Nhanh chóng giải quyết khó khăn cho hàng ngàn người dân di cư tự do
Do thiếu đất sản xuất nên từ năm 1995 đến nay, người dân ở các tỉnh đổ xô vào các khu vực rừng nghèo Ia Le, Chư Sê, Gia Lai, giáp ranh Ea H'Leo, Đắk Lắk, để khai phá làm rẫy. Hiện có khoảng 229 hộ, 1.022 khẩu, gồm nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở đây như Tày, Nùng, Dao, Jơ Rai, Kinh, đang sử dụng 595,662ha đất nương rẫy trồng hoa màu, đậu, lúa, điều…
Những người dân sinh sống ở đây chủ yếu di chuyển từ phía tỉnh Đắk Lắk sang. Anh Vi Văn Phong (21 tuổi), quê ở Cao Bằng cho biết, gia đình vào Krông Búk, Đắk Lắk từ năm 1991 nhưng do thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn nên năm 2004 sang Ia Le mua 3ha rẫy điều của một người dân ở đây để làm ăn.
Anh Triệu Văn Biết quê ở Bắc Giang cũng cho biết, gia đình vào Krông Nô, Đắk Nông, từ năm 1993 nhưng do làm ăn khó khăn, thiếu đất sản xuất nên năm 2002 đã đến Ia Le mua 7,5ha đất của một số người dân ở đây trồng điều và hoa màu.
Để đến được vùng dân cư thuộc các Tiểu khu 1135, 1140, 1141 và 1145, xã Ia Le, Chư Sê, Gia Lai, chỉ một con đường mòn độc địa cắt ngang từ phía xã Ea H'leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk đi vòng sang. Con đường mòn này được hình thành từ những năm 1995, khi mà nhiều người dân phía Đắk Lắk bắt đầu phát rẫy, lấn rừng sang Ia Le, Chư Sê. Khi đó, rừng ở đây thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê, Gia Lai quản lý nhưng đã buông lỏng nên để người dân ngày một khai phá nhiều hơn.
Đến năm 2004, rừng khu vực này được giao về xã Ia Le trên giấy tờ nhưng thực tế không có ai quản lý, kiểm soát. Đặc biệt là diện tích rừng ở đây đã bị khai phá từ lâu nhưng không được đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê báo cáo.
Sau khi tiến hành khảo sát thực tế, kiểm tra diện tích đất sản xuất, số dân, đoàn công tác liên ngành của huyện Chư Sê đã xác định có 61ha rừng nghèo bị một số đối tượng từ Bình Phước, Đắk Lắk sang khai phá lấy đất, cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Số diện tích nương rẫy còn lại hơn 534ha đã được hình thành từ lâu, nhiều người dân mua đi bán lại và có những vườn điều ở đây đã trồng hơn 5 năm.
Tâm nguyện của tất cả bà con nông dân đang sinh sống ở đây đều mong muốn chính quyền địa phương, các ngành, các cấp tạo điều kiện giúp đỡ để họ an cư lạc nghiệp ổn định lâu dài ở đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước phải đầu tư mở đường giao thông hơn 10km đi về xã, nghiên cứu việc kéo điện và quy hoạch vùng sản xuất, dân cư cho bà con, tránh tình trạng tiếp tục chặt phá rừng làm rẫy.
Ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, huyện đã đề xuất với cấp trên giải pháp ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân. Tuy nhiên, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để giải quyết đời sống trước mắt cho dân, rất cần sự phối hợp giải quyết của các địa phương có dân di cư tự do đến Chư Sê, Gia Lai và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành ở tỉnh và Trung ương