Người xoay chuyển số phận nghiệt ngã

Chủ Nhật, 30/10/2011, 14:05
Hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ ấy, dù rằng hoàn toàn không có được từ một chút ưu ái của số phận. Nói đúng hơn, hạnh phúc ấy chính là kết quả từ bản lĩnh, từ hành trình hóa giải những nghiệt ngã của số phận bằng chính trái tim yêu thương của bà, Lâm Thị Út Một, người nữ cựu tù Côn Đảo kiên trung năm nào.

Đặt bút viết về bà nhưng không hiểu sao trong tôi cứ chập chờn gương mặt nhòe nước mắt và câu nói nghẹn ứ của dì Dương Thanh Cầm, người vợ thủy chung của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Truyện khi lý giải sự hy sinh của những người phụ nữ thế hệ bà rằng "hạnh phúc đời mẹ thì ngắn, hạnh phúc đời con thì dài".

Thực ra, dì chỉ nói cho hoàn cảnh riêng mình nhưng vô tình nói thay cho cả một thế hệ không ít những người phụ nữ lặng thầm hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng tư cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những người phụ nữ như thế, tôi đã gặp không ít, viết về các dì, các mẹ cũng không ít nhưng cay đắng như đời bà, thủy chung, cao cả và bao dung được như bà thì quả tình hiếm thấy, không phải chỉ ở trên dải đất hình chữ S này. Bà là nữ chiến sĩ, cựu tù Côn Đảo Lâm Thị Út Một, người con gái của mảnh đất thành đồng Nam Bộ.

Đám cưới và đám giỗ

Tên thật của bà là Nguyễn Thị Để. Quê gốc ở Tiền Giang, 24 tuổi, cái tuổi khá muộn mằn với các cô gái miền Tây thời ấy bà mới lấy chồng. Hồi tưởng lại chuyện quá khứ, bà cười, ánh mắt phảng phất chút buồn mà rằng: Gọi là cưới nhưng thực ra là hai gia đình mượn đám giỗ để có cớ tụ họp đông người, tránh tai mắt của địch. Chú rể Phạm Hùng Vĩnh đang là cán bộ Tỉnh đội, chủ yếu hoạt động trong cứ.

Ngày cưới, tháp tùng chú rể là một đoàn hơn chục người, lố nhố súng ống. Để đảm bảo an toàn, cả đoàn nằm phục ở đống rơm ngoài vườn. Cỗ cưới là thức ăn cúng giỗ bà nội và liên hoan cũng âm thầm ngay tại… đống rơm. Lễ xong ai về nhà nấy. Để đảm bảo bí mật hoạt động thời chiến, ngày bà khăn gói về làm dâu không có ai đưa đón. Bà làm dâu 2 ngày rồi trở lại Sài Gòn, tiếp tục hoạt động với tên khác: Lâm Thị Út Một.

Lệnh đình chiến, bà ở với chồng được đúng 1 ngày 1 đêm thì nghe thông báo ông nhận lệnh tập kết. Bà lẳng lặng nhờ thợ may may cho ông 4 bộ đồ thật mới. Ngày ông lên đường, bà cùng ba chồng, anh chồng, chị dâu khăn gói, chèo xuồng rong ruổi theo đoàn người đi từ Tiền Giang đến Đồng Tháp Mười. Đoàn dừng ở đâu, xuồng cập ở gần đó. Có cơ hội là ông lại tranh thủ cho đón vợ lên.

Lần gặp cuối, ông ngập ngừng đề nghị: Hay là tôi xin cho mình cùng đi… Bà giãy nảy: Tôi không cần xin xỏ. Cả ông và bà đều là đảng viên. Ngày ấy, được đi tập kết là một vinh dự, người ở lại cũng lãnh trách nhiệm nặng nề. Khẩu hiệu: Đi vinh quang, ở vĩ đại hầu như ai cũng thuộc nằm lòng. Tinh thần cách mạng, lý tưởng cách mạng, tiếng gọi của Đảng, nhiệm vụ của Đảng giao là trên hết.

