Nhà báo Hà Đăng: Nghề báo thật khắt khe

Chủ Nhật, 20/06/2010, 15:53
Bài học đầu tiên khi ông về công tác ở Báo Nhân dân là bài học về ý thức tổ chức kỷ luật. Bài học tiếp theo là phải không ngừng học tập, học hỏi, học trong sách vở và thực tế, học thầy và học bạn... Đến bây giờ, nhà báo Hà Đăng không dám nói là mình thành công trong việc học tập những người thầy đó, nhưng điều ông khẳng định chắc chắn là ông đã học tập một cách nghiêm túc nhất.

Tôi rụt rè điện thoại tới nhà báo Hà Đăng. Đầu dây bên kia, một giọng nói ấm áp, hiền hậu: "Cháu đến ngay đi, bác cũng bận lắm đấy nhưng sẽ tiếp cháu". Lời mời không khách khí của một nhà báo lão thành, người mà tên tuổi đã nổi tiếng khiến tôi, một nhà báo trẻ chợt thấy vui vui trong lòng, mất luôn cảm giác do dự lúc đầu...

1. Ngôi nhà của nhà báo Hà Đăng nằm trên đường Ngọc Khánh, Hà Nội. Chỉ cách đó vài chục bước chân là những toà nhà cao ốc, chung cư hầm hập nóng thì bước vào đây, khi chạm tay vào những cành cây bưởi, cây ổi loà xoà rậm rạp, ngỡ như một thế giới khác. Không khí mát mẻ, tĩnh mịch vô cùng. Nhà báo Hà Đăng dẫn tôi vào phòng làm việc của ông, đầy sách là sách nhưng được sắp xếp gọn gàng.

Ông chỉ vào mấy chục tập sách Văn kiện Đảng toàn tập (do ông làm Trưởng ban Chỉ đạo xuất bản) và nói rằng, ông đang ngập lụt giữa đống sách đó, vì phải gấp rút hoàn thành đĩa CD - ROM cho nhà xuất bản để tra cứu bộ sách này. Ông phải dò tìm từng "từ khoá" để xem có khớp với bộ sách không, thì mới tra cứu được chính xác. 54 tập, tập nào cũng dày ngót ngàn trang, thì để hoàn thành đĩa CD - ROM đó quả là một kỳ công.

Vì sao tôi lại tìm gặp nhà báo Hà Đăng để viết bài? Có lẽ vì Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) đang đến gần. Nhưng cũng vì thời còn học trong Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cái tên Hà Đăng qua những tác phẩm báo chí quá quen thuộc với chúng tôi rồi. Các thầy cũng hay đưa bài của nhà báo Hà Đăng vào bài giảng, để giúp chúng tôi "nhận diện" thể loại báo chí. Tôi còn nhớ một "sê ri" bài báo của ông ở dạng chuyên luận: "Đổi mới, một quá trình cách mạng", "Đổi mới bắt đầu từ đâu?", "Đổi mới, những thành tựu lớn", vậy mà hồi đó, chúng tôi cứ loay hoay không biết xếp nó ở thể loại gì. Và ấu trĩ thay cho một sinh viên báo chí, cứ thấy bài báo nào dài dài, thì nghĩ là phóng sự và điều tra, nên tôi xếp ngay những bài báo đó là "phóng sự" - cho oách... Hậu quả, tôi suýt phải thi lại môn học đó.

Tôi kể lại cho nhà báo Hà Đăng nghe câu chuyện đó, ông cười lớn: "Anh Hữu Thọ có lần nói, anh không được chọn nghề mà nghề chọn mình. Tôi cũng vậy, Đảng phân công việc gì thì làm việc ấy, vừa làm vừa học. Cứ viết, lăn xả vào viết có hiểu gì về thể loại đâu, sau này về làm ở Báo Nhân dân rồi mới tìm hiểu về thể loại báo chí đấy chứ".

Nhà báo Hà Đăng quê ở xã Bình Kiến, huyện Tuy Hoà (nay là thành phố Tuy Hoà), tỉnh Phú Yên. Ông kể, bài báo đầu tiên ông viết năm 1947, đăng ở tờ Phấn đấu, một tờ báo tỉnh. Sau đó, năm 1950, ông ra Liên khu V làm phóng viên Tạp chí Miền Nam - cơ quan của Ban đại diện Văn hoá cứu quốc ở miền Nam Trung Bộ. Năm 1951, ông trở thành phóng viên Báo văn nghệ Liên khu V. Năm 1952, ông làm biên tập viên cho tờ Nhân dân ở Liên khu V (thời điểm đó, Đảng ta có ba tờ Nhân dân: Nhân dân TW, Nhân dân Liên khu V và Nhân dân Nam Bộ).

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Ban Nông thôn Báo Nhân dân. Năm 1960, ông được đề bạt làm Phó Trưởng ban Nông thôn. Năm 1961, ông được cử đi học Trường Đảng cao cấp trực thuộc TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Về nước, ông lại làm Phó Trưởng ban Miền Nam Báo Nhân dân. Năm 1968, ông được cử tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam với tư cách cố vấn Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Năm 1986, nhà báo Hà Đăng được bầu vào TW khoá VI, đầu năm 1987 ông trở thành Tổng biên tập Báo Nhân dân. Năm 1992, ông giữ cương vị Trưởng ban Tư tưởng văn hoá TW. Năm 1996, ông là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Đến năm 2007, ông về hưu nhưng vẫn làm tư vấn, chuyên gia thẩm định cho Tạp chí Cộng sản...

Làm báo, rồi giữ nhiều trọng trách quan trọng như vậy nên đến tận giờ, khi ông đã bước vào tuổi 82, trái tim nhiệt huyết, trí tuệ mẫn tiệp của ông vẫn hướng trọn về Đảng với một niềm thành kính, ngưỡng vọng sâu xa vô bờ. Có lẽ cũng là cái duyên, là sự may mắn nhưng sâu xa hơn, là sự tin tưởng, gửi gắm niềm tin yêu mà Đảng dành cho nhà báo Hà Đăng khi hai lần ông được lựa chọn làm trợ lý cho Tổng Bí thư: năm 1985, trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và năm 2001, trợ lý cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Nhà báo Hà Đăng và nhà báo Hữu Thọ được trao Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Nhà báo Hà Đăng rộn ràng kể, một trong những bài báo ông có nhiều cảm xúc nhất có lẽ là bài "Ba lần đuổi kịp trung nông" ông viết năm 1961. Tác phẩm này đã được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải A và sau đó, nó được coi là một bài báo mẫu về thể loại phóng sự điều tra trong các giáo trình báo chí. Bài báo này viết về Hợp tác xã Đại Phong ở Quảng Bình với "cái độc đáo" là từ tổ đổi công lên hợp tác xã, từ hợp tác xã nhỏ lên hợp tác xã lớn.

Hồi ấy, Đảng đề ra khẩu hiệu "đuổi kịp mức sống trung nông" và phát động phong trào "phá xiềng ba sào". Hợp tác xã Đại Phong được thành lập trên cơ sở một tổ đổi công bao gồm hầu hết là các hộ từ giới tuyến ra, ở một vùng đất nghèo xơ xác, làm ăn cực kỳ vất vả, tất cả là bần cố nông. Lần thứ nhất, Hợp tác xã dùng phương thức sản xuất hợp tác, kết hợp làm ruộng với chăn nuôi vịt, vừa tăng năng suất, vừa khai hoang, vỡ hoá mở rộng diện tích, nâng mức sống của họ lên kịp mức trung nông. Lần thứ hai thêm một hợp tác xã thôn bên, cũng gồm phần lớn bần cố nông xin gia nhập HTX Đại Phong, làm cho mức sống chung bị tụt xuống. Rồi lần thứ ba, lại thêm mấy HTX nhỏ nữa xin gia nhập. Cứ mỗi lần như vậy, hợp tác xã lại phấn đấu bằng nhiều cách mới đạt mức sống trung nông.

Sau khi Báo Nhân dân in bài báo trên, Tổng biên tập lúc đó là nhà báo Hoàng Tùng nhận được điện thoại của Bác Hồ. Bác khen đây là một điển hình tốt, cần được nhân rộng. Hai ngày sau, cũng trên Báo Nhân dân có bài viết của Bác về Đại Phong với tiêu đề "Một Hợp tác xã gương mẫu". Bác còn chỉ thị cho Ban Nông thôn TW, lúc ấy do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban, trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm nhiều chuyên viên am hiểu về vấn đề nông nghiệp và nông thôn vào Đại Phong làm việc. Khi về, vào những ngày giáp Tết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết một bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong. Cũng từ đó, một phong trào học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong và vượt Đại Phong nổi lên khắp cả nước.

