Nguyễn Ái Quốc qua hồ sơ lưu trữ của mật vụ Pháp

Thứ Năm, 18/05/2006, 13:33

Bà Sophie Quinn - Judge, nhà viết tiểu sử chính khách, đã dày công nghiên cứu Lưu trữ hải ngoại (AOM) của Pháp để tái hiện phần nào thời kỳ Nguyễn Tất Thành bắt đầu mang bí danh Nguyễn Ái Quốc trong cuốn "Hồ Chí Minh, những năm lưu lạc". Chúng tôi lược dịch một số đoạn trong chương I của cuốn sách này. Đầu đề và chú thích là của người dịch.

Mùa hè năm 1919, chính vào lúc người Pháp vừa hoàn hồn sau 4 năm đánh nhau nhừ tử, cơ quan mật vụ của nó đã phải liên tục điện tín cho cấp dưới ở Hà Nội, ra lệnh truy tìm lai lịch “một nhà xách động cách mạng nguy hiểm” vừa xuất hiện ở Paris. Được xem là giao thiệp rộng trong cộng đồng đa tạp của người Việt ở đây, gồm từ trí thức đến công nhân và những người Đông Dương bị trưng tập làm lính cho Pháp trong thế chiến, thân nhân của đương sự lại là một ẩn số: có vẻ như không biết anh ta  là ai, từ đâu tới... Trong khi Tổng nha Mật vụ Pháp, Surete Generale, sắt đá chờ đợi thông tin từ Đông Dương, Bộ Thuộc địa đã quyết định ném các thám tử của mình vào cuộc để khám phá gương mặt mới này của chính trường Pháp.

Ngôi nhà số 9 ngõ Con point, Paris, nơi ở của đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1921 - 1923.

Đương sự thường ký tên mình là Nguyễn Ái Quốc, tức là “Người yêu nước họ Nguyễn”, và chua thêm: “Thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước”. Với cung cách xử sự tự tin ít thấy ở một người chưa tới tuổi 30, Nguyễn tới gặp các nghị sĩ Hạ viện Pháp, các phái đoàn tham dự Hòa hội Versailles, tổng biên tập của các báo Paris mà không hề đăng ký trước. Từ tháng 9/1919, Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương mãn nhiệm về làm Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, đã phải vài lần mời ông Nguyễn Ái Quốc tới diện đàm.

Nhưng điều làm cho Chính phủ Pháp bàng hoàng chính là thông điệp của Nguyễn Ái Quốc, mang tên gọi rất chỉnh về nghi thức “Yêu sách của nhân dân An Nam tới các thành viên của Hội nghị Hòa bình”. Hòa nghị này tại Paris là một diễn đàn chính trị thời đó có tới 27 đoàn đại biểu cấp quốc gia tham dự nhằm mở đường cho một trật tự thế giới mới. Cho dù không mấy phái đoàn ngoài khối Liên hiệp Pháp biết đích xác Việt Nam nằm ở đâu, đã có nhiều đoàn phúc đáp ngay rằng, họ đã nhận được kiến nghị này. Trong số đó, phụ tá của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson, Đại tá House đã gửi một hồi âm rất nhã nhặn tới ông Nguyễn Ái Quốc vào ngày 19/6/1919...

Paris đã xem bản yêu sách là mưu đồ lật đổ. Để chống lại trào lưu đòi quyền dân tộc của Việt Nam dấy lên từ tháng 6/1919, người Pháp lập thêm Cơ quan Tình báo chính trị (Service de Renseignement Politique). Những tay chỉ điểm của họ  đã thâm nhập giới bạn bè của Nguyễn Ái Quốc và bám đuôi để bẩm báo về mọi cuộc hội thoại của ông. Họ tịch thu thư từ và các bài báo mà Nguyễn tìm cách gửi về nước...

Ngày 8/9/1919, một công điện từ Hà Nội đã được gửi đi các tỉnh lị, phản ảnh rõ quan điểm của Paris.

Nguyễn Ái Quốc nói rằng mình quê ở tổng Nam Đàn, Nghệ An, từng du học ở Anh, nơi anh ta đã sống 10 năm... Hiện Nguyễn đã thay thế Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh trong vai trò điều hành nhóm người yêu nước Việt Nam hoạt động đã lâu năm nhưng không có cơ sở hợp pháp. Xin hãy thông báo các thông tin mà các  vị nắm được, hoặc thu thập thêm tin tức về đương sự (AOM, SPCE 364 S.G. Ngày 8/9/1919).