Tuy nhiên, sợ bà không chịu nổi lúc chia xa, ông không cho bà ra nơi tàu đỗ. Bà còn nhớ rất rõ, nơi vợ chồng hẹn nhau lần cuối là một gốc me trên gò của Sa Đéc. Chia tay trong im lặng, không một lời hứa hẹn nhưng bà đã chờ ông đúng 21 năm đằng đẵng. 21 năm bà gần như bặt tin chồng. Chỉ có điều, ngày gặp lại vẫn đong đầy nước mắt tủi hờn với một bi kịch khác, nghiệt ngã và đau đớn hơn.

Sống là cho, không chỉ nhận riêng mình

Bà Út Một kể rằng, 10 năm sau ngày tiễn ông đi, bà mới nhận được tin chồng. Không có thư, chỉ có một tấm thiệp vỏn vẹn mấy dòng chữ, đại ý là ông không ngờ 10 năm rồi bặt tin nhau, bà vẫn một lòng thủy chung chờ đợi. So với Nguyệt Nga đợi Vân Tiên xưa thực cũng không bằng bà… Thực ra, trước đó, cũng có tin đồn rằng ông đã hy sinh nhưng bà không tin. Có lá thiếp, bà càng thêm vững tin, rằng nhất định ông sẽ thủy chung, nhất định ông sẽ trở về.

Năm 1968, Lâm Thị Út Một trở thành Quận ủy viên quận 8, Bí thư chi bộ phường Hưng Phú. Chiêu hồi chỉ điểm, bà cùng một loạt cán bộ khác bị bắt. 8 tháng ròng bị tra tấn, chuyển qua không biết bao nhiêu bót, trại giam, địch vẫn không khai thác được gì. 3 người đồng đội bị chúng tra tấn cho đến chết. Nhân đó chị em trong lao bàn nhau biểu tình, không cho địch vào lấy xác. Địch đàn áp, bí mật đưa một số đồng chí ra sông thủ tiêu. Cũng đợt này bà Một và một số đồng chí bị chuyển nhà lao. Nghĩ các đồng chí của mình bị đưa đi thủ tiêu, nhà giam dậy tiếng khóc. Chứng kiến cảnh Út Một bị đưa đi còn có người vợ của một lãnh đạo cấp tỉnh, quen biết với cả hai ông bà. Tin bà bị thủ tiêu nhanh chóng được báo đi.

Cùng thời điểm này, ông Phạm Hùng Vĩnh cũng xin được trở về Nam chiến đấu, bị thương nặng tại Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, các bác sĩ buộc phải đưa ông ngược trở ra Bắc. Đầu bị chấn thương, lại nghe tin vợ hy sinh, ông bấn loạn, bỏ đi lang thang không biết đường về. Tổ chức tìm cách "nối duyên" cho ông với nữ y tá Trần Thị Oanh, mong ông có thể nguôi ngoai thương nhớ mà bệnh tình thuyên giảm. Sau gần 3 năm, mối lương duyên chắp thành. 3 người con trai nối tiếp nhau chào đời.

Về phía bà Út Một, bị đày ra Côn Đảo, đến năm 1973 bà được địch trao trả nhưng hậu quả của những năm tháng tù đày khiến bà yếu gần như liệt. Mãi đến năm 1975, đất nước thống nhất, bà được điều về lại quận 8 làm Chủ tịch Hội phụ nữ quận. Hòa vào niềm vui chung của đất nước, bà hồi hộp ngóng đợi tin ông, chờ ngày vợ chồng trùng phùng, vui hưởng cuộc sống thái bình. Một ngày, người cháu chồng tìm đến, ngập ngừng thông báo: Cậu đã có vợ con ngoài Bắc. Bà chết điếng.

Bà Lâm Thị Út Một hạnh phúc bên cháu nội và những người con riêng của chồng hiện nay.

Chiến tranh, đạn bom, tù ngục, đòn roi của kẻ thù không khuất phục được nhưng nghe tin chồng bà nằm liệt trong bệnh viện cả tuần, gần như không ăn không ngủ. Biết vợ còn sống, ông Phạm Hùng Vĩnh cũng tức tốc xin tổ chức được gửi lại vợ con, trở lại miền Nam.

