Nhà tù Côn Đảo và những kỷ niệm không quên về hoạt động Đoàn
Trung tướng Châu Văn Mẫn kể lại: Trước ngày 30/4/1975, Côn Đảo là một trại tù khổng lồ, chế độ Mỹ - ngụy giam giữ nơi đây hàng vạn tù chính trị. Chúng chia ra giam giữ ở 8 trại tù và ở nhiều Sở Ruộng, Sở Rẫy trên khắp quần đảo Côn Sơn. Trại tù giam giữ những người tù biệt lập, đó là Trại 7 (chuồng cọp Mỹ); trại giam giữ những người tù câu lưu, cấm cố là Trại 6 Khu B, thành phần trong trại này là những người tù chính trị đã nhiều năm chống đối địch như chống chào cờ, chống lao động khổ sai, chống các quy định, quy tắc do địch đặt ra.
Đến ngày 21/1/1973, Hiệp định Paris bốn bên đem lại hòa bình cho Việt Nam được ký kết. Nghị định của Hiệp định thư thừa nhận những người tù chính trị là nhân viên dân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hiệp định ra đời nhưng Mỹ - ngụy tráo trở, không nghiêm chỉnh thực hiện, không chịu trao trả những người tù chính trị cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, không cải thiện chế độ giam giữ, nuôi nấng. Tuy nhiên, sự giam giữ hà khắc của chúng có giảm đi, trại tù nào có sự lãnh đạo, đoàn kết đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, địch nhượng bộ, nới lỏng sự giam giữ, đối xử khắc nghiệt. Trước thời cơ đó, ngày 3/2/1973, những người tù là đảng viên Cộng sản của Trại 6B đã nhanh chóng tập hợp những người Cộng sản trung kiên thành lập Đảng bộ lấy tên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu (viết tắt là LCH) để lãnh đạo các hoạt động chính trị, nhất là lãnh đạo đoàn viên giữ vững khí tiết của người Cộng sản, bảo vệ lực lượng cách mạng trong tù và chuẩn bị mọi điều kiện khi thời cơ đến để tự giải phóng.
Nhà tù Côn Đảo đã để lại những trang vàng truyền thống cho các thế hệ mai sau. |
Một tháng sau, ngày 26/3/1973, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, Đoàn cơ sở của Trại 6B cũng được thành lập lấy tên gọi là đoàn Nguyễn Văn Trỗi (viết tắt là NVT). Số lượng tù chính trị Trại 6B khoảng 800 người được chia ra giam giữ ở 10 phòng. Từng phòng có chi bộ, chi ủy, số lượng thanh niên có nhiều nhưng Đảng ủy chỉ đạo chỉ tập hợp khoảng 40 đoàn viên là những thanh niên ưu tú nhất vào hoạt động bí mật trong từng phân đoàn, chi đoàn. Đồng chí Châu Văn Mẫn lúc ấy tuổi đã 23, được các anh lãnh đạo Đoàn tập hợp vào hoạt động và phân công nhiệm vụ Phân đoàn trưởng của phòng 9 Trại 6 Khu B và là Ủy viên Ban Sinh hoạt trẻ của Trại, kiêm nhiệm Trưởng ban Sinh hoạt trẻ của Phòng (Ban Sinh hoạt trẻ là tập hợp những thanh niên ngoài tổ chức Đoàn). Toàn bộ các hoạt động trong Trại 6B đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Chi bộ các phòng. Chi đoàn thanh niên làm cánh tay đắc lực, đội hậu bị cho Đảng. Từ khi có hoạt động của Đoàn, các mặt công tác trong Trại 6B, các phòng có nhiều nét nổi bật hơn, đặc biệt là vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên như công tác bảo vệ, chống địch khủng bố đàn áp, chống địch sập các cửa sổ, bít không khí phòng giam, nhặt ném phi tiễn, lựu đạn cay ra ngoài khi địch ném vào phòng, hoặc dùng bao bố nhúng nước, dập các quả phi tiễn, lựu đạn cay, hạn chế sự lan tỏa hơi độc, hơi cay trong phòng, xông lên phía trước để chịu đòn, thay cho người lớn tuổi khi bọn an ninh, cảnh sát phá cửa tràn vào phòng. Một số nhiệm vụ hết sức quan trọng là gõ morse (mọt) truyền thông tin liên lạc giữa phòng này và phòng kia, vẫy quạt để truyền tín hiệu thông tin liên lạc giữa dãy phòng này và dãy phòng khác, phát thanh, hô la, làm reo để nói lên tiếng nói tố cáo chế độ giam giữ của chính quyền ngụy tại Côn Đảo, hoặc nêu những yêu sách của người tù với chính quyền sở tại và chính quyền Sài Gòn. Việc làm báo, biên chép tài liệu học tập đến phục vụ văn hóa, văn nghệ trong phòng, trong trại cũng được lực lượng đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm. Việc lao động như trồng tưới, chăm sóc rau lang, rau muống quanh phòng giam, nấu nướng, cải thiện đời sống cũng đều được anh em thanh niên đảm trách.
Qua đấu tranh, rèn luyện và thử thách, những thanh niên tiêu biểu, tiến bộ được xét chọn, kết nạp vào Đoàn; những cán bộ đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, gương mẫu được các chi ủy xét kết nạp vào hàng ngũ của Đảng (sau ngày giải phóng về đất liền, các đảng viên được kết nạp trong Đảng bộ Lưu Chí Hiếu được Đảng thừa nhận và tính tuổi Đảng theo Điều lệ quy định).
Quá trình đấu tranh, rèn luyện, các đoàn viên, thanh niên được Đảng ủy, Chi ủy giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, đào tạo trở thành cán bộ của Đảng, nhiều đồng chí sau ngày 30/4/1975 trở về đất liền được bổ sung về các đơn vị và đã phát huy được tác dụng, có đồng chí được bổ nhiệm là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Trưởng phòng Chính sách, là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Riêng với đồng chí Châu Văn Mẫn, sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo, ông tiếp tục ở lại công tác tại Ban An ninh Côn Đảo. Vì có quá trình công tác đoàn trong nhà tù, nên ông tiếp tục được Đảng bộ Công an giao nhiệm vụ phụ trách công tác đoàn tại huyện Côn Đảo (Lúc mới giải phóng là tỉnh Côn Sơn). Đã qua 42 năm, người cựu tù ngày ấy sau này trở thành Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nói về kinh nghiệm làm công tác đoàn, ông chia sẻ: “Những năm tháng gian khổ nhất, tại nơi đầu sóng ngọn gió, những người thanh niên trong nhà tù đã đoàn kết, dựa vào nhau để cùng xây dựng nên một lực lượng lớn mạnh, là cánh tay phải của Đảng, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại Côn Đảo, luôn hết lòng vì lý tưởng mà mình đã chọn. Tôi mong rằng, với những hy sinh, gian khổ của thế hệ đi trước như chúng tôi sẽ phần nào giúp ích được cho các đoàn viên, thanh niên trong thời bình, đặc biệt là đoàn viên trong lực lượng Công an nhân dân sẽ có ý chí xây dựng, học tập tiến bộ để cùng nhau bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội. Tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở đâu có vai trò nòng cốt xung kích của đoàn viên, thanh niên, ở đó ắt có thắng lợi...”