Người thương binh và cuốn nhật ký chôn cất đồng đội

Thứ Sáu, 27/07/2012, 22:08
Ở cái tuổi đáng lẽ được an nhàn, thanh thản bên con cháu, ông lại một mình khăn gói về lại chốn xưa cùng với cuốn sổ ghi chép, nó tựa như cuốn nhật ký mà gần 50 năm về trước, ông đã cẩn thận ghi lại họ tên, phiên hiệu đơn vị, vị trí, sơ đồ mỗi khi thêm một đồng đội phải nằm lại mãi mãi không về.

Với ông Nguyễn Duy Quyết, một cựu binh sau gần 20 lăn lộn ở khắp chiến trường Đông Nam Bộ, tận mắt chứng kiến đồng đội mình ngã xuống, tự tay khâm liệm, chôn cất đồng đội giữa rừng bạt ngàn, thì thời gian vài chục năm lùi xa của ký ức vẫn như mới ngày hôm qua. Thế rồi, ở cái tuổi đáng lẽ được an nhàn, thanh thản bên con cháu, ông lại một mình khăn gói về lại chốn xưa cùng với cuốn sổ ghi chép, nó tựa như cuốn nhật ký mà gần 50 năm về  trước, ông đã cẩn thận ghi lại họ tên, phiên hiệu đơn vị, vị trí, sơ đồ mỗi khi thêm một đồng đội phải nằm lại mãi mãi không về.

Nhiều năm nay, những thông tin về liệt sĩ do CCB, thương binh Nguyễn Duy Quyết cung cấp cho Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đều có độ chính xác cao, gần như 100% mộ tìm được, sau khi giám định ADN đều đúng danh tính liệt sĩ… Những dòng giới thiệu vắn tắt về ông trong buổi họp báo của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chuẩn bị cho chương trình giao lưu nghệ thuật "Tri ân liệt sĩ" vào tối 24/7 tại Nhà hát lớn Hà Nội, đã thôi thúc tôi phải gặp ông cho bằng được.

Dù đã bước sang tuổi 62, người cựu chiến binh ấy vẫn giữ được dáng vẻ tinh nhanh của một người lính trinh sát thuở nào. Ông bắt xe đò từ Thái Nguyên về Hà Nội để chuẩn bị cho đêm giao lưu nghệ thuật nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ theo đề nghị của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Đã hơn 10 năm nay, tất thảy những hoạt động liên quan đến tìm đồng đội, đến các gia đình liệt sĩ, ông cũng đều hăm hở lên đường. Vẻ phúc hậu hồng trên gương mặt của một người lính, một vị chỉ huy thuộc Sư đoàn 1 rồi Lữ đoàn 1 hoạt động từ Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, hải đảo phía Nam, sang cả nước bạn Campuchia, khiến chúng tôi lớp trẻ chỉ biết chiến tranh qua sách vở, có một niềm tin chắc chắn rằng ông sẽ không bao giờ ngồi yên, lặng im khi đã từng nghe những lời trăn trối cuối cùng của đồng đội mình.

Từ năm 2005 đến nay, ông đã tự bỏ tiền, lụi cụi bắt xe khách, đi tàu vào các tỉnh phía Nam từ An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, vào tận Quân đoàn 3 (Tây Nguyên), Quân khu 7 (miền Đông Nam Bộ), Quân khu 9, sang 4, 5 tỉnh của Campuchia, nơi theo sổ nhật ký ông luôn mang bên mình, vận dụng trí nhớ để vẽ lại sơ đồ báo cho các cơ quan chức năng, đội quy tập địa phương đào thăm dò. Lạ kỳ thay dù khung cảnh, địa hình, địa vật sau mấy chục năm đã nhiều thay đổi, nhưng kết quả với sơ đồ của ông, tất thảy đều tìm được chính xác mộ.

Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Duy Quyết luôn đau đáu khi cuốn nhật ký của ông vẫn còn 200 liệt sĩ chưa tìm được mộ.

Những chuyến đi của ông lại làm dầy lên kỷ niệm. Nhưng với ông thì ngày ông tìm được mộ của đồng chí liên lạc Trần Công Hoan (quê Hải Đường-Hải Hậu-Nam Định), hy sinh tháng 10/1973, người được chính ông, lúc ấy là Chính ủy viên phó Đại đội 21, Trung đoàn 44, Sư đoàn 1, chôn cất trong một ngôi chùa ở tỉnh Tà Keo-Campuchia. Đấy là năm 2006, ông trở lại tìm thì ngôi chùa đã bị phá bỏ, không còn dấu tích. Không chịu bỏ cuộc vì trong cuốn sổ của ông ghi rõ vị trí mộ, lấy mốc từ tam cấp, đo ra 20 thước, mặt quay về hướng Bắc, với sự giúp đỡ của người dân địa phương, ông đã tìm nền của ngôi chùa. Đo đạc và xác định vị trí, ông đã tìm thấy chính xác ngôi mộ. Thi thể liệt sĩ vẫn còn nguyên vẹn, mở túi áo ngực của anh, ông đã khóc khi tìm thấy bức ảnh người con gái, có lẽ là mối tình đầu của chàng giao liên trẻ tuổi, và hình cây thánh giá. Chỉ tiếc rằng khi lấy tấm ảnh ra khỏi ngực áo thì do tác động của nhiệt độ, ánh sáng, bức ảnh đã biến dạng, nhòe hết hình ảnh, không ai còn nhìn thấy gương mặt của cô gái. 

Cho đến thời điểm này, với những lá thư cung cấp thông tin liệt sĩ, các đội quy tập đã tìm được hơn 1.000 mộ liệt sĩ, bản thân cựu binh Nguyễn Duy Quyết trực tiếp đi tìm, đi cùng gia đình liệt sĩ, hoặc gián tiếp báo thông tin nơi có mộ, đã có 500 gia đình liệt sĩ tìm được mộ người thân, đưa liệt sĩ trở về quê hương trong niềm xúc động khó diễn tả bằng lời. Những lá thư cảm ơn, nghẹn ngào từ khắp nơi gửi về địa chỉ nhà ông ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Chừng ấy, đối với ông là quá đủ, ông đang đến gần cái đích hoàn thành tâm niệm đối với đồng đội đã hy sinh.

Lúc này, tài sản quý giá mà ông luôn giữ vẫn là cuốn sổ ghi chép, cuốn nhật ký của thời máu lửa, vẫn còn danh sách 200 liệt sĩ đang ở lại những nơi rừng rậm, địa hình khó khăn, ông chưa có điều kiện đi thẩm tra. Nhưng lòng người cựu chiến binh, thương binh hạng 4 vẫn phơi phới niềm tin, rồi ông sẽ lại tiếp tục lên đường trả lại tên cho đồng đội của mình

Thu Uyên
.
.
.