Ngày đầu tiên đoàn tụ sau 21 năm, bà chỉ lẳng lặng ngồi bên má còn ông ôm vai ngồi khóc. Bà không khóc. Bà bảo không biết tại sao lúc ấy lại có thể lạnh lùng và bình tĩnh đến thế. Thất vọng, oán hận ư? Nhưng bà biết trách ai bởi ngày đó, ngay người ở quê nhà cũng đều tin rằng bà đã bị địch giết từ lâu? Ấy thế nhưng hờn ghen thì cũng chuyện thường tình. Những ngày tiếp theo, bà lẳng lặng sắp xếp giường chiếu cho ông ngủ còn mình thì vác gối đi nơi khác, ông gọi cách nào cũng không được.

Biết mình có lỗi, ông cố tìm mọi cách hàn gắn, kể cả viết thư tuyên bố trả vợ, con ngoài Bắc cho tổ chức nhưng bà vẫn nhất định chuyển lên cơ quan ở. Ngày ấy, tổ sinh hoạt có 24 người thì có đến 16 người cùng chung cảnh ngộ với bà. Uất hận vì niềm tin bị phản bội, nhiều người bàn nhau tìm cách xả giận.

Biết chuyện, đích thân bà Nguyễn Thị Định đã phải tìm đến. Lắng nghe chị em chia sẻ, bớt đi bức xúc, người chị cả ấy mới trầm ngâm bảo rằng: Do hoàn cảnh chiến tranh mới đến nông nỗi ấy. Bây giờ chị em đã qua thì xuân sắc, các ông có bị vợ bỏ thì việc đi lấy vợ khác đâu có khó…

Nghe rồi, các chị giấu mặt vào vai nhau. Cả căn phòng rầm rầm tiếng khóc. Bà Út Một cũng thế. Khóc tức tưởi cho phận mình và cho cả những người bên cạnh họ. Họ có lỗi gì đâu. Cả cuộc đời vắt kiệt cho lý tưởng, gác tất cả hạnh phúc riêng tư cho cái chung, cho vẹn đạo dâu con. Sao số phận bất công với họ? Chung niềm đau, chung phận số nhưng bà Út Một đã chọn cho mình con đường đi, cách ứng xử mà hiếm người đàn bà nào chấp nhận và đủ nhẫn nại để chấp nhận suốt cuộc đời còn lại…

Đi qua giông bão

Trở lại với ông Phạm Hùng Vĩnh, sau nhiều ngày thuyết phục vợ không xong, căn bệnh cũ lại tái phát, ông bỏ đi lang thang. Sợ ông mệnh hệ gì… bà lại gác hết mọi tủi hờn, đón ông về lo thuốc thang. 3 tháng sau, bệnh tình thuyên giảm, ông tuyên bố sẽ không trở lại miền Bắc nữa, nhất định ở lại những mong bù đắp phần nào hạnh phúc cho bà. Biết chồng nói cứng, bà tỏ vẻ không mấy quan tâm cho ông yên lòng. Nhưng bằng sự nhạy cảm phụ nữ, bà hiểu, ông yên tâm sao được khi đàn con thơ vẫn đợi cha chúng trở về. Còn người vợ thứ, bà cũng đâu có lỗi gì?

Không đành lòng giữ ông cho riêng mình, nhân một chuyến công tác ra Bắc, bà bí mật nhờ người thân quen chỉ dẫn đến nơi mẹ con bà Oanh sinh sống. Trở lại miền Nam, cám cảnh cho cuộc sống vất vả cơ cực của mấy mẹ con người vợ thứ, bà thương chồng, thương mình, thương đám trẻ thơ dại. Không nói với chồng, bà lẳng lặng viết thư ra Bắc hỏi thăm, thi thoảng lại gửi tiền, quà về cho đám nhỏ.

Năm 1980, bà gợi ý bà Oanh đưa con vào Nam cho cha con đoàn tụ. Người đàn bà ấy cả đời chưa đến đất Nam, cũng vì nhiều lẽ nữa nên chỉ dám nhờ người thân đưa con đến gặp ông Vĩnh. Nhìn đứa trẻ mặc bộ đồ do chính mình mua gửi ra Bắc ngày nào, bà nhận ngay ra con riêng của chồng. Nhớ lại ngày ấy, Phạm Hùng Tường, người con cả của ông với bà Oanh kể lại rằng lúc đó mấy mẹ con rất ngại mẹ cả. Lần đầu tiên gặp thấy bà gọi ông "con nó về với mình", Tường rất ngạc nhiên.

