Nhớ em ngày mở đường Trường Sơn

Thứ Ba, 08/03/2011, 19:17
Năm 1971 ấy, từ phía xa, bên chân đèo Mây có tiếng mìn. Những phát mìn mở đường thắng lợi cho đất nước của các cô gái Ban 67 vang vọng về nơi cánh nhà văn chúng tôi.

Tôi men theo con đường phía Nam, băng rừng tìm về nơi có tiếng nổ. Năm cô gái trên một ngọn đồi mà chúng tôi gặp đầu tiên trên đoạn đường gian nguy ấy là năm cô gái quê ở Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm cô ra đi trong một mùa thu năm trước. Tôi cũng không ngờ tuổi các cô trẻ đến như vậy. Từ một làng nhỏ nọ ra đi: hai cô 18 tuổi, ba cô nữa 19. Lúc các cô rời ghế nhà trường từ giã nhà ra đi tuổi vừa độ "bẻ gãy sừng trâu". Cái tuổi 17 khỏe khoắn yêu đời, yêu cuộc sống đó mà!

Năm cô gái cộng lại tuổi chưa tròn trăm mà con số nổ mìn của các cô đến số vạn. Trong những ngày đầu chiến dịch mỗi cô đã bắn đến hơn 2.000 quả. Các cô cùng đơn vị đã kéo dài đoạn đường rừng phương Nam của Tổ quốc thêm hơn ba vạn mét. Qua câu chuyện, tôi biết cô đi cuối cùng có khuôn mặt nhỏ và bím tóc ngăn ngắn là Hồng Nga. Hồng Nga ở làng Đại Định, xã Tam Hưng, gần thôn Bình Đà nổi tiếng về làm pháo ngày xưa và cấy lúa xuân 10 tấn...

Buổi sáng ở Ban bộ, đồng chí phụ trách nói với chúng tôi: "Chính vì cuộc chiến đấu quá oanh liệt của chúng ta với kẻ thù, và cuộc sống của chúng ta rất phi thường cho nên công việc làm của các chiến sĩ mở đường cũng thật là anh hùng, anh ạ!". Mà thật vậy, đi với họ - những chiến sĩ gái mở đường - tôi mới hình dung hết những gian nguy và anh dũng vô ngần.

Tác giả (phải) giữa rừng Trường Sơn năm 1971.

Nga kể cho tôi nghe: Nguyện vọng của các cô là đến đây, vì con đường mở về phương ấy là con đường đẹp đẽ nhất của đất nước. Các cô mở đường trên tuyến phương Nam thường ở trong rừng. Rừng già nhiều cây cổ thụ. Lắm cây gấp ba, gấp bốn cây đa trăm tuổi ngoài miếu Đông Tu làng Nga ở. Cái gì đây các cô cũng mường tượng như những gì thân thương ở quê nhà. Phải có một tình yêu quê hương sâu sắc thắm nồng như vậy, các cô mới có đủ sức xa nhà mở đường xuân cho mai sau.

Tôi đang đi bên những dãy hầm chữ A nằm rải ra dưới những rừng cây to. Rừng cây hiếm hoa, nhưng đó đây, le lói bên ngọn đèn dầu, hoa rừng vẫn được cắm trong lọ làm bằng cánh tàu bay hoặc vỏ đạn Mỹ. Cái gì ở đây cũng bằng đuya-ra từ chiếc lược, lọ hoa, đôi đũa, cái nồi… "Bọn Mỹ muốn bắt chúng em sống lại thời kỳ đồ đá, nhưng chúng em đã đàng hoàng trong "thời đại đồ nhôm" đó anh ạ!”. Đây là lời Nga nói với tôi trong câu chuyện kể. Những ngày rỗi, ngày lễ vui chơi, dưới những "làng ngầm" tiền phương này: văn nghệ, ngâm thơ, đánh cờ, đánh tam cúc, múa hát… như ở hậu phương vậy.

Đêm xuân dài, cánh rừng im ắng, tiếng chim bìm bịp xạc xào trong bụi lá, tiếng vượn hú, đệm trong tiếng chân rầm rập của những đoàn quân ra trận. Nga gợi lại những mến thương ở quê nhà. Ngày ra đi mẹ dặn Nga: "Theo gương anh Chút, anh Chín con, bao giờ mở xong đường thắng lợi hãy về lấy chồng con nhé!".

