Nhạt nhòa chợ tình Khâu Vai

Thứ Hai, 27/04/2009, 10:35
Trong sương sớm, tiếng khèn, những điệu hát đối chập chờn sau những vách núi, báo hiệu đã tới ngày chợ tình. Khâu Vai vẫn yên bình chờ tới ngày 26/3 (âm lịch) để được đánh thức. Từ mấy năm nay, lễ hội chợ tình Khâu Vai đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong cánh cung du lịch vùng cao Mèo Vạc. Chỉ tiếc một điều, du lịch tìm đến nơi này cũng khiến cho những nét văn hóa đặc sắc của chợ tình đã ít nhiều nhạt nhòa…

Đánh thức tiềm năng du lịch

Chúng tôi lên đúng vào dịp huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tổ chức lễ hội chợ tình Khâu Vai. Dọc trên con đường từ Yên Minh lên, từ Đồng Văn xuống, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng, từng đoàn xe ôtô du lịch đang chậm rãi bò nép trong vách núi tìm đường đến với chợ tình. Năm 2008, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Giang bắt đầu nâng cấp hoạt động của chợ tình lên thành lễ hội, gắn với Hội chợ thương mại du lịch. Nhờ đó, lượng khách về với chợ tình ngày càng đông. Năm nay, nhờ tích cực quảng bá, ước tính số du khách sẽ lên tới hàng vạn người.

Nguồn gốc chợ tình đã được Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện Mèo Vạc giải thích khác: Từ năm 1902, quân Pháp hành quân qua vùng cao Tây Bắc, đã chọn Khâu Vai là điểm dừng chân (hiện nay vẫn còn nguyên vết tích của bốt Pháp xây dựng từ 1902).

Cứ tới đêm 26/3 âm lịch, quân lính lại được tự do ra khỏi doanh trại đi kiếm bạn tình, gặp gỡ người yêu. Người dân quanh vùng hiếu kì tới xem. Dần dần, cứ tới ngày đó, người Giáy, Nùng, Mông… từ khắp các bản lại vượt núi đá xuống với Khâu Vai. Chợ tình có từ ngày đó.

Dù nguồn gốc chợ tình còn chưa thống nhất, song đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá mang đậm tính nhân văn của đồng bào vùng cao Mèo Vạc. Chợ tình là dịp để những đôi yêu nhau mà không lấy được nhau có cơ hội gặp lại, cũng là dịp để trai gái gặp gỡ, tìm duyên.

QL4C từ Mèo Vạc lên Bảo Lạc (Cao Bằng) đang được xây dựng. Khi thông đường, lượng khách du lịch đến với chợ tình sẽ còn đông hơn. Lễ hội chợ tình Khâu Vai được đánh thức sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong cánh cung du lịch vùng cao Hà Giang cùng với du lịch lòng hồ thuỷ điện Nho Quế, đỉnh núi Mã Pì Lèng mệnh danh "đệ nhất hùng quan", hồ treo trên núi, nhà sàn của người Giáy… Tuy vậy, tại vùng du lịch vẫn còn thiếu các dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ khách tham quan. Chuyện khách bị "chặt chém" vẫn thường xảy ra…

Cảnh xưa nay còn đâu…

Thông thường đêm chợ tình bắt đầu từ tối 26/3. Có người đi bộ từ mờ sáng, tới đêm mới đến chợ. Trong đêm chợ tình, trai gái gặp nhau, hát đối và uống rượu, tâm sự. Khi trời sáng, họ mời nhau ăn nắm xôi, quả chuối… rồi chia tay nhau, hẹn năm sau gặp lại. Có người khi ra về đã say khướt. Có khi cả cặp vợ chồng cùng rủ nhau xuống chợ gặp lại người cũ. Tan chợ lại rủ nhau về, chồng trên lưng ngựa, vợ cầm đuôi theo sau. Không ai ghen tuông, tra vấn…. Đó là những đêm chợ tình ngày xưa.

Những chàng trai Mông vượt núi xuống chợ tình.

Nay, chợ tình vẫn được mô phỏng giống trước, chỉ khác là, tất cả đều được dàn dựng. Trước đây, người ta yêu nhau là yêu thật, nay chỉ "diễn" cho khách du lịch xem. Các cặp trai gái rủ nhau đi tâm sự cũng gặp phải những ánh mắt rình mò. Khách du lịch háo hức xem, chụp ảnh và thưởng tiền. Trước đây, đêm chợ tình chỉ lập loè bóng đèn dầu. Nay, đèn neon thắp sáng cả núi rừng. Không còn hình ảnh những túp lều bằng lá cây dựng tạm bên đường.

Những điệu hát đối trong đêm chợ tình giờ cũng được cải biên, cách tân quá nhiều. Trước, ai đến với chợ tình cũng được hát, nay người ta tuyển chọn các đôi hát rất cầu kì. Để chất lượng các tiết mục văn nghệ cao hơn, người ta còn sử dụng cả hệ thống loa máy. Cái đặc sắc nhất của chợ tình trước đây chính là sự hoang sơ, thì nay vẻ hoang sơ không còn nữa. 

Hồn cốt Khâu Vai cứ dần nhạt nhoà. Chỉ những người già vẫn hoài niệm về chợ tình năm nào, cảnh cũ người xưa. Tôi gặp bà Sùng Mị Mây, 70 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Cán Chu Phìn vào một buổi đi chợ tại thị trấn Mèo Vạc. Hỏi về những đêm chợ tình ngày trước, bà cụ còn một chút rưng rưng: "Thời trẻ, năm nào tới ngày chợ tình, tôi cũng háo hức, sắm sửa quần áo đẹp đi chơi. Nhưng từ gần 20 năm nay, tôi không đi nữa. Chợ tình bây giờ khác lắm rồi".

Ông Thào Mí Nô, quê xã Pả Vi, nguyên là Phó trưởng Công an huyện Mèo Vạc đã từng tham gia bảo vệ chợ tình từ năm 1980. Gần 30 năm trôi qua, chứng kiến bao sự đổi thay của chợ tình, ông không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối cho nét xưa đã mất: "Tất cả không còn diễn ra tự nhiên như trước, ít nhiều đã có yếu tố thương mại".

Trao đổi về việc bảo vệ hồn cốt chợ tình Khâu Vai trước tác động của du lịch, anh Nông Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa -  thông tin - thể thao huyện Mèo Vạc cho biết: "Trung tâm đã hướng dẫn nhân dân khu vực cách bảo tồn không gian chợ tình. Trước mắt phải cố gắng đảm bảo nguyên dạng kiến trúc nhà của người Giấy, Xuồng: Nhà trình tường, lợp ngói máng.

Các hộ kinh doanh trong phạm vi lễ hội cũng phải niêm yết giá bán để tránh tình trạng tùy tiện nâng giá, bắt chẹt khách du lịch. Những điệu hát đối truyền thống sẽ được sưu tầm, bổ sung để tránh bị thất truyền. Trung tâm cũng sẽ tham vấn những người cao tuổi, chuyên gia văn hóa để tổ chức lễ hội cho phù hợp, giữ nguyên được bản sắc chợ tình như nó vốn có".

Thiết nghĩ, nếu không tổ chức tốt, một ngày nào đó, chợ tình Khâu Vai sẽ mất đi hồn cốt. Những người nặng lòng với văn hoá sẽ lại xót xa thay!

Hà Ly
.
.
.