Ông bà vẫn nói thương cả vạn người thì dễ nhưng cưu mang giúp đỡ được một người cụ thể lại khó hơn gấp bội. Vậy mà người phụ nữ chỉ 43kg như bà lại có một quyết định dũng cảm: cưu mang cả 4 mẹ con người vợ thứ, 4 người cháu, vừa chăm lo người chồng ốm yếu. Chống lại cái đói, hàng ngày, tranh thủ ngoài giờ làm, bà cùng vợ thứ cặm cụi chẻ củi thuê, sớm tối tần tảo ngoài chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào, rau cháo qua ngày.

Người anh cả Phạm Hùng Tường nhớ lại: Nhà chật, 7 thằng nhóc đang tuổi ăn, tuổi nghịch. Chí chóe cãi nhau, còn bày trò nghịch dại, lấy thuốc nổ trong quả pháo nhồi vào ống bơ đốt chơi làm cả nhà một phen kinh hoảng. Cha mẹ giận quá, vác roi đi tìm, cả lũ trốn biệt tăm. Đến bữa cơm, đói quá mới mò về. Cơm canh dọn sẵn mà không thấy ai, tất cả hò nhau đánh chén sạch rồi bỏ nguyên đấy chui vào gầm giường chốn. Lúc ba mẹ về thì cơm canh hết trơn. Thì ra nấu cơm xong không thấy đứa nào về, ba mẹ đổ đi tìm. Nhìn đống bát đĩa ngổn ngang, nghe lục cục trong gầm giường, bà bật cười gọi: ra ngay, mấy ông tướng. Những chuyện nho nhỏ như thế thôi nhưng khiến lũ trẻ ngày càng gắn bó với người mẹ vốn chẳng ruột rà gì.

Mấy năm sau, 4 người cháu lần lượt vào trường Thiếu sinh quân, đón về quê. Không chống nổi bệnh tật, di chứng chiến tranh để lại, năm 1985, ông Phạm Hùng Vĩnh về dưới suối vàng. Lúc lâm chung, ông nắm tay bà Út và người con lớn trăng trối: Các con cố mà núm níu lấy mẹ cả, khôn lớn nên người…

Hai người đàn bà gạt nước mắt, lại làm quần quật nuôi con. Ít năm sau, bà Trần Thị Oanh cũng theo ông, bỏ lại 3 đứa con cho một tay bà nuôi nấng. Ngày người vợ thứ mất, bà đã để dành sẵn bên nơi ông nằm một phần mộ trống, dự tính sau này ai về với đất trước sẽ đặt cạnh bên ông. Đoán biết bà đặt mình bên mộ người chồng quá cố, bà Oanh nằng nặc không chịu. Bà bảo rằng nếu chị cả làm thế, bà chết cũng không nhắm mắt được. Cả đời chị cả thiệt thòi. Cha đám nhỏ là chồng của chị cả thì phải trả về cho chị cả. Bà chỉ xin được đưa về quê ngoại, đặt nằm bên cạnh má của bà Út vì lúc sinh thời ngoại thương bà Oanh như con gái…

Người đi yên phận nhưng người sống còn nhiều vất vả lo toan. Thấm thoắt cũng đã mấy chục năm. Khi chúng tôi đến ngôi nhà thủa xưa của đại gia đình bà Út sinh sống, cả ba người con trai riêng của ông Vĩnh với bà Oanh đã trưởng thành.

Nghe chúng tôi hỏi, cho đến bây giờ bà có thấy số phận bất công với mình quá không, bà chỉ cười hiền lành bảo: Chiến tranh mà, có ai muốn thế. Đúng lúc ấy, cô cháu gái chưa đầy 3 tuổi được má bế lên, sà vào ôm bà, bi bô: con yêu nội nhất! Căn nhà chộn rộn tiếng cười.

Nhìn khuôn mặt bà sáng ngời nụ cười vui đoàn viên bên các con cháu, chúng tôi chợt ngộ ra: Hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ ấy, dù rằng hoàn toàn không có được từ một chút ưu ái của số phận. Nói đúng hơn, hạnh phúc ấy chính là kết quả từ bản lĩnh, từ hành trình hóa giải những nghiệt ngã của số phận bằng chính trái tim yêu thương của bà, Lâm Thị Út Một, người nữ cựu tù Côn Đảo kiên trung năm nào

Ngọc Nguyễn
.
.
.