Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi: Một đời gió bụi thủy chung
Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại căn gác nhỏ ở Trần Hưng Đạo thăm ông. Mọi lần ấn chuông và dù phải chờ một lúc lâu, nhưng lần nào cũng thấy ông chầm chậm ra mở cửa đón khách. Nhưng lần này, là một chị giúp việc. Tôi thoáng chút giật mình. Ông ngồi đó, trước chiếc tivi nhỏ giữa phòng khách chật hẹp, bề bộn và cũ kỹ, đôi mắt mơ màng về một cõi xa xăm và sự xuất hiện của một vị khách cũng không hề làm xáo trộn đến các giác quan của ông… Hình như ông đã thuộc về một cõi khác… Đó là nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, năm nay đã 98 tuổi, một trí thức lớn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngoại giao của nước nhà.
1. Thế mà, cũng chính trong căn gác nhỏ, giản dị này, thỉnh thoảng các vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước vẫn ghé viếng thăm ông, tham vấn ông về những vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy mà tưởng như, con người mà sự sống đã không còn chạm vào này, vừa hoàn thành một cuốn sách về Hội nghị Quân sự Trung Giã, chỉ vì một nỗi lo sợ, ngày nào đó ông về cõi vĩnh hằng, sẽ không còn ai biết gì về hội nghị quan trọng này để truyền đạt cho con cháu. Tưởng như, ở tuổi 98, thì những ký ức đã bị xóa nhòa nhưng trong đầu ông vẫn còn hai cuốn sách, và ông tâm niệm sẽ cố gắng hoàn thành kịp trước khi rời cõi tạm, đó là cuốn sách về Nguyễn Trãi, và những luận bàn của hậu sinh về tác phẩm Quân trung từ mệnh tập của ông ở góc độ của một nhà ngoại giao mà theo Lưu Văn Lợi, đó là một trong những nhà ngoại giao kiệt xuất của nước Việt. Còn một cuốn đang để ngỏ…
Có lẽ không ai hình dung nổi, trong căn nhà cũ kỹ, đã nhuốm màu thời gian ấy, hàng ngày ông Lưu Văn Lợi vẫn lê những bước chân khó nhọc của mình kỳ cạch tự gõ lại những ý tưởng, những chiêm nghiệm gần như cuối cùng của mình về lịch sử, về thời cuộc. Mà chẳng hề cầu mong hay đòi hỏi cho riêng mình một điều gì.
Tôi được biết ông cách đây 10 năm, và tôi tin, có lẽ từ xa xưa, ông vẫn sống đạm bạc, giản dị như vậy. Thậm chí, một người lạ bước vào đây sẽ không hề nghĩ đấy là căn hộ của một nhà ngoại giao, từng tham gia nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, nếu không kịp nhìn lên những tấm huy chương treo trên tường. Vẫn chiếc giường và những bộ quần áo cũ kỹ… vẫn cái giá sách chất đầy những tài liệu qúy Đông tây Kim cổ, đang nhuốm màu thời gian (có lẽ đó là tài sản quý giá nhất trong nhà ông)… Mọi thứ đều tĩnh tại, bất biến, duy chỉ có trí tuệ minh mẫn của chủ nhân ngôi nhà này là vẫn không ngừng tư duy.
Cảm giác ông đang tận dụng từng giây phút cuối cùng của sự sống để làm nốt những việc còn lại... Một cuộc chạy đua với thời gian mà người chiến thắng là không ai khác ngoài ông. Thời gian đã bất lực trước trí tuệ minh mẫn và sức làm việc phi thường của ông. Và trong thế giới đó, nỗi cô đơn cũng không chạm được vào ông, dù bấy lâu ông sống ở đây một mình với đứa con gái gần như chỉ lớn về thể xác.
