định phong tặng Bà mẹ VNAH, cụ Viết là người đầu tiên nằm trong danh sách được phong tặng.

"Tôi vẽ Mẹ VNAH Trần Thị Viết"

Chiều 21/6, khi PV Báo CAND điện thoại thì họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết bà đang ở phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để vẽ Mẹ VNAH Phùng Thị Hiệp, 97 tuổi.

Đây là Mẹ VNAH thứ 511 và Vĩnh Phúc là địa phương 43 của cả nước, họa sĩ Đặng Ái Việt đặt chân tới để thực hiện công trình mỹ thuật "Hành trình nét thời gian". Kể lần về Long An vẽ Mẹ VNAH Trần Thị Viết, giọng họa sĩ Ái Việt nghẹn ngào: "Đó là kỷ niệm tôi không thể quên trong sự nghiệp sáng tác của mình".

Họa sĩ Việt kể, bà biết mẹ Viết vào dịp Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận mẹ là "người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam" vào tối 18/12/2010. Lần đó, họa sĩ Ái Việt cũng được Trung tâm ghi nhận kỷ lục "nữ họa sĩ vẽ chân dung Mẹ VNAH nhiều nhất".

Họa sĩ Ái Việt kể thêm: "Vậy là hai kỷ lục gia gặp nhau. Tôi lên kế hoạch đi ngay về Vĩnh Hưng, Long An để tìm Mẹ VNAH Trần Thị Viết. Đường từ trung tâm xã về tới nhà mẹ Viết phải đi bằng phương tiện vỏ lãi. Và nếu không được sự giúp đỡ của anh em Công an xã thì tôi gặp khó khăn lắm mới có thể tới nhà mẹ Viết. Ngày hôm đó, tôi còn nhớ đúng vào ngày 22/12. Mẹ Viết mắt có hơi mờ nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn lạ thường. Cháu của mẹ mặc áo dài cho mẹ. Trong lúc tôi vẽ, không chỉ kể chuyện về tuổi thơ, kể về chồng, các con của mình, mẹ Viết còn đọc thơ cho tôi nghe".

Họa sĩ Đặng Ái Việt còn cho biết, từ sự chịu đựng hy sinh cao cả, vĩ đại của Bà mẹ VNAH Trần Thị Viết, trở về từ Long An, bà đã vẽ thêm một bức tranh khổ lớn về mẹ. Bức tranh này đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tên vào với tình cảm trân trọng nhất… 

Tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung Mẹ VNAH Trần Thị Viết.

Mẹ VNAH Trần Thị Viết qua đời vào lúc 4h30' ngày 18/6/2011, hưởng thọ 119 tuổi.

Tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung Mẹ VNAH Trần Thị Viết.

UBND tỉnh Long An đã quyết định thành lập Ban tang lễ tổ chức lễ tang cho mẹ do ông Trần Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - làm Trưởng ban lễ tang. Lễ truy điệu Mẹ Viết đã được tổ chức vào sáng 20/6 và Lễ an táng sẽ được tổ chức lúc 10h ngày 20/6 tại quê nhà. 

Sau khi Mẹ Viết được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam", UBND tỉnh Long An đã giao cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An kết hợp với Công ty TNHH một thành viên Văn hóa - Nghệ thuật Phú Thảo lập hồ sơ gửi tới tổ chức Guinness thế giới để Mẹ Viết được công nhận là người cao tuổi nhất thế giới. Tuy nhiên, trước khi tổ chức Guinness thế giới công nhận, thì mẹ Viết đã được tổ chức Guinness khu vực châu Á ghi nhận.

Thái Bình
.
.
.