Nhiều khoản thu đầu năm học không hợp lý

Thứ Ba, 20/09/2011, 15:50
Khi trẻ em cõng trên lưng những chiếc ba lô nặng trĩu sách vở thì cha mẹ của các em cũng nặng trĩu nỗi lo bởi các khoản thu đầu năm học mới. Tiền đầu tư máy chiếu, điều hòa, sổ liên lạc điện tử, đồ dùng học tập, tiền bán trú, quỹ hội cha mẹ học sinh (CMHS)… Cuộc họp CMHS đầu năm học nào vấn đề thu chi cũng choán sang phần nội dung bàn về việc phối hợp giáo dục trẻ em.

"Nóng" các khoản "tự nguyện" đầu năm

Đi họp phụ huynh đầu năm cho con về, chị Nguyễn Thị Tuyết, ở quận Tây Hồ, Hà Nội không khỏi lo lắng vì các khoản thu tự nguyện của hai đứa con năm nay đều "đội" lên so với năm trước. Đứa con trai út năm nay học lớp 2 ở một trường tiểu học công lập, tiền thu tự nguyện đầu năm phải nộp lên tới 1,5 triệu đồng, trong đó cao nhất là quỹ lớp 800 nghìn đồng. Đấy là chưa kể có sự gợi ý lớp nên thay 2 chiếc điều hòa (điều hòa vẫn đang sử dụng, một chiếc hơi cũ - PV), mỗi cái có công suất 18.000 PCU cũng phải hơn 20 triệu đồng.

Đứa con gái lớn năm nay lên lớp 7, tiền thu thỏa thuận đầu năm đóng 1,6 triệu đồng. Cộng cả hai đứa, chị Tuyết phải chi hơn 3 triệu đồng tiền thoả thuận phải đóng trong học kỳ I, đó là chưa kể tiền học phí, tiền ăn, tiền trông coi bán trú. "Cả hai vợ chồng tôi đều không có việc làm, số tiền này quả là một gánh nặng" - chị Tuyết than thở.

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo CAND, một phụ huynh ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy bức xúc cho biết: "Con tôi học mầm non, đi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo thông báo đóng các khoản tự nguyện, tôi thấy vô lý nhất là mỗi cháu phải nộp 100.000đ để mua thảm. Một lớp gần 40 cháu, nếu đóng từng ấy tiền thì mua thảm làm sao hết được? Đã là trường công lập thì cơ sở vật chất là do Nhà nước trang bị, tại sao lại bắt phụ huynh phải đóng?".

Chị Nguyễn Thị Minh, có con đang học ở một trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng phàn nàn: "Nhiều phụ huynh đi họp bị "choáng" khi được thông báo thu tiền quỹ lớp là 1,5 triệu đồng. Tổng cộng các khoản tiền tự nguyện đầu năm phải đóng lên gần 3 triệu đồng".

Hiện nay, tình trạng "sính" công nghệ thông tin đã trở thành một cuộc chạy đua "ngầm" giữa các trường nội thành với nhau. Vào đầu năm học, phụ huynh phải bỏ tiền ra để trang bị những phương tiện hiện đại, đắt tiền như máy chiếu, bảng tương tác, sổ liên lạc điện tử… và ký tên vào biên bản tự nguyện.

Bảng tương tác là một thiết bị khá hiện đại, nhưng đã thực sự cần thiết cho các cháu lớp 1 hay chưa trong khi giá thành của mỗi chiếc bảng này tương đối "khủng": từ 50 đến 80 triệu đồng/chiếc. Không phải gia đình nào cũng có vài triệu để nộp mua bảng cho con, trong khi họ còn phải đóng nhiều khoản tự nguyện khác. 

Trẻ em đến trường, phụ huynh nặng gánh các khoản thu đầu năm.

Ở ngoại thành Hà Nội, nơi có dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông cũng xôn xao với các khoản thu "thỏa thuận, tự nguyện" vào năm học mới. Với mức thu nhập thấp, mức lạm phát tăng cao, người dân phải tính toán từng đồng để cân đối thu chi tài chính trong gia đình. Phụ huynh Trần Thanh Tâm có hai đứa con cùng học tại một trường mầm non công lập ở Đông Anh phân tích: "Mỗi tháng tiền bán trú một cháu là 100.000 đồng, tiền trông trẻ thứ bảy là 50.000 đồng. Nếu ăn trưa 13.000đ/ngày nhân lên thì một cháu bán trú sẽ hết gần 500.000 đồng/tháng, chưa kể tiền nước uống, học phí. Nếu nhân lên 2 đứa con tôi sẽ hết khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền này, nông dân như chúng tôi làm sao chịu được".

Vậy là, để giảm bớt khoản thu, chị Tâm chọn giải pháp đón con về buổi trưa. Tuy thế, chị lại rất bức xúc khi nhà trường vận động các phụ huynh cho con ăn bán trú theo kiểu như đẩy phụ huynh vào tình thế khó xử. Và, khi mới vào trường được 2 ngày, nhà trường đã thông báo rằng đã có 98,5% phụ huynh đăng ký cho con ăn bán trú, đề nghị phụ huynh đăng ký để đạt 100%. "Tôi chắc chắn đó là con số nhà trường tự đưa ra vì tôi biết, có rất nhiều phụ huynh là nông dân, không có điều kiện ăn bán trú" - chị Tâm nói.

Trong buổi họp phụ huynh của trường này, cô giáo cũng đưa ra vấn đề phụ huynh đóng góp mua tivi màn hình cỡ lớn cho trẻ học. Vấn đề này đã bị phần lớn phụ huynh phản đối. Ngoài ra, những khoản thu như học phẩm: 120.000 đồng/năm, mua đồ dùng cá nhân: 120.000đ/năm cũng gây thắc mắc cho phụ huynh khi trẻ ăn bán trú và trẻ không ăn bán trú đều ở chung một mức.

Phải công khai, minh bạch các khoản thu, chi

Một trường mầm non ở quận Tây Hồ, thu quỹ của Ban đại diện CMHS là 300.000đ/cháu/năm học, với một trường có khoảng 800 học sinh thì số tiền thu được là 240 triệu đồng. Vậy ai cầm quỹ này, số tiền đó chi vào đâu, các cháu được hưởng gì khi hằng năm vẫn chủ yếu là chi cho các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng giáo viên? Đây là vấn đề bức xúc nhất trong giới phụ huynh năm nay nhưng hầu như chẳng ai dám kiến nghị mà vẫn phải "bấm bụng" đóng tiền.

Ngày 23/8/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Văn bản số 5584/BGDĐT-KHTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm "chấm dứt tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục".

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh (CMHS) trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

Một trong những nội dung chấn chỉnh nữa là quy định mức thu phí hoạt động của Ban đại diện CMHS do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ học sinh quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.

Nội dung chấn chỉnh đã rõ, nhưng thực tế chúng tôi nhận được từ phản ánh của các phụ huynh cho thấy, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để tránh lạm thu chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều trường công lập trên địa bàn Hà Nội.

Thu và chi như thế nào là hợp lý, tránh kiểu "té nước theo mưa", lấy lý do trượt giá để tăng các loại phí thoả thuận? Ngành Giáo dục phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra tài chính như thế nào để tránh việc lạm thu; chi những khoản nào cần phải công khai, minh bạch, có thông báo rõ ràng mới tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh

Trung Dũng - Mạnh Tuấn
.
.
.