Ông Lưu Văn Lợi phục vụ lãnh đạo Đảng, nhà nước lại lễ ký kết hiệp ước biên giới Việt - Lào 1977. |
Ông là người quá nổi tiếng trong ngành ngoại giao, và có thể nói không quá rằng, ông là một pho từ điển sống của ngành ngoại giao nước nhà, có mặt trong hầu hết những sự kiện lớn của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước. Từ Hội nghị Quân sự Trung Giã, cho đến cuộc đàm phán Hòa Bình giữa Lê Đức Thọ và Kissinger, soạn thảo những quy định về biển và trời, làm công tác biên giới ở tuổi 72… và rất nhiều công việc quan trọng khác trong hành trình dài của đất nước.
Trong cuốn hồi ký Gió bụi đường hoa, ông đã viết: “Tôi làm công tác ngoại giao hơn 50 năm qua, kể cả khi nghỉ hưu. Tuy chẳng giữ chức vụ cao, nhưng tôi luôn giương cao quốc uy vạn cổ, nhiều phen bảo vệ lãnh thổ ngàn xưa. Ở vào cái tuổi như Trạng Trình đã tả, “Chín mươi xuân sắc hãy còn dư””.
Dẫu con đường ngoại giao mà ông đã đi qua, đâu chỉ là con "đường hoa", ông hơn ai hết cũng nếm trải cả những vất vả, khó khăn, nói như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi dành cho ông những lời tâm huyết: "Chỉ riêng công việc suy tư, thể hiện bằng lời văn và hành vi, trong giao tiếp với đối phương, thậm chí cả đối tác, nhiều khi tranh luận thâu đêm suốt sáng, nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm liền như cuộc hòa đàm Paris về từng câu, từng chữ đã cho thấy ngoại giao không chỉ là "đường hoa" mà chủ yếu là con đường đầy "gió bụi". Đằng sau những câu chữ ấy là lập trường, là lợi ích dân tộc, trí tuệ cao minh, kinh nghiệm dày dặn… Tất cả những phẩm chất ấy được thể hiện khá rõ nét trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao tiền bối thuộc trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh mà anh Lưu Văn Lợi là một đại diện".
Ông, đại diện cho một thế hệ những trí thức Việt Nam yêu nước, sống trọn cuộc đời thanh bạch cho một lý tưởng cao đẹp, mà không màng đến những quyền lợi riêng tư.
2. Nhưng không hiểu sao mỗi lần đến thăm ông, tôi vẫn có một cảm giác u ám của nỗi buồn trĩu nặng. Có phải vì cô con gái tội nghiệp bị tật bẩm sinh, có lớn mà không có khôn cứ đi vào đi ra chằm chằm nhìn vào những vị khách lạ hay vì hương án trên bàn thờ ông có đến 4 bài vị của các con và người vợ hai đều mất vì bệnh tật. Thấy gì đó như là nỗi buồn đau của số phận đằng sau trí tuệ mẫn tiệp của ông, đằng sau những vinh quang của một nhà ngoại giao từng bôn ba năm châu bốn biển, từng ghi dấu ấn của mình trên trường quốc tế trong những cuộc đấu trí vĩ đại, góp phần mang lại hoà bình cho dân tộc, và đằng sau cả cái vẻ bình thản mà anh con trai duy nhất còn lại của ông, anh Lưu Văn Lương vẫn nói với tôi rằng, ông cụ là người chịu đựng và kiềm chế giỏi… Một nỗi buồn mà thế hệ hậu sinh chúng tôi không cắt nghĩa được.
Nhưng không phải đến bây giờ mà ngay trong ký ức tuổi thơ của ông Lưu Văn Lợi đã trải qua những ngày tháng không bình yên. Đó là những ký ức buồn bã về gia đình. Bố Lưu Văn Lợi là một lý trưởng, mà người dân làng Gia Thụy, Gia Lâm tự bầu lên, và gọi ông bằng cái tên trìu mến, cụ Lý Giang. Nhưng không may ông mất sớm, khi ký ức của một cậu bé năm tuổi Lưu Văn Lợi chưa kịp lưu giữ lại hình ảnh của bố.
