Người vượt biển chở vũ khí vào Nam

Thứ Tư, 20/01/2010, 14:57
Xuân này, ông Huỳnh Ba đã bước sang tuổi 85, nhưng trông vẫn rắn rỏi. Ông hiện ở làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Cho đến mấy năm gần đây, dân làng mới biết quá khứ hào hùng của ông với kỳ tích từng tham gia đoàn thuyền không số, chở vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam.

Chuyến đi đêm 30 Tết Canh Tý - 1960

Chúng tôi tình cờ biết chuyện về ông, một Bí thư Chi bộ Đảng của một tổ 6 người điều khiển chiếc thuyền chở 5 tấn vũ khí, quần áo, thuốc men từ miền Bắc vào cho bộ đội và du kích Khu V trên đường Hồ Chí Minh trên biển, ra đi chiều tối 30 Tết Canh Tý, tròn 50 năm trước, khi xem bộ phim tài liệu "Đường mòn trên biển Đông" phát trên Đài Truyền hình Việt Nam một ngày gần đây.

Để hiểu rõ về cuộc đời tham gia cách mạng của ông, về chuyến đi gian khổ vất vả của các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, chúng tôi đã tìm đến nhà ông. Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Ba đã vui vẻ kể: Đầu năm 1960, Tiểu đoàn 603 (tên công khai là Tập đoàn đánh cá miền Nam) được giao nhiệm vụ chở vũ khí, quân trang, thuốc men vào cung cấp cho bộ đội và nhân dân Khu V. Lợi dụng có đợt gió mùa đông bắc lớn tràn về, Tiểu đoàn quyết định cho thuyền nhổ neo vào đêm 27/1/1960, tức 30 Tết Canh Tý, để tạo thế bất ngờ, bí mật.

Thuyền chúng tôi thuộc đại đội 1, có 6 người từng tham gia vận chuyển từ Khu V vào Khu VI bằng đường biển trong kháng chiến chống Pháp, gồm: đồng chí Nguyễn Bất (quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam) - Đại đội trưởng là thuyền trưởng; Trần Mức (quê ở Quảng Ngãi) là thuyền phó; tôi (Huỳnh Ba) là Bí thư Chi bộ; Nguyễn Sanh (quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam); Huỳnh Sơn (quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) và Nguyễn Nữ (quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Đến nay, các đồng chí, đồng đội của tôi đều đã hi sinh hoặc qua đời vì tuổi già.

Tôi còn nhớ, hôm đó, bên bờ sông Gianh, Quảng Bình, cuộc chia tay lặng lẽ mà cảm động, đồng chí Lưu Đức và Hà Văn Xá - chỉ huy tiểu đoàn và anh em đưa tiễn ôm chặt từng người trong đội thuyền. 18 giờ, con thuyền rời bến, đi về hướng Đông Nam. Cùng lúc đó, một bức điện tín được bí mật truyền vào: giao hàng ở bến Hố Chuối từ đêm mồng 1 Tết âm lịch.

Đêm đầu, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế, với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân cập bến Hố Chuối. Ngày hôm sau gió từ cấp 5-6 tăng lên cấp 7-8, sóng lớn, 6 người cố chèo chống nhưng thuyền cứ dạt mãi về phía Nam, đã vậy thuyền lại gãy mất một lái. Đêm Mồng 1 Tết, thả lái phụ xuống thì cũng gãy nốt, sửa mấy lần không được, đành để thuyền trôi theo sóng. Sáng mồng 4 Tết, chúng tôi nhận ra đảo Lý Sơn, biển đã lặng, ngư dân đổ ra đánh cá nhiều, thuyền bọn địch nhiều. Thấy nguy cơ bị lộ, chúng tôi quyết định thả vũ khí quân trang xuống biển.

Ông Huỳnh Ba và chắt ngoại.

