Nguyễn Ái Quốc qua hồ sơ lưu trữ của mật vụ Pháp (Phần 2)

Thứ Sáu, 19/05/2006, 08:00

Người Pháp nhận định: “Một Nguyễn Ái Quốc bị vạch mặt và giám sát bởi cảnh sát thủ đô quả là điều tốt nhất có thể mong đợi”. Tổng giám sát Guesde liệt nhóm  người ở số 6 Gobelins do Nguyễn Ái Quốc cầm đầu là “nguy hiểm nhất” trong số 250 “phích” - những người Việt ở Pháp bị tình nghi.

Tháng 9/1919, tờ Yishibao của Trung Hoa đăng tải cuộc phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc ở Paris, cho hay ông Nguyễn đã trao đổi với đoàn Triều Tiên trong một chuyến đi sang Hoa Kỳ. Tác giả bài báo, một phóng viên Mỹ, đã làm quen với Nguyễn Ái Quốc thông qua hai viên chức của Chính phủ lâm thời Triều Tiên, viết rằng ông Nguyễn Ái Quốc trạc 30 tuổi, biết 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung và là đại biểu cho Việt Nam tại Hòa hội Versailles.

Người được phỏng vấn tuyên bố rằng việc công bố “Yêu sách của nhân dân An Nam” là phần đầu của một chiến dịch quảng bá rầm rộ, chứ không chỉ nhằm tiếp cận Hội nghị Versailles, rằng “ngoài những yêu sách đã được phát hành tới các thành viên của Nghị viện Pháp, tôi đang cố gắng tập hợp sự ủng hộ ở mọi nơi. Đảng Xã hội đã thể hiện sự bất bình với việc làm của Chính phủ Pháp và đang hết sức hỗ trợ chúng tôi. Ấy là nói riêng nước Pháp. Trào lưu của chúng tôi còn có ảnh hưởng ở nhiều nước khác, và Hoa Kỳ chính là nơi mà các nỗ lực của chúng tôi đạt kết quả cao nhất...”.

Riêng chuyến đi Mỹ vào khoảng năm 1917-1918 của Nguyễn Tất Thành để hội kiến với đoàn Triều Tiên tới nay vẫn còn là uẩn khúc. Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc từng khai lý lịch với Quốc tế Cộng sản là ông ta làm thuê cho một gia đình giàu có ở Broocklyn, Hoa Kỳ trong 2 năm 1917-1918, sang Pháp năm 1919 (!). Nhưng tài liệu này lại có chỗ không chính xác: Nguyễn viết rằng ông sinh năm 1903 và thân mẫu ông mất năm 1910. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc đã trùm lên sự thật một tấm áo ngụy trang làm từ những điều không thực?

Thêm nữa, căn cứ vào một số bài báo trên tờ Liberation số tháng 10/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với chiến sĩ hòa bình Mỹ David Dellinger rằng, khi còn ở Mỹ, ông đã nghe Marcus Garvey, lãnh đạo của phong trào “Hồi hương về Phi châu”, diễn thuyết ở khu Harlem. Garvey, lãnh tụ phong trào của người Mỹ gốc Phi cho tới năm 1916 mới từ quê hương Jamaica sang Hoa Kỳ, để thường xuyên đăng đàn tố cáo nạn phân biệt chủng tộc trong hai năm 1917 và 1918 tại khu Harlem. Điều này tăng thêm sức thuyết phục của việc Cảnh sát Paris khẳng định rằng Nguyễn Tất Thành từ London tới Paris mồng 7/6/1919, trước tiên ở số nhà 10 phố Stokholm, sau chuyển đến số nhà 56 phố M. le Prince, rồi chuyển về số 6 Gobelins (AOM, SPCE 364 envole 49/SR, 12/3/1920).

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành Tours (1920) đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách đại biểu Đông Dương.