Mẹ ông là gái làng Ngọc Nội nổi tiếng đảm đang, mạnh mẽ đã một mình chèo chống nuôi bảy người con lớn lên. Nhưng tai họa không ngừng ập xuống gia đình ông, và có lẽ đó là một ký ức đầy sợ hãi nhất trong quãng đời sống của mình, đó là một đêm mùa đông, trong cái lạnh tê người, Lưu Văn Lợi choàng tỉnh dậy khi chạm vào cánh tay giá lạnh của mẹ và bàng hoàng thét lên khi biết mẹ đã chết vì lạnh.
Những mất mát khủng khiếp như vậy đổ ập xuống gia đình Lưu Văn Lợi khi các anh chị em của ông còn quá nhỏ. Nhưng có một điều may mắn, là chính lúc đó, nỗi đau đã giúp họ lớn lên, trưởng thành hơn để bám trụ vào đời sống của một thời chiến tranh loạn lạc. Lưu Văn Lợi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người và sự cưu mang của người anh đầu. Nên ông đã có những cơ hội học tập, và tiếp xúc sớm với những luồng tư tưởng mới của cách mạng, của Nguyễn Công Hoan, của nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước khác thời bấy giờ. (Những năm 1930 của thế kỷ trước). Giờ chỉ còn lại mình ông trên cõi đời, các anh chị, đều đã về nơi thiên cổ, trong hàng vạn nỗi buồn của một kiếp nhân sinh, ông vẫn tự hào về truyền thống của gia đình mình…
Nhưng rồi ngay cả trong cuộc đời dài dặc sau này của mình, ông Lưu Văn Lợi cũng phải nếm trải rất nhiều nỗi buồn riêng … Người vợ đầu, mối tình thời lãng mạn, hào hoa của ông cũng rời bỏ ông ra đi khi các con còn chập chững. Cuộc đời ông đã chứng kiến quá nhiều cái chết của người thân, rồi sau này là người vợ hai và các con của ông và bà cũng lần lượt rời bỏ ông mà đi.
Tự nhiên, tôi nhớ đến tác phẩm Sống của nhà văn Trung Quốc, Dư Hoa, và những ám ảnh về cái chết, đành rằng sự so sánh đó là khập khiễng, nhưng ông và nhân vật Phú Quý trong tác phẩm, họ là người gần như ở lại sau cùng khi sự sống của người thân lần lượt lịm tắt… Nhưng ông Lưu Văn Lợi, bằng nghị lực phi thường, đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa, song hành cùng những mất mát của mình, và hơn thế, một cuộc đời ghi dấu ấn trong lịch sử ngoại giao của đất nước, mà theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Tiếc rằng, ngày nay rất hiếm, nếu như không nói rằng hầu như không còn những nhà trí thức uyên bác với đúng nghĩa của từ đó mà anh Lưu Văn Lợi là một điển hình mặc dầu ở nước ta xuất hiện khá nhiều "tiến sĩ", "giáo sư" và các nhà quản lý khoác đủ thứ danh hiệu, chức tước".
Ông chưa bao giờ nói về những chuyện riêng của gia đình mình, bởi ông là người biết chịu đựng và kiềm chế. Nhưng tôi biết trong đáy sâu của trái tim ông vẫn cất giữ những góc ký ức buồn của riêng mình, và sẽ mang về nơi thiên cổ. Bởi cuộc đời một trí thức lớn như ông, sinh ra không chỉ sống cho riêng mình. Và những nỗi buồn hay cả những mất mát sẽ không thể làm ông ngã quỵ, ông dồn tâm lực và trí tuệ của mình vào công việc. Chắc hẳn nhiều câu hỏi về cuộc đời của ông giờ vẫn còn để ngỏ, vì trong tâm thức và cả trong trí nhớ của một người sắp chạm tuổi bách niên như ông Lưu Văn Lợi, chỉ còn lại duy nhất hình hài của những cuốn sách dang dở mà tâm nguyện của ông là sẽ thực hiện trước khi nhắm mắt...