Nguyễn Thành Trung và những chuyến bay đáng nhớ

Thứ Ba, 20/02/2007, 09:03

Có hai chuyến chuyên cơ phục vụ lãnh đạo mà Nguyễn Thành Trung không thể nào quên: Chuyến chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Lê Đức Anh dự Đại hội đồng LHQ vào năm 1995 và chuyến chở Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Chính phủ nước ta thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada.

Hơn 30 năm đã trôi qua, song giờ đây nhiều người vẫn nhớ chiếc máy bay F5 của quân đội Sài Gòn ném bom xuống Dinh Độc Lập hôm 8/4/1975 trước ngày đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Người lái chiếc máy bay đó là Nguyễn Thành Trung, một chiến sĩ cộng sản được cài vào hàng ngũ địch.

Ông đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, hiện là Phó TGĐ Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, giáo viên bay Boeing 777, kiểm tra viên Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và đã nhiều lần được giao lái chuyên cơ phục vụ các nhà lãnh đạo cao cấp nước ta đi công tác nước ngoài.

Những năm tháng trong lòng địch

Quê anh ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ngay từ thời niên thiếu Nguyễn Thành Trung đã mồ côi cha. Giặc Mỹ biết cha của anh là “Việt Cộng nằm vùng”,  chúng đã dùng xe ôtô kéo lê xác rồi vứt xuống sông. Nguyễn Thành Trung ghi lòng tạc dạ và quyết trả mối thù này. Sau khi tốt nghiệp trung học, Trung thi và học tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tại đây, anh đã tích cực tham gia các phong trào của học sinh, sinh viên. Năm 1968, anh được tổ chức phân công vào hoạt động trong hàng ngũ địch, rồi được tuyển đi học lái máy bay ở Mỹ và năm 1971 đã tốt nghiệp, lái thành thạo bốn loại máy bay F5, A37, T41, T28.

Về nước mang quân hàm trung úy, anh được phân vào một phi đội ở sân bay Biên Hòa. Hằng ngày chứng kiến những cảnh hàng đoàn “quạ sắt” của đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đem bom đạn giết hại đồng bào, đồng chí, Nguyễn Thành Trung ruột đau như cắt, càng thêm sôi sục căm thù, khát khao được dùng vũ khí của địch tiêu diệt địch để trả thù nhà, đền nợ nước. Song vì nhiều lý do, cấp trên chỉ thị cho anh: “Hãy chờ thời cơ!”. Và mãi tới tháng 4/1975 cơ hội đó mới đến.

Ngày ấy, trong lúc đại quân ta ào ạt tiến công trên khắp các mặt trận từ Tây Nguyên, Trung Bộ, Nam Trung Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long, rồi áp sát Sài Gòn-Gia Định,  làm cho quân thù rất hoang mang, dao động; ngày 8/4/1975, Trung úy Nguyễn Thành Trung được lệnh đi ném bom chặn đường tiến của “Cộng quân”. Được sự chấp thuận của Trung ương Cục, Trung úy Nguyễn Thành Trung đã hướng thẳng đường bay tới Sài Gòn ném bom Dinh Độc Lập, rồi đưa chiếc F5 hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long.

Các nhà lãnh đạo Trung ương Cục và Tỉnh ủy ra sân bay đón ông, đã vô cùng sung sướng ôm chặt người phi công anh dũng này vào lòng. Tiếng bom nổ rền tại Dinh Độc Lập - đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thuở ấy, đã gây tiếng vang lớn, đến nỗi ngay cả báo chí Mỹ và nhiều nước Phương Tây cũng phải đưa tin và bình luận rằng “Tiếng bom đó là hồi chuông báo động trước ngày chính quyền Sài Gòn tất yếu sụp đổ”.