Nhớ lại bài báo này, nhà báo Hà Đăng tâm sự: "Tôi là một anh phóng viên nông thôn nên khắp làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, gần như chưa nơi nào là tôi chưa đặt chân đến. Cứ xe đạp cà tàng rong ruổi khắp nơi. Bà con lội đồng lội ruộng mình cũng xắn quần lội. Có lần về Hải Dương, bùn nước ngập ngụa, tôi cứ vác xe đạp lội hàng chục cây số, vất vả vô cùng. Có lần, mình đạp xe về đến nơi thì quá trưa, bà con đã qua bữa trưa và bữa tối thì bà con nhịn, tôi cũng phải bấm bụng nhịn đói. Nhưng nghĩ đến bài báo đến trang viết còn dang dở là lại thấy lòng náo nức, muốn lăn mình vào thực tế. Lạ vậy đấy".

Không chỉ sắc sảo với những bài viết phản ánh một nông thôn hừng hực khí thế đổi mới, nhà báo Hà Đăng còn nổi tiếng với hàng trăm bài chính luận sắc sảo, được coi là vũ khí tư tưởng sắc bén để đấu tranh với giặc Mỹ trên mặt trận quân sự và ngoại giao nóng bỏng. Sau này, ông tập hợp những bài viết đó lại, in thành tập "Thế ta - thế thắng" phản ánh trung thực cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và các vấn đề về miền Nam Việt Nam với những bài viết sắc sảo, tràn đầy sức chiến đấu như: "Toàn dân đứng lên, khắp nơi nổi dậy", "Thừa thắng xông lên, anh dũng xốc tới", "Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng bừng bừng khí thế tiến công".

Nhà báo Hà Đăng chia sẻ: "Tôi viết những bài báo đó trong một tâm trạng đau đớn khi đồng bào mình vẫn sống hai miền chia cắt, lúc nào tôi cũng gắn tấm lòng của mình với lợi ích của đồng bào và sẵn trong lòng một mối căm hờn giặc Mỹ luôn được hâm nóng. Có lẽ vì thế chăng mà những bài báo viết ra có sức thuyết phục. Năm 1968, tôi viết bài về trận đánh Làng Vây ở Quảng Trị, một trận đánh nổi tiếng của mặt trận đường 9. Bài báo đã như một đòn trả lời đích đáng đối với quân Mỹ sau những thách thức của chúng về cái gọi là phòng tuyến Mắc - na - ma - ra. Bộ đội Tăng thiết giáp lấy ngày đánh Làng Vây làm ngày truyền thống. Sau đó 30 năm, năm 1998, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp đã xin lại bài báo ấy để đưa vào bảo tàng của lực lượng".

2. Nhà báo Hà Đăng chậm rãi kể, bài học đầu tiên khi ông về công tác ở Báo Nhân dân là bài học về ý thức tổ chức kỷ luật. Tổng biên tập Hoàng Tùng hoan nghênh Hà Đăng về báo Đảng nhưng ông nghiêm cẩn nói: "Ở địa phương, các anh có làm vương làm tướng gì cũng mặc, còn ở đây viết bài, Tổng biên tập duyệt và chữa. Bài dở thì bỏ. Anh nào chấp nhận thì ở lại. Anh nào không chịu được thì xin chuyển".

Bài học tiếp theo là phải không ngừng học tập, học hỏi, học trong sách vở và thực tế, học thầy và học bạn. Hồi đó cánh nhà báo trẻ hay nói, ở Báo Nhân dân có nhiều người thầy tại chỗ để học, trước hết là Hoàng Tùng và Thép Mới. Học Hoàng Tùng về cách viết bình luận. Học Thép Mới về cách viết phóng sự, điều tra mang bút pháp văn học. Học cả hai người thầy này sự sắc sảo, nhạy bén trước những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn.

