Nhịp sống Mường Bi

Thứ Ba, 12/02/2013, 12:04
Mường Bi - một trong 4 xứ Mường lớn nhất ở Hòa Bình. Bao đời nay, người Mường Bi sống trong lễ hội sắc bùa, hòa nhịp chiêng cồng, khiến con người như lạc cõi huyền ảo, linh thiêng. Không gian đó không trầm hùng, sôi động, mạnh mẽ, dồn dập và ngùn ngụt hứng khởi như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà không gian văn hóa cồng chiêng của Mường Bi nhịp nhàng, lắng đọng để rồi khơi gợi một cách nhuần nhị những rung động tinh tế nhất ở thẳm sâu tâm hồn.

Đôi tay thiếu nữ Mường càng đánh càng hay, âm thanh cồng chiêng Mường càng nghe càng say đắm. Giai điệu này cứ dặt dìu nối tiếp giai điệu kia, lúc bay bổng mơ màng, lúc thiết tha lắng đọng, lúc rộn ràng giục giã như sắp đi trẩy hội, lúc lại khoan thai thư thái như cụ bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu bên khung cửa voóng. Có nghe sẽ hiểu, có hiểu rồi mới thấu.

Không khoan nhượng cái ác

Trong cái khoan thai, lắng đọng của đất trời những ngày cuối năm, có dịp trở lại Tân Lạc, “cái hồn” của vùng đất Mường Bi tỏa nắng, hòa nhịp cùng đất trời. Ở đâu đó, thấp thoáng, bóng dáng các chiến sỹ Công an trên quê hương Mường Bi phủ đầy các ngõ, xóm. Từ các đồng chí Công an xã, Công an huyện, bảo vệ dân phố, ngày đêm canh giấc ngủ cho nhân dân, giữ yên nhịp cồng, nhịp chiêng không lỗi nhịp, vẫn cất cao, bay bổng giữa đại ngàn.

Các thiếu nữ Mường Bi hòa nhịp cồng chiêng.

Là người con quê hương Mường Bi, sinh ra và lớn lên rẻo đất này, Thượng tá Bùi Như Mựu, Phó trưởng Công an huyện Tân Lạc thấu hiểu những giai điệu kỳ ảo của cồng chiêng. Trách nhiệm của một công dân, hơn nữa là một chiến sỹ Công an, anh phải cùng đồng đội đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, không để kẻ xấu trà trộn, làm hư hại, ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa truyền thống.

Người dân Mường Bi thật thà, chất phác, chịu thương, chịu khó, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, dư dả chút đỉnh, họ lại chăm chút, trồng người. Nhịp sống Mường Bi bình yên là vậy, có lẽ không nhiều người biết rằng, đây chính là địa bàn được coi là “điểm nóng” của Tây Bắc về trung chuyển ma túy, từ khu vực Tam giác vàng, thẩm lậu vào nước ta, sau đó sang nước thứ ba tiêu thụ. Thậm chí, Tân Lạc còn là “cửa tử”, đi dễ, khó về của bọn tội phạm ma túy.

“Cửa tử” - cái tên mà bọn tội phạm ma túy đặt cho Km 109+600 trên quốc lộ 6A thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình từ nhiều năm nay. Từ năm năm nay, hầu như tất cả các vụ án ma túy lớn, lực lượng Công an đều bắt được tại đây. Thế nhưng, quá lóa mắt vì tiền, bọn tội phạm ma túy vẫn đâm đầu qua “cửa tử”. Có lẽ cũng ý thức được rằng, đã lao vào “cửa tử” là xác định chết nên số lượng heroin mà “những kẻ chết thuê” vận chuyển ngày càng lớn, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh.

Là người trực tiếp chỉ huy, phá nhiều vụ án ma túy lớn, Thượng tá Mựu chia sẻ: Từ năm 2005 đến nay, Công an huyện đã phối hợp, bắt giữ 169 vụ, 252 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 465 bánh heroin, 1.950g thuốc phiện, 3.213 viên ma túy tổng hợp, 12 ôtô, 95 xe máy, hơn 330 triệu đồng, 50.630 USD và nhiều tang vật có liên quan. 90% số vụ là do các đối tượng ngoài địa bàn huyện “vác” ma túy qua “cửa tử”.

Ngày 9/9/2008, lúc 21h50, một tổ công tác của Công an huyện Tân Lạc và Cảnh sát phòng, chống ma túy - Công an tỉnh Hòa Bình lại bắt quả tang Nông Văn Quyết (38 tuổi, trú tại Tiểu khu 3, thị trấn Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và Hoàng Thị Hải (SN 1967, ở xã Bằng Sơn, huyện Vân Sơn, Bắc Kạn) thu giữ 41 bánh heroin (trọng lượng 15kg), một ôtô, hai điện thoại di động và 49,8 triệu đồng.