Ngày thơ ấu, chuyện xưa mẹ Nga vẫn thường kể lại chuyện đánh giặc giữ nhà ở làng thôn. Nói là xưa, nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp vừa qua, những ngày đất nước lâm nguy, chậm một chút, mềm một ít là ta có thể mang nhục mất nước đời đời không rửa sạch. Nhà Nga, chỗ chiếc cối giã gạo là cửa hầm bí mật. Sau Cách mạng Tháng Tám, một sớm mùa thu giặc đến vây làng. Du kích đánh trả mạnh mẽ. Hầm đó là nơi rút lui ẩn náu của cán bộ, du kích. Bọn giặc chó má hun khói, thả lựu đạn cay vào hầm. Du kích cán bộ kiên quyết không ra. Thà chịu chết ngạt, còn hơn ra hàng giặc. Cha Nga còn sống sót trong cuộc vây làng ngày ấy. Sau này ông cụ giữ việc thủ kho cho hợp tác xã quê nhà. Gần chục năm ông làm nhiệm vụ ấy. Một hạt thóc rơi, một củ khoai nhỏ của tình hậu phương bao giờ ông cũng thu vén gọn gàng không hề suy suyển. Mẹ Nga, dì Khanh của Nga bị chúng đánh đập tra tấn trước cửa hầm. Bà con anh chị em du kích trong làng 24 người đã anh dũng hy sinh.

Nga đã ra đời trong tiếng khóc hờn căm và những lời nguyền rủa bọn cướp nước hung ác. Và quên sao được những ngày gần đây nhất bọn giặc lái Mỹ dội bom vào xóm làng, vào các trường học ở quê nhà. Nhiều em bé bị chết vùi, quyển sách tập đọc bị cháy sém, chiếc bảng đen nhỏ với nét chữ xinh xinh bị bắn thủng, lọ mực nát vụn bên chiếc áo hoa còn thẫm máu tươi. Quê hương anh dũng đầy hào khí lẫn đau thương và căm hờn, giục giã Nga cùng các bạn ra đi mở đường cho Tổ quốc thắng giặc...

Tôi gặp Hồng Nga trong buổi hoàng hôn ở Trường Sơn mây chiều đen sẫm, nhòa đi trong tối bóng một người nho nhỏ, nhanh nhanh đang cáng chiến thương. Giọng nói nghe ngọt và thanh, đến giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói của mẹ Nga được Nga thuật lại: "Bao giờ mở đường xuân thắng lợi hãy về lấy chồng". Lời dặn dò ấy không riêng gì cho Nga mà cho cả các bạn cùng đi với Nga, và tất cả các cô gái, các chàng trai đang ra sức kéo - trong mùa xuân này - con đường phương Nam đến đích vinh quang. Hạnh phúc lớn đang chờ chúng ta, thắng lợi lớn chúng ta nắm chắc trong tay khi con đường đất nước hoàn thành. Nga thuật lại lời dặn của mẹ, rồi cùng các bạn cười rúc rích với nhau.

Chiều hôm đó, Tạ Thị Đông, học sinh lớp 10 ở Tam Hưng, tâm sự với tôi về người yêu của Nga. Anh ấy là một chàng lái xe trẻ, một chiến sĩ vận tải anh dũng đã nhiều lần bị thương, những vẫn luôn luôn nắm vững tay lái trên đoạn đường phía Nam đầy bom đạn này. Hỏi Nga thì Nga chỉ cười và nói: "Em sẽ làm đúng lời mẹ dặn!".

Năm ấy, để chuẩn bị kết nạp Nga vào Đảng, chi bộ của đơn vị Nga có cử một đồng chí đảng viên về quê Nga, tìm hiểu thêm lý lịch của Nga. Ngày đồng chí ấy ra đi, không hiểu sao lòng Nga đêm ngày mừng vui, thổn thức… Và rồi chẳng bao lâu Nga được tuyên thệ dưới cờ Đảng - ngày ấy là ngày 19/5 - đợt kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh thiêng liêng và lịch sử. Nga đã để một phút tưởng niệm Bác Hồ vô cùng tôn kính, người cha đẻ của Cách mạng Tháng Tám, đã lật đổ chế độ quân chủ mấy chục thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích gần 100 năm nô lệ và đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự do, hạnh phúc. Bác là người thầy vĩ đại đã viết trang sử vô cùng chói lọi của dân tộc ta. Là người chiến sĩ cách mạng đã mở đường xuân thắng lợi cho bao đời, bao lớp cháu con sau này.

Các bạn Nga, bốn cô gái mà chúng tôi gặp đầu tiên hôm ấy: Nguyễn Thị Quả, Hà Thị Liên, Nguyễn Thị Mơ và Nguyễn Thị Nhung đã kể lại cho tôi nghe về câu chuyện mùa xuân mở đường, về Nga, về đơn vị của các cô trên suốt một chặng đường rừng, trong một đêm thu vắng. Và Nga đã gặp lại anh lính trẻ lái chiếc xe QS1432 ở quê nhà dịp về phép.

Lại một mùa xuân nữa, mùa xuân đầy nắng, mùa xuân thắng lợi sau Đại hội XI của Đảng xua tan bóng đen quá khứ, và mở cửa cho bình minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tươi sáng trở lại trên đất nước Việt Nam kỳ diệu này. Chào mùa xuân rực rỡ. Chào các cô gái mở đường thắng lợi cho Tổ quốc. Chào Hồng Nga, đảng viên lớp Hồ Chí Minh trên đoạn đường phương Nam, chặng đường rực rỡ niềm tin trong những ngày tháng đầu xuân thắng lợi lớn

Đ.M.T.
.
.
.