Nhiều đơn vị và người dân thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ dọc đường Trường Sơn
- Đầu tư 200 tỷ đồng "làm đẹp" Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
- Hơn 7 nghìn lượt khách viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
- Dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ, số đoàn thăm viếng tăng mạnh so với thường ngày.
Ông Hồ Hữu Ái, Phó trưởng BQL Nghĩa trang và đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài thân nhân, đồng đội các liệt sĩ, có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học... tổ chức cho cán bộ nhân viên, học sinh, sinh viên thăm viếng nghĩa. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng gửi những vòng hoa tươi thắm của tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. ...
Tại khu hành lễ của Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, cũng có rất nhiều vòng hoa ghi tên các cơ quan, doanh nghiệp.
Nhiều đoàn khách viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn |
“Tôi sinh ra trên mảnh đất Quảng Trị này nên hiểu rõ thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh và sự đau thương, mất mát. Dù lập nghiệp phương ra, nhưng tôi luôn nhớ đến quê hương, nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước hòa bình. Sắp tết mà chưa về để thắp nén nhang, trong lòng sẽ không thanh thản”- Anh Đoàn Tường Triệu, một doanh nhân hiện sống tại TP HCM chia sẻ.
Từ nhiều năm qua, cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 và mỗi dịp tết đến xuân về, anh Triệu cùng những bạn bè thân hữu lại tổ chức cúng viếng, dâng hoa các nghĩa trang dọc dãy Trường Sơn và Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị.
Tương tự tại Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc tại Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ TNXP và Nghĩa trang Đồng Lộc (nơi yên nghỉ của 10 cô gái TNXP tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh cùng hy sinh trong trận bom Mỹ ngày 24-7-1968), những ngày qua, có rất nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân đến thăm viếng, dâng hương.
Một số đoàn viếng các nghĩa trang và tặng quà tết cho cựu TNXP |
Khách viếng hương Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc |
Giữa dòng người đến các nghĩa trang liệt sỹ dọc dãy Trường Sơn những ngày cuối năm, có rất nhiều người là cựu TNXP về để viếng thăm đồng đội ở 3 nghĩa trang TNXP dọc đường Trường Sơn là Tân Ấp, Thọ Lộc và Vạn Ninh (tỉnh Quảng Bình).
Cô Đinh Thị Vĩnh Thực (71 tuổi), cô Đoàn Thị Phi (73 tuổi, cùng trú xã Hướng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết tuy sức yếu, đi lại khó khăn nên nhờ con cháu đưa về viếng thăm đồng đội.
Chiến tranh đã qua gần 45 năm, nhưng ký ức bi hùng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người nữ chiến sĩ giao thông trên dãy Trường Sơn. Đồng đội của các cô, nhiều cô gái chàng trai tuổi đời rất trẻ đã nằm xuống ở các địa danh khốc liệt như Phà Xuân Sơn, đèo Đá Đẽo, Đường 20 Quyết Thắng... để mạch máu giao thông luôn thông suốt, để nối liền tiền tuyến với hậu phương, để những đoàn quân chi viện cho chiến trường Miền Nam không ngừng tiến lên phía trước.
Cô Thực cùng cô Phi và một đồng đội cũ dắt nhau chăm chú nhìn từng ngôi mộ tìm đồng đội cũ. |
Trong hàng ngàn liệt sĩ TNXP hy sinh để mở đường, giữ vững mạch giao thông trên tuyến đường Trường Sơn, rất nhiều người đã hy sinh khi tuổi mới 18 đôi mươi.
Những dòng chữ khắc trên bia mộ cho thấy, có nhiều người đã hy sinh khi mới nhập ngũ một vài tháng. Lại có những lao động, chiến đấu cả chục năm trường dưới mưa bom bão đạn và hy sinh ngay trước khi cuộc chiến đấu sắp giành thắng lợi, đất nước sắp hòa bình.
Các cựu chiến binh, cựu TNXP thay hoa trên mộ và thắp hương tưởng nhớ đồng đội |
Tại Thành cổ Quảng Trị, ngày giáp tết, lượng khách đến viếng rất đông nên một số đoàn chọn viếng di tích vào buổi tối.
Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị được xem là nghĩa trang không có những nấm mồ. Đài tưởng niệm Trung tâm của di tích được xem như một biểu tượng, một nấm mồ chung cho các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại mảnh đất này trong 81 ngày đêm rực lửa mùa khô năm 1972.
Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị cũng đón nhiều đoàn đến thăm và cúng viếng |
BQL di tích đón tiếp các đoàn và tổ chức viếng cả vào ban đêm |
Theo sử sách, trong trận chiến khốc liệt ấy, Mỹ - Ngụy đã sử dụng một lượng bom đạn hết sức khổng lồ. Riêng khu vực thành cổ Quảng Trị, tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng trong 81 ngày đêm lên đến 328.000 tấn, bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Bom đạn không khuất phục được ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Hòa vào lòng đất mẹ là máu xương biết bao Anh hùng liệt sĩ đã quyết tử vì Tổ quốc, để đất nước toàn vẹn thống nhất và hòa bình cho đời sau...