Đến bây giờ, nhà báo Hà Đăng không dám nói là mình thành công trong việc học tập những người thầy đó, nhưng điều ông khẳng định chắc chắn là ông đã học tập một cách nghiêm túc nhất. Trong cuộc đời lăn lộn với con chữ, có một số bài báo của ông được Bác Hồ cho ý kiến. Đó là năm 1956, nhà báo Hà Đăng viết một cái tin phản ánh về một hội nghị tổng kết nông nghiệp, có Bác Hồ đến dự. Nhưng ông chỉ phản ánh những "khuyết điểm" mà Bác nêu ra, trong khi năm đó chúng ta được mùa lớn và Bác đã có thư khen. Những "khuyết điểm" mà Bác nêu ra để dặn dò, đừng có tự cao tự đại. Sau khi bài báo được in, Bác đã điện thoại cho Tổng biên tập phê bình: "Nông nghiệp được mùa, Chủ tịch nước đến thăm hội nghị, sao chỉ có phê bình?".

Năm 1968, nhà báo Hà Đăng có bài viết "Phá bĩnh và láo xược" phê phán thái độ của bọn Thiệu - Kỳ phá hoại việc đến dự hội nghị Pari và có những lời lẽ xấc xược đối với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Bác điện thoại khen bài viết nhưng phê bình hai chữ "phá bĩnh" không ổn, thiếu tính chính trị.

Ông tâm niệm: "Sau những lần đó, tôi thấy thấm thía rằng, viết một cái tin cũng phải rất thận trọng, phải đúng sự thật, nhưng nhìn nhận sự thật đó như thế nào, mình phải cân nhắc kỹ, không thể theo một tư duy ấu trĩ, càng không thể chiều theo những cảm xúc cá nhân được. Đồng thời phải lăn xả vào cuộc sống, xa rời cuộc sống thì không thể có những trang viết nóng hổi cảm xúc. Ngày còn là phóng viên, mỗi tháng tôi ở nông thôn đến 20 ngày. Anh Tố Hữu hay nói, làm báo Đảng phải có ba bằng đại học, đại học văn hoá, đại học chính trị và đại học đường đời là như vậy".

Nhà báo Hà Đăng cho tôi hay, làm báo ngày xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Thời của ông, hầu hết các nhà báo đều không được đào tạo bài bản, nhiều khi làm việc gì, nghề gì là do Đảng cần, Tổ quốc cần; đặc biệt thời bao cấp, viết báo không có nhuận bút, khó khăn trăm bề, nhưng cũng như nhiều nhà báo lão thành khác, nhà báo Hà Đăng đến bây giờ vẫn nghĩ rằng, mình còn sống ngày nào còn viết, còn cống hiến. Nói cách khác, đó chính là một "tinh thần phục vụ" Đảng vô điều kiện, chỉ cần biết đó là nhiệm vụ Đảng giao có ích cho nhân dân, cho dân tộc là ông viết.

Còn tôi, chợt nghĩ, cuộc đời ông đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng giao cũng bởi vì trong sâu thẳm trái tim ông là vẹn nguyên một tình yêu Đảng, yêu nước được giác ngộ lý tưởng ngay từ thời trai trẻ...

Hà Đăng chỉ là bút danh của ông. Tên thật của ông là Đặng Ha. Năm 1951, ông công tác ở Báo Văn nghệ Liên khu V, viết một bài phỏng vấn khá dài ký tên Đặng Ha. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thư ký toà soạn tờ báo khuyên ông nên có bút danh. Rồi theo cách nói lái kiểu Bắc, chính nhà văn đã đổi tên ông từ Đặng Ha thành Hạ Đăng. Sau đó, khi in bài báo, anh em sắp chữ thấy ký tên Hạ Đăng, nghĩ họ "Hạ" chỉ có ở Trung Quốc, chắc có sự nhầm lẫn nào đây. Họ tự đổi họ của ông thành "Hà". Cái tên Hà Đăng ra đời từ đó, gắn với hàng trăm bài báo, bài chính luận nổi tiếng sau này được nhà báo Hà Đăng tập hợp trong ba tập sách "Thế ta thế thắng","Đi lên từ sản xuất nhỏ", "Cái mới trong đổi mới"...

Thu Phương
.
.
.