21h30 ngày 28/11/2008, cũng tại “cửa tử”, bắt Vàng A Nếnh (32 tuổi) và Khà A Dế (26 tuổi, cùng trú xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình) đang chở nhau bằng xe máy, chở thêm mười bánh heroin đi tiêu thụ... Qua công tác trinh sát, Công an huyện Tân Lạc và lực lượng nghiệp vụ gồm: Cảnh sát cơ động, giao thông, Cảnh sát phòng chống ma túy – Công an Hòa Bình nắm được thông tin về đường dây vận chuyển ma túy cực lớn đang trên đường từ Sơn La về Hòa Bình. Các lực lượng chức năng đã tổ chức mật phục, đón lõng tại khu vực “cửa tử” thuộc địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Khi phát hiện chiếc xe ôtô Innova, BKS 30N – 9940 do đối tượng Dương Ngô Duy, 40 tuổi, trú tại Đồng Gai, xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang điều khiển có biểu hiện nghi vấn, các lực lượng bất ngờ áp sát, khống chế. Đúng lúc này, các anh chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, tên Dương Ngô Duy đã dùng dao cắt cổ tự sát, máu chảy đầm đìa khoang lái. Khi các trinh sát đưa hắn đi cấp cứu thì đối tượng tỏ ra coi thường mạng sống của mình và cho rằng “đằng nào cũng chết, thà cứ để hắn chết luôn cho xong, đỡ mất công chữa trị, tốn kém”. Kiểm tra hành lý trong xe, các trinh sát phát hiện 120 bánh heroin. Đây là số lượng ma túy lớn nhất từ trước tới nay bị triệt phá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Công an huyện Tân Lạc trao trả tài sản cho nhân dân.

Cũng tại khu vực “cửa tử” này, ngày 18/5/2011, xe ôtô BKS 29Z-1828 do Tráng A Chư, trú tại Loóng Luông, Mộc Châu (Sơn La) vận chuyển 50 bánh heroin, 2 gói ma túy tổng hợp và 70 triệu đồng tiền mặt đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Quá trình trốn chạy, đối tượng đã lao cả xe ôtô vào lực lượng chốt chặn, khiến cho Thượng úy Đỗ Mạnh Linh – Đại đội phó Đại đội Cảnh sát cơ động hy sinh và Thượng sỹ Hoàng Minh Thành – chiến sỹ Cảnh sát cơ động Công an Hòa Bình bị thương. Cũng vì tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh nguy hiểm của bọn tội phạm này mà các trinh sát phòng chống ma túy nơi đây đã chọn ra được một nơi “đắc địa” trong suốt 25km quốc lộ 6A chạy qua địa bàn huyện Tân Lạc để tóm cổ bọn chúng.

Để tiếng cồng, tiếng chiêng không lạc nhịp

Ma túy khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, tâm trạng lo âu, thấp thỏm hiển hiện trong tâm trí mọi người. Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, vẫn với điệu bộ chậm rãi, nhỏ nhẹ, Thượng tá Mựu cho biết: Mặc dù là địa bàn trung chuyển nóng bỏng về ma túy, song người dân miễn dịch với “cái chết trắng”.

Thực tế hiện nay, Tân Lạc đã triển khai thành công Đề án xây dựng địa bàn huyện trong sạch, không có ma túy và tệ nạn xã hội, có địa phương trong huyện “xóa trắng” ma túy, được nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh. Tính đến nay, đã giảm 40,4% số người nghiện ma túy, từ 47 người, xuống còn 28 người, giảm 25% số địa bàn có người nghiện ma túy (từ 12 xã xuống còn 9 xã). Kết quả đó là sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Thành công đó là do Tân Lạc đã triển khai đồng bộ, nhiều biện pháp để thực hiện Đề án.

Một trong những bước đi đầu tiên đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tệ nạn xa hội ma túy. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về công tác phòng chống ma túy, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống ma túy các cấp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tội phạm ma túy, với quyết tâm kiềm chế, tiến tới đẩy lùi người nghiện ma túy; đấu tranh, triệt phá các tụ điểm bán lẻ ma túy. Bởi nếu chặt đứt nguồn cung ma túy, thì tất yếu nguồn cầu sẽ giảm.

Ngay sau khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội vào cuộc, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mình có biện pháp để tổ chức thực hiện cho phù hợp. Đoàn thanh niên phát động phong trào “xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, gắn với tuyên truyền phòng chống ma túy; Hội phụ nữ tổ chức cho chị em hội viên ký cam kết gia đình, người thân không vi phạm pháp luật, không liên quan đến ma túy; hội người cao tuổi đề ra khẩu hiệu hành động “Tuổi cao, chí càng cao”, khuyến khích, vận động hội viên giáo dục con cháu, người thân không mắc nghiện; phòng thông tin, văn hóa huyện tổ chức sưu tầm tranh, ảnh, tài liệu, tuyên truyền trên loa phóng thanh, lưu động, pa nô, áp phích hoặc dưới dạng tờ rơi.., về thực trạng ma túy.

Ngoài ra, vào mỗi dịp lễ tết, Phòng Văn hóa - Thông tin còn đứng ra tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, hòa nhịp cồng chiêng, sắc bùa để thu hút lôi cuốn bà con tham gia, đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động bà con tích cực phòng chống ma túy, vì tươi lai tươi sáng.        

Mường Bi ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, là mảnh đất đậm tính tâm linh. Trong thăng trầm của lịch sử, người Mường Bi vẫn kiên cường, vẫn khí phách, vẫn đậm đà bản sắc. Đó chính là sức mạnh để Mường Bi đẩy đuổi nhiều thói hư, tật xấu, những cám dỗ thường nhật, làm vơi đi những cơn sóng ngầm, làm hạ nhiệt vùng đất nóng “cửa tử”. Mỗi dịp tết đến, xuân về, tiếng cồng, tiếng chiêng lại vang lên trầm bổng, ngân lên sức sống, làm sống dậy cái hồn phách của xứ Mường Bi

Như Hùng (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.