...Hòa đàm Versailles kết thúc vào tháng 1/1920 với sự khai tạo Hội Quốc liên. Nguyễn Ái Quốc và đồng hương đã không thể ăn mừng: trong họ đã tắt đi niềm hy vọng rằng các thể chế dân chủ phương Tây sẽ chấp thuận kiến nghị đòi độc lập cho người Việt. Sự đoàn kết trong nhóm người Việt cùng chí hướng có phần phương hại. Tiền nong cũng cạn kiệt, làm cho những người sống trong căn hộ tại nhà số 6 Gobelins gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Khánh Ký, Nguyễn Ái Quốc  đều phải lo mưu cầu sinh nhai. Người Pháp hay tin họ đều đã mắc bệnh viêm phế quản mãn hoặc ho lao. “Họ đã không thể có các phương tiện để sống khỏe mạnh, không phải lo nghĩ”, vì thế khó mà đe dọa nổi an ninh xứ Đông Dương-Edouard, ngoài đời là Phủ Bảy, nhận định.

Nhưng Nguyễn vẫn cố gắng phản ánh ước vọng tự do của người Việt tại một cuộc míttinh về tiến trình lập lại hòa bình ở phương Đông, nơi lãnh đạo đảng Xã hội Pháp, đại diện trí thức Paris và của đại biểu cộng đồng người Hoa và Triều Tiên lên phát biểu. Ở đây, Nguyễn đã phân phát bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", và đòi quyền được diễn thuyết nhưng chủ tọa cuộc míttinh từ chối. Pierre Arnoux, thanh tra mật thám trà trộn trong đám khoảng ngàn thính giả, chủ yếu là người Hoa, đã viết báo cáo, khoái chá một cách thiển cận. “...Việc Nguyễn Ái Quốc khăng khăng tìm cách giành diễn đàn đã gây nên những phản ứng trái ngược trong cử tọa: người cảm thông, người giễu cợt” (AOM, SPCE 364, 9/1/1920).

Ngay sau đó Nguyễn tự tổ chức một cuộc míttinh, thay mặt nhóm Những người cách mạng Việt Nam đọc bài phát biểu bằng tiếng Pháp: Sự tiến hóa về xã hội của các dân tộc Viễn Đông và các yêu sách của dân tộc An Nam vốn có nguồn gốc cổ đại đã được cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt (AOM, SPCE 364, báo cáo của Jean, 16/1/1920). Nhưng sự vắng mặt của những người đồng hương đã làm Nguyễn không còn đủ nhiệt thành để lặp lại đấu pháp này. Khi Jean góp ý rằng danh hiệu nhóm Những người cách mạng Việt Nam có thể đã làm cho đồng bào ngại ngần, Nguyễn đáp: “Chúng ta phải tranh đấu và phải khuếch trương để tạo sự chú ý” (AOM, SPCE 364, báo cáo của Jean, 21/1/1920).--PageBreak--

Nguyễn tiếp tục được bẩm báo đang miệt mài đọc trong thư viện Thánh Geneviève cạnh điện Panthéon. Một phần của chiến dịch đòi quyền dân tộc nói trên chính là kế hoạch phát hành một cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc về những thành tích xấu xa của Pháp ở Đông Dương, nhan đề "Les Opprimés" (Những người bị áp bức). Để tăng trọng lượng cho cuốn sách, Nguyễn trích dẫn hàng loạt tác giả Pháp, kể cả tài liệu về tình hình canh nông và tài chính Đông Dương. Danh mục sách mà Nguyễn tham khảo cũng được mật vụ lập tức lưu trữ. Nguyễn cho hay sẽ gây quỹ để ra cuốn sách bằng cách tìm một đảng viên Xã hội nào thuê anh ta giúp việc trong nhà.

Nhưng mãi đến tháng 9, mật vụ vẫn thấy Nguyễn Ái Quốc đang đốt đuốc lên tìm nguồn tài trợ, và vẫn mong chờ Marcel Cachin ở báo L'Humanité sẽ nhận in giúp (AOM, SPCE 364 envole 113, S.R., Deverzé, 17/9/1920). Ngay trước đó, những hoạt động chính trị hăng say đã bị gián đoạn do việc Nguyễn bị áp xe ở vai phải nằm viện, không rõ có phải do di chứng lao phổi không? Nhưng đằng nào sang năm Nguyễn cũng sẽ mất việc ở hiệu ảnh, do bị lao. (AOM, SPCE 364 envole 113, S.R., Deverzé, 14/11/1921).