Chiều hôm đó chúng tôi bị địch bắt, tất cả đều khai là dân đánh cá, bị bão trôi dạt về đây. Bọn địch không tin. Chúng giam chúng tôi ở đảo Lý Sơn một thời gian, sau đó đưa vào đất liền để tra khảo. Không khai thác được gì, chúng đưa tiếp ra Huế, giam ở Toà Khâm và Chín Hầm. Tháng 4/1960, chúng đưa chúng tôi về Đà Nẵng rồi vào nhà lao ở Chí Hòa, nhà lao Gia Định…

Tôi với tư cách là Bí thư Chi bộ đã khai nhận hết về mình: "Tôi là chủ một thuyền của Tập đoàn đánh cá miền Nam, những anh em trên thuyền do tôi kêu làm công đánh cá", nên chúng chỉ giam các anh em 3 năm rồi trả tự do, còn tôi bị đày ra Côn Đảo.

Ở Côn Đảo một thời gian, địch lại đưa về Sài Gòn tra khảo, đi lại tới 12 lần, chúng vẫn không khai thác được gì liên quan đến bí mật con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Mãi đến năm 1974, tôi mới được thả ra, tôi lần tìm về được đến quê hương Nam Ô thì cũng là lúc miền Nam được giải phóng.

Cuộc đời theo cách mạng

Ông Huỳnh Ba được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948 khi vừa tròn 23 tuổi. Chúng tôi cứ ngỡ là ông đã nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nhưng thật bất ngờ khi nghe ông nói: "Bản thân tôi do hoạt động bí mật, rồi ra Bắc tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chở hàng vào Nam, bị địch bắt, cầm tù. Đất nước hoà bình thì đồng đội, những người quen biết đã hi sinh, không còn còn ai để chứng thực cho tôi. Rất may sau đó, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tìm ra tôi và chứng nhận tôi tham gia đội thuyền không số, bị địch bắt, giam cầm và tôi được hưởng chế độ thương binh 2/4... Trong kháng chiến 9 năm, tôi nhiều lần dong thuyền chở vũ khí từ Khu IV vào cập bến Cửa Lở - An Hoà, Tam Kỳ (Quảng Nam). Một lần bị địch phát hiện, tôi đã kịp phi tang vũ khí, quân trang xuống đáy sông. Chúng không tìm ra bằng cớ gì, chỉ kết án tôi tù treo vì tội buôn lậu. Rồi tôi trốn tù ra Khu IV đóng thuyền chở hàng hoá, vũ khí vào Khu V…

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi được Đảng phân công làm cán bộ nằm vùng tại Nam Ô ở trong nhà một cơ sở cách mạng. Ông Đào Ngọc Chua - Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang lúc đó đã mai mối tôi với cô con gái lớn tên là Nguyễn Thị Nghĩa. Tôi tiếp tục tạo vỏ bọc hợp pháp để hoạt động, chủ yếu là làm giao liên đưa, nhận tài liệu, hàng hoá từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn, Nha Trang,… và ngược lại bằng tàu hoả. Nhưng sau đó đường dây giao liên vận chuyển bằng tàu hoả bị lộ, tôi phải lên căn cứ, làm giao liên đưa cán bộ từ miền Bắc vào. Đến tháng 8/1959, tôi đi bộ ra Ban thống nhất Trung ương và nhận nhiệm vụ về Tập đoàn đánh cá miền Nam tổ chức đưa thuyền chở vũ khí, thuốc men vào miền Nam."

Vợ ông - bà Nguyễn Thị Nghĩa năm nay đã 82 tuổi, từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, có nhiều đóng góp đối với cách mạng. Giờ cả hai ông bà tóc đã bạc phơ, vui thú tuổi già với việc trông nom, chăm sóc 3 chắt ngoại cho ba mẹ các bé đi làm. Được Nhà nước trợ cấp chế độ thương binh 2/4, hàng tháng, chi tiêu chưa đủ, nhưng hai ông bà vẫn vui vẻ, bởi theo ông … "So với bao đồng đội đã ngã xuống mình còn sống là may mắn lắm rồi!"

Viết Nam
.
.
.