Nghỉ ngơi vài ngày, Nguyễn Thành Trung lại trở về sân bay Phan Rang để huấn luyện cấp tốc phi đội ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần cùng đại quân ta giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Những chuyến bay đáng nhớ

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Thành Trung tiếp tục được giao nhiệm vụ huấn luyện lái máy bay quân sự A37, F5, rồi AH26. Mãi đến năm 1990, khi nền kinh tế nước ta chuyển mình, ông mới được điều sang lái máy bay vận tải hành khách. Mấy năm đầu ông lái máy bay Tu 134 của Liên Xô (trước đây) và từ năm 1993 Cục Hàng không Việt Nam thuê máy bay Boeing 767, đã giao cho ông lái máy bay đó trên các tuyến bay Hà Nội - Moskva - TP Hồ Chí Minh, và đi một số nước khác trong khu vực như Đài Loan, Australia, Singapore, Thái Lan... Ước mơ của ông giờ đây là cố gắng học hỏi để có thể làm chủ kỹ thuật các loại máy bay hiện đại nhất của các hãng hàng không thế giới, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tính đến nay, ông đã có gần 24.000 giờ bay, trong đó có 6.000 giờ lái máy bay quân sự. Mặc dù cách đây 4 năm ông đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), song ông vẫn tiếp tục được giao lái máy bay chuyên cơ phục vụ các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta đi thăm nước ngoài.

Theo lời ông kể, ông đã có vinh dự được lái chuyên cơ phục vụ tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ và Quốc hội nước ta, kể cả Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Ông coi đó là sự tín nhiệm chính trị tuyệt đối của Đảng và Nhà nước đối với ông.

Hiện Vietnam Airlines có 5 tổ lái Boeing và 5 tổ lái Airbus có đủ tiêu chuẩn lái chuyên cơ. Tất cả những thành viên của các tổ lái này phải bảo đảm tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và chế độ, phải nắm vững kỹ thuật bay và đã đủ một số giờ bay theo quy định, trong quá trình lái chưa hề mắc sai phạm nghề nghiệp.

Nguyễn Thành Trung không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần ông được chọn làm cơ trưởng của những chuyến chuyên cơ như thế. Nhưng ông bảo có hai chuyến đã gây ấn tượng mạnh, suốt đời ông không thể nào quên. Đó là chuyến đưa đồng chí Lê Đức Anh, khi đó là Chủ tịch nước, đi dự Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1995.

Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm ông rời khỏi nước Mỹ, khi ấy trở lại, ông lại là cơ trưởng lái chiếc máy bay Boeing bay lượn trên bầu trời nước Mỹ, nhưng không phải máy bay quân sự đem theo bom đạn, mà là chở một sứ giả hòa bình tới dự hội nghị của một tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới. Ông bảo, khi ấy trong ông niềm vui sướng và kiêu hãnh dâng lên cao độ.

Chuyến chuyên cơ tiếp theo là chở Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Chính phủ nước ta thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada. Trong chuyến thăm 12 ngày đêm, chuyên cơ đã bay 44 giờ, vượt qua quãng đường 36.000 km, đáp xuống và bay lên ở 5 sân bay nước Mỹ và 3 sân bay Canada. Lần này đội bay do Nguyễn Thành Trung làm cơ trưởng đã được vinh dự phục vụ Thủ tướng và hầu như một nửa số thành viên Chính phủ, hơn 100 quan chức của các bộ, ngành. Ngoài ra, còn có 80 đại diện của các doanh nghiệp lớn trong cả nước và hàng chục nhà báo.

Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam và cả từ khi xuất hiện trên bản đồ thế giới Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm, thì đây là lần đầu tiên Thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ nước ta mới tới thăm Hoa Kỳ.

Ông kể rằng trong suốt hành trình bay, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó cũng hết sức ân cần quan tâm tới công việc và trách nhiệm nặng nề của tổ bay, chốc chốc Thủ tướng lại vào khoang lái để trò chuyện động viên anh em đội bay. Và có lẽ chính vì mọi người đều ý thức tầm quan trọng của chuyến đi thăm đó, nên đã tuyển chọn đội bay gồm tất cả những người giàu kinh nghiệm nhất, nắm vững kỹ thuật bay và ứng xử chu đáo, kể cả 16 tiếp viên, tất cả đều là những tiếp viên trưởng

Vĩnh Sơn
.
.
.