Khi đã rõ ràng Nguyễn Ái Quốc với Nguyễn Tất Thành chỉ là một, người Pháp thấy cần vạch ra một chiến lược quản lý đối tượng này. Trước hết phải hạn chế đến mức thấp nhất các tiếp xúc của Nguyễn với người Việt, vì thế vào mùa thu năm 1920 người ta đã quyết định giữ chân anh ta ở Pháp. Giám đốc mật vụ Đông Dương René Robin đề xuất rằng không cấp hộ chiếu cho Nguyễn Ái Quốc, rằng các quan chức trông nom người Đông Dương ở chính quốc nên bảo cho Nguyễn biết rằng chỉ có thú thực thân thế của mình thì mới hòng có vé về Việt Nam. Nhưng sau khi được triệu lên quận hôm 20/9, nơi người ta chụp ảnh và thẩm vấn Nguyễn, đương sự đã đi thẳng lên trụ sở Hội Nhân quyền để tố cáo hành vi truy bức của cảnh sát (AOM, SPCE 364, báo cáo nhanh của Tổng giám sát Guesde gửi Bộ trưởng Nội vụ, 12/10/1920).

Nhà cầm quyền Pháp ở Hà Nội đâu có ngại gì việc Nguyễn quay về Đông Dương, nơi đang chờ để trừng phạt anh về tội danh bí mật xuất dương. Họ chỉ sợ đương sự sẽ đi sang một nước khác, nơi “Nguyễn hoàn toàn thoát khỏi vòng kiềm tỏa, và chúng ta sẽ tha hồ kinh ngạc với những phép mầu mà một con người quả quyết như thế tạo ra”. Người Pháp nhận định: “Một Nguyễn Ái Quốc bị vạch mặt và giám sát bởi cảnh sát thủ đô quả là điều tốt nhất có thể mong đợi”. Tổng giám sát Guesde liệt nhóm  người ở số 6 Gobelins do Nguyễn Ái Quốc cầm đầu là “nguy hiểm nhất” trong số 250 “phích” - những người Việt ở Pháp bị tình nghi.

Tại Tours, Nguyễn Ái Quốc đã dành sự lựa chọn cho thế lực sẽ chi phối phần còn lại của cuộc đời mình. Phong trào Cộng sản sẽ trở thành mái ấm gia đình, đồng thời  là cơ quan chủ quản... Về sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vẻ như đã tìm thấy cách gây cảm tưởng rằng ông không quan tâm lắm đến các cuộc tranh luận về học thuyết trong nội bộ Quốc tế Cộng sản thời đó. Thật khó mà tin được rằng Nguyễn Ái Quốc tới Đại hội Tours mà không hiểu rõ các vấn đề đã phân liệt các nhà xã hội cấp tiến và ôn hòa, vì suốt một năm rưỡi trời trước đó, Nguyễn liên tục tham dự các diễn đàn chính trị Paris và đọc sách báo cánh tả.

Sang Moskva ba năm sau, Nguyễn Ái Quốc sẽ thực hành cách đối nhân xử thế  mềm dẻo của một nhà chính trị thực dụng. Chẳng hạn, từng tham gia hội Tam điểm để mở rộng quan hệ, với tới các giai tầng có ảnh hưởng trong xã hội Pháp, ngay sau đó Nguyễn đã cắt đứt mối liên hệ này, và cả các giao thiệp với Hội Nhân quyền Pháp nữa (AOM, SPCE 365, note conf no 479 S. R folder 1922), theo Giáo huấn của Quốc tế Cộng sản. Đồng thời, khả năng miễn dịch với bệnh xơ cứng giáo điều theo một sách lược kiểu Machiavelli chính là nhân tố đã giúp Hồ Chí Minh tồn tại bằng ấy năm trong khuôn khổ Quốc tế Cộng sản

Lê Đỗ Huy (lược dịch và chú thích)
.
.
.