Một chỉ điểm tại Paris mang mật danh Edouard đưa ra được một manh mối: tên thật của Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Văn Thành (gần như cái tên mà ông Nguyễn Sinh Sắc đặt cho con trai thứ khi anh qua ngưỡng vị thành niên: Nguyễn Tất Thành). Tuy nhiên, các thông tin tiếp theo của Edouard lại phản tác dụng, hẳn là do Nguyễn Ái Quốc cố tình tung ra. Tỉ như, Nguyễn Ái Quốc sinh ra ở Đà Nẵng, hiện sống bằng chu cấp của song thân giàu có, những điều rõ ràng là sai bét.  Kể từ tháng 12/1919, người Pháp đã đặt ra một trạm quan sát  thường trực ở số 6, đường Gobelins (Villa des Gobelins), một ngôi nhà yên tĩnh nằm trong ngõ cụt ở đông nam thành Paris.

Nơi đây, ngoài người xưng tên là Nguyễn Ái Quốc còn có Luật sư Phan Văn Trường, người đã bị giam thời đầu Thế chiến với tội danh điều phối hoạt động nổi loạn ở Đông Dương, và nhà nho bị lưu đày Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh cũng bị xem là có tư tưởng chống đối, cộng thêm nghi án về liên hệ với người Đức, vì thế từng bị giam một thời ở Cherche-Midi... Còn luật gia họ Phan được xem là  thành phần “cừu gia tử đệ”, và người Pháp cũng rất ngại trí tuệ của ông.

Ông Trường từng có mấy bận công cán sang Anh quốc vào năm 1913 để gặp một vị mang tên Joseph Thanh, sứ giả của Hoàng thân Cường Để (AOM, SLOTFORM III, 29, Gouvernement Militaire de Paris, Verbal d'Interrogatoire, pièce 56, trang 4). Cần lưu ý rằng đây cũng chính là thời gian Nguyễn Tất Thành sống ở Anh. Trong cuốn "Tiểu sử Hồ Chí Minh" (Paris, Chi hội Liên Việt tại Pháp xuất bản năm 1949, trang 24) Trần Ngọc Danh kể rằng thời còn ở Anh, ông ta và Hồ Chí Minh đã tham gia tổ chức bí mật “Hội Lao động hải ngoại”...

Sang sống ở Paris từ năm 1911, Phan Châu Trinh đã dành những năm đầu ở Paris vận động ân xá cho các đồng chí của mình còn bị giam ở Côn Đảo. Cuốn "Tổng kết cuộc nổi dậy của nông dân miền Trung", tố cáo người Pháp đàn áp dã man cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908 của ông đã được sĩ quan Pháp Jules Roux, một đảng viên xã hội tiến bộ từng can thiệp để Phan được ân xá trước đó, dịch sang tiếng Pháp. Người Pháp ngại Phan Châu Trinh  sẽ gây ảnh hưởng trong số hơn 40 sinh viên Việt Nam học ở Paris trước chiến tranh và hy vọng ông sẽ không dính líu tới các phần tử  cải lương ở châu Á thường tụ hội ở xóm Latinh, nhưng không ngăn cản được.

Vào năm 1912, ông và Phan Văn Trường lập ra một câu lạc bộ người Việt, sinh hoạt trong các quán cà phê và quán ăn ở Montparnasse, với các chủ đề xoay quanh phận tha hương. Hy Mã luôn cố chứng tỏ rằng mình đứng ngoài các âm mưu chống đối Pháp của nhóm Phan Bội Châu - Cường Để: ông từng đem nộp một bức thư của vị hoàng thân này gửi cho ông lên Bộ Thuộc địa vào năm 1913 (AOM, SLOTFORM III, 29. Declaration de Cao Dac Minh, 22/5/1915, trang 5).

Tuy nhiên, như người thông ngôn cho Phan Châu Trinh thú nhận, vào năm 1915 cụ Phan từng nhận tiền của Chính phủ Phổ do hai sứ thần của Cường Để là Trương Duy Toản và Đỗ Văn Y mang tới (AOM, SLOTFORM 111, Procès - verbal de Interrogatoire de Nguyen Nhu Chuyen, trang 3). Trương Duy Toản khi còn ở Việt Nam là biên tập của tờ báo dân tộc chủ nghĩa ôn hòa Lục tỉnh tân văn. Còn Đỗ Văn Y, vốn là một giáo viên ở Mỹ Tho, sau khi từ Anh sang Pháp  năm 1914, đã thường xuyên thư từ với Josep Thanh ở Anh. Người Pháp chộp được ít nhất 4 bức thư không đề ngày tháng của Josep Thanh viết cho Văn Y vào năm 1914, 2 trong số đó gửi từ phố Gower (AOM, SLOTFORM III, 29, Gouvernement Militaire de Paris, Traduction d'Extrait de lettres et de carte-lettres). Hai thư kia, một gửi từ Constantine Road ở Hampsstead, London, một từ số 3 Conquest Road, Belford... --PageBreak--

Bị người Pháp hối thúc điều tra, Bộ Nội vụ Anh đã báo sang Paris rằng Josep Thanh và Tất Thành là hai anh em, riêng Tất Thành sống và học tập ở Belford. Cả hai đã nhập Trường Regent Street Politechnic, nơi họ làm quen với Gourd, một sinh viên người Anh mà song thân sống ở số 12 đường Constantine Road. Vẫn theo văn bản điều tra này của Anh, Tất Thành kết bạn với cô con gái nhà Gourd, điều đã khiến bà Gourd giúp Thành vào học việc tại Công ty Điện Igranic ở Belford. “Không có cơ sở nào trong hành vi của họ cho phép suy luận rằng hai người này đã dính líu vào những mưu đồ bất hảo”, người Anh kết luận.

Sau này, mật vụ Pháp biết rằng Joseph Thanh, hay Lâm Văn Tú, đã về Nam Kỳ (AOM, SPCE 364, Paris, Note 2157, note fournie par M.Pettete de la S.G.19 tháng 11-1919), nơi đương sự viết báo, rồi cộng tác với Nguyễn An Ninh trong phong trào Cao vọng thanh niên. Vì không có được mạng lưới chỉ điểm người Việt như hệ thống sau này được người Pháp dàn dựng, Bộ Nội vụ Anh đã không thể xác định chính xác nhân thân hai người Việt này, cũng như những gì họ đã làm...

Viên thông ngôn của cụ Phan còn khai thêm rằng, vì có được một cuộc nổi dậy xảy ra trước đó ở Việt Nam như đã đặt hàng, người Đức gửi nốt tiền trả công qua lãnh sự của họ ở Trung Hoa. Người ta lấy làm hoài nghi rằng liệu một vị chỉ biết nói suông và viết chữ Nho như Phan Tây Hồ lại có thể chủ mưu cuộc nổi dậy.

Bản chất của việc Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh dính líu vào các âm mưu chống Pháp cho tới nay vẫn khá mập mờ. Việc giam giữ hai ông này đã kết thúc trong tình trạng miễn tố (non-lieu), vì chỉ điểm viên đột nhiên cấm khẩu. Sau khi được tha khỏi nhà tù Cherche Midi ở trung tâm Paris, khoản trợ cấp của Chính phủ Pháp trước đó cho Phan Châu Trinh đã bị cắt, và nhà nho này đã phải hành nghề sửa ảnh.

Sự truy bức, hành hạ của cảnh sát Pháp để lại một ấn tượng chua chát trong ông về thiện chí của nhà cầm quyền mẫu quốc. Phan Văn Trường từng bị gọi vào quân ngũ làm phiên dịch ở kho quân giới Toulouse, sau chiến tranh giải ngũ về tiếp tục hành nghề luật sư. Khác với Phan Châu Trinh, trong mắt mật vụ Pháp, Phan Văn Trường luôn là một tay cực đoan về chính trị. Lưu trữ cho thấy Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường thường chia sẻ quan điểm, và đã tìm mọi cách giữ liên hệ với nhau mãi về sau.

Phan Văn Trường cũng là người đã chịu trách nhiệm về bản tiếng Pháp của “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” và góp phần đáng kể trong soạn thảo các bài báo và phát ngôn tiếng Pháp trên phương tiện thông tin đại chúng, vì Nguyễn Ái Quốc lúc đó còn chưa thạo việc thảo văn bản tiếng Pháp. Nhưng chính Nguyễn Ái Quốc mới là người đứng mũi chịu sào chiến dịch đòi quyền dân tộc cho Việt Nam, khởi động tháng 6-1919. Người trẻ tuổi này đã thể hiện năng lực tập hợp lực lượng chính trị trong cộng đồng người Việt, thông qua một loạt thư ngỏ và tuyên ngôn.

Gần đây, bàn về vị thế của Nguyễn và hai đồng sự vong niên họ Phan trong Hội Những người Việt yêu nước tại Paris, một số tác gia ngoài nước đã vụng về sắp lại bảng phân vai để kết luận rằng Nguyễn Ái Quốc thực ra chỉ đóng vai giao dịch và dẫn chương trình cho hai ông bầu lão luyện kia. Nhưng lưu trữ của mật vụ lại chỉ rõ: “... Vì Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh từng có án tích, Quốc nay đã nhận vai cầm đầu” (AOM, SPCE 364, báo cáo của Jean, mồng 3/11/1919).

Sở Mật vụ Pháp tiếp tục vẽ chân dung của con người bí hiểm Nguyễn Ái Quốc. Viên Tổng giám sát binh lính Đông Dương tại Pháp Pierre Guesde khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nhà hoạt động chính trị tầm cỡ ở vào ngưỡng cửa năm 1919. Các tình tiết mà tai mắt của Guesde dày công thu thập về Nguyễn Ái Quốc cho thấy đương sự là một chiến sĩ tận tụy trong cuộc đấu tranh cho dân quyền của người Việt, lĩnh vực mà sự nhạy bén về chính trị của nhân vật chưa đầy 30 tuổi đời này đã lấp đi chỗ trống do thiếu bằng cấp. Hồ sơ còn cho thấy Nguyễn Ái Quốc thường xuyên giao du với các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ái Nhĩ Lan, Trung Hoa và Triều Tiên, những người đã tới Paris để vận động hành lang tại Hòa hội Versailles.

Các cuộc nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc với đồng hương Việt Nam cho thấy đương sự có được một nhận thức thấu đáo về cục diện đất nước mình, cho dù còn bị ảnh hưởng của Phan Châu Trinh chi phối... Lập trường của Phan Châu Trinh, người thường chỉ trích các manh động của Phan Bội Châu, được Nguyễn Ái Quốc thừa kế có chọn lọc, chẳng hạn như về vấn đề hiện đại hóa giáo dục và mở mang kinh tế. Còn phương châm của Phan Châu Trinh trong vấn đề nhân quyền là đòi hỏi người Pháp một cách “hòa nhã”, nhưng kiên quyết và nhẫn nại” thì  chỉ ít lâu sau Nguyễn Ái Quốc sẽ phải xếp vào ngăn kéo...

Tháng 1/1920, có một vị có quan hệ với nhóm Phan Bội Châu - Cường Để, nhưng chính là mật thám Jean, báo cáo rằng Nguyễn Ái Quốc trước khi tới Paris đã nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách thuộc địa của Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ý. Quan hệ của gia đình Nguyễn Sinh Sắc với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã tạo tiền đề cho sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc.

Còn một quan hệ nữa giúp Nguyễn Ái Quốc tích lũy kinh nghiệm chính trường, đó là Đoàn đại biểu Triều Tiên tại Hòa hội Versaille. Người trẻ tuổi họ Nguyễn xem ra đã lĩnh hội được nhiều ý tưởng của phong trào đấu tranh giành độc lập cho Triều Tiên (AOM, SPCE 264, báo cáo của Jean, mồng 1/1/1920). Hiệp hội Dân tộc chủ nghĩa Triều Tiên tại Mỹ đã khởi động phong trào đòi độc lập của họ vào lúc Tổng thống Woodrow Wilson công bố 14  luận điểm vào tháng 1/1918. Kiến nghị đòi Nhật Bản trao trả độc lập cho Triều Tiên đã được đệ lên hôm 12/5/1919, non một tháng trước khi Bản yêu sách của Việt Nam được công bố.

(còn nữa)

Lê Đỗ Huy (lược dịch và chú thích)
.
.
.