Nguyễn Văn Huyên - Một tấm gương về nhân cách
Trước khi trở thành người đứng đầu ngành giáo dục của nước Việt Nam mới, Nguyễn Văn Huyên đã đỗ Tiến sĩ Văn khoa năm 1934 tại Pháp, từng là giáo sư tại những ngôi trường danh tiếng như Trường Bưởi, Đại học Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác cổ... Ông cũng có vinh dự đặc biệt là được tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp giữa năm 1946, để mưu cầu nền hòa bình giữa hai dân tộc Việt - Pháp...
Bền lòng nuôi chí lớn
"Đây là tập sách "Hội Phù Đổng" bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội năm 1938, do cha tôi là tác giả"... PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người con trai út của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trân trọng lật giở những trang sách đã ngả màu thời gian, được viết cách nay hơn 70 năm. Trong chiếc tủ gỗ, nơi lưu giữ những cuốn sách, công trình nghiên cứu của "ông Nghè" Nguyễn Văn Huyên, được đặt tại phòng khách của gia đình; tôi nhận thấy sự chăm chút, nâng niu gìn giữ những di sản vô giá không chỉ của gia đình, mà của cả nền văn hóa Việt
Chỉ tay vào một số kỉ vật, PGS.TS Nguyễn Văn Huy "thuyết minh": "Đây là chiếc mũ sắt cha tôi thường dùng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Quả trứng đà điểu này, nhân một chuyến công tác tại Phi châu những năm 1960, ông mang về để học trò có thể mục sở thị một mẫu vật rất quý hiếm thời đó"...
Nhìn quanh căn phòng khách ấm cúng trong ngôi nhà ở đầu phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ ông bà Nguyễn Văn Huyên, có hai pho tượng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và phu nhân Vi Kim Ngọc. Trên tường, có những bức tranh tĩnh vật mà tác giả là Vi Kim Ngọc, cô tiểu thư khuê các sinh trưởng trong một gia đình trâm anh thế phiệt nổi tiếng Việt Nam đầu thế kỷ XX...
Gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. |
Thường thì nhiều người vẫn thân mật gọi TS Nguyễn Văn Huyên là "ông Nghè". Nguyễn Văn Huyên chào đời năm 1905 tại một ngôi nhà trên phố cổ Thuốc Bắc, Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và làm nghề bốc thuốc (quê gốc làng Lai Xá, xã Kim Chung, Hòa Đức, Hà Nội hiện nay); tuy gia đình không giàu có, nhưng với quyết tâm nuôi con ăn học thành tài, Nguyễn Văn Huyên được mẹ cho đi du học từ năm 1926...
Trong ký ức của cậu bé Nguyễn Văn Huyên, vẫn hiển hiện lời thơ mẹ viết gửi hai con trai (Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng) đang du học ở Pháp: "Người ta sinh ở trên đời/ Phải học cho được nghề tài mới hay/ Người nghề ấy, kẻ nghề này/ Trước là ích quốc, sau này lợi dân"... Hoặc trong bài thơ "Khuyên con", thân mẫu của Nguyễn Văn Huyên viết: "Con ơi nghe mẹ nhời này/ Muốn khôn thì phải tìm thầy học nên/ Làm sao cho trả nghĩa đền/ Để yên việc nước kẻo phiền mẹ cha/ Làm trai yêu nước quên nhà/ Nước kia có vẹn thì nhà mới xong/ Sách có câu tạo thế anh hùng/ Văn minh hai chữ so cùng Mỹ - Âu"...
Không phụ niềm tin và sự kì vọng của gia đình, mặc dù vừa đi học, vừa phải dạy thêm kiếm tiền trang trải trong thời gian du học ở xứ người; song hai anh em Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng đều vinh quy bái tổ. Nguyễn Văn Huyên đậu cử nhân Văn chương năm 1929, cử nhân Luật học năm 1931 và năm 1934, trở thành người ngoại quốc đầu tiên tại Đại học Sorbonne được trao học vị Tiến sĩ Văn khoa, với luận án chính nổi tiếng: "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam", cùng luận án phụ: "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á".
Lấy nghiệp giáo giúp người
Nền giáo dục nước Pháp trong thập kỉ 30 của thế kỉ XX ghi nhận những tên tuổi trí thức Việt Nam nổi bật như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn... Sau khi đạt tới đỉnh cao về học vấn, Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Mạnh Tường trở về Việt
Trong cuộc đời khoa học của mình, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã chuyên tâm nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam và có hàng chục công trình nghiên cứu nổi tiếng về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc dân tộc, địa lí, lịch sử, cấu trúc giai tầng xã hội nông thôn...
Năm 1938, ông hoàn thành tập sách "Hội Phù Đổng" bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội. Cuốn sách này, sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI vẫn là tư liệu cơ bản để các cơ quan chức năng Việt
Ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, năm 1935. |
Ngay từ năm 1944, khi trả lời phỏng vấn báo Tri Tân, ông đã khẳng định những giá trị và cần bảo tồn Văn Miếu - Quốc Tử Giám: "Theo ý tôi có hai cách, một là sửa sang khu Văn Miếu cho có vẻ mĩ quan, lẽ cố nhiên nên theo quan điểm Á Đông, tu bổ các nhà văn của Văn Miếu làm thành một cái thư viện cho cả nước, thu thập hết thảy các sách bằng chữ Nho, Quốc ngữ và tiếng ngoại quốc nói về Á Đông và có quan hệ đến nền quốc học nước ta. Cách thứ hai là làm Văn Miếu như xưa thành một giảng đài, cho các bậc cựu học và tân học đủ tín nhiệm đến đó giảng về các bậc tiên hiền thờ trong Văn Miếu vì tôi xét nhiều người không biết Văn Miếu là thế nào và thờ những ai"...
Là một nhà trí thức yêu nước, ngay từ năm 1938, ông Nghè Nguyễn Văn Huyên đã tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ; từng ký tên vào bức điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị, trao quyền lãnh đạo đất nước cho Việt Minh... Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nghè Nguyễn Văn Huyên được Bác Hồ và quốc dân tín nhiệm, trở thành vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong 29 năm liên tục. Trên cương vị này, ông đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp trồng người và phát triển nền văn hóa Việt
Gần 30 năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã có nhiều đóng góp chấn hưng nền giáo dục, văn hoá của nước nhà. Ông là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…
GS Nguyễn Lân Dũng, người con rể của "ông Nghè" Nguyễn Văn Huyên kể lại một kỉ niệm: Là con rể sống cùng gia đình, tôi rất hiểu cụ. Cả cuộc đời cụ sống rất trong sáng. Sau khi cụ mất thì gia đình mới biết, cụ có cả một "kho tài sản" ở bên cơ quan Bộ. Đó là ngăn tủ đựng những món quà sau những lần đi công tác nước ngoài phía bạn tặng, lúc thì cái máy ảnh, lúc thì máy ghi âm… Tất cả cụ để ở cơ quan Bộ. Cụ quan niệm rằng đây là người ta tặng Bộ trưởng chứ không phải tặng cá nhân cụ. Cụ sử dụng những món quà này để tặng lại các địa phương hoặc tặng những giáo viên nghèo. Không chỉ những món quà bằng hiện vật mà kể cả tiền nhuận bút duyệt sách, phụ cấp đại biểu Quốc hội, cụ cũng để lại dành làm quà tặng…
Xuân về Tết đến, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của "ông Nghè" Nguyễn Văn Huyên, chúng ta càng thêm hiểu và khâm phục tấm gương của một người trí thức tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh