Người thương binh chữa bỏng cứu người

Thứ Ba, 23/11/2010, 10:12
Ông Thoàn "bỏng" là cái tên mà mọi người vẫn gọi thương binh hạng 1/4 Đào Viết Thoàn ở xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", vượt qua nỗi đau về thể xác, người thương binh này đã mày mò kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để chữa bỏng cho mình và cho người.

Suốt 21 năm qua, ông đã điều trị khỏi cho 18.298 bệnh nhân bỏng đến từ mọi miền trên cả nước. Trong quá trình chữa trị, ông luôn nêu cao y đức của người thầy thuốc, quan tâm chia sẻ khó khăn với các bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách.

Đã có hàng ngàn bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi, các cháu nhỏ dưới 3 tuổi... được ông miễn tiền thuốc, tiền công, tiền giường nằm, điện, nước khi điều trị.

Từ nỗi đau của bản thân

Năm 1976, đang là công nhân Nhà máy Điện Uông Bí, Đào Viết Thoàn tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính xe tăng Lữ đoàn 408. Cuối năm 1979, trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, anh bị thương và được đơn vị đưa về điều trị tại Viện Quân y 103 với những vết thương rất nặng, tưởng chừng không sống nổi.

Toàn thân Thoàn bị đạn pháo bắn nát và cháy sạm 2/3 cơ thể, anh phải khoét bỏ mắt trái, cắt khớp gối và toàn bộ 2 cơ mông, bị chấn thương sọ não, vỡ mỏm thái dương bên phải, cắt tai phải, gãy nát 3 xương sườn...

Sau hai năm ròng rã, đánh vật với ngần ấy vết thương găm trong người và phải lên bàn mổ chục lần, nỗi đau đớn đã đẩy tận cùng sức chịu đựng của cơ thể, có lúc tưởng như đánh sập mọi ý chí của anh.

Nhưng may mắn thoát khỏi bàn tay thần chết, một câu hỏi cứ chập chờn, ám ảnh trong anh: tại sao con người phải chịu những nỗi đau ghê gớm ấy? Có cách gì chế ngự nó, chấm dứt nó trong thời gian ngắn nhất? Lại ngẫm thân phận bi đát của mình làm gì để thoát khỏi gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.

Với suy nghĩ đó, anh gạt bỏ mọi khó khăn, quyết chí vươn lên, gắng luyện tập sức khoẻ, không chịu khuất phục nỗi đau của thương tật, vượt lên hoàn cảnh và số phận. Thế rồi, nhiều vết thương đã thành sẹo nhưng riêng vết thương ở bàn chân mãi không lành. Viện Bỏng đã cấy ghép nhiều lần mà vẫn không thể liền được.

Cảm thông với khát vọng của anh, các bác sỹ Bệnh viện 103 giới thiệu anh đến sư cụ Thích Đàm Lương trụ trì chùa Trắng, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội. Sư cụ cùng nhà chùa đã chế ra loại thuốc sinh cơ, nuôi thịt điều trị vết thương, vết bỏng cho các thương bệnh binh, bệnh nhân.

Bài thuốc mà sư cụ chữa cho Đào Viết Thoàn có những ưu điểm rất đặc sắc. Khi đắp vào vết bỏng hoặc bị chấn thương đều rất mát, không hề xót; thuốc nhanh chóng hút các chất bị hoại tử ra ngoài, đồng thời nuôi, kích thích tế bào còn sống. Đặc biệt khi bóc ra thay băng không hề dính vết thương.

Sư cụ Đàm Lương lúc đó đã 96 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Nhìn thấy hoàn cảnh của Thoàn, sư cụ rất thương cảm. Dù tuổi đã cao nhưng sư cụ vẫn đêm ngày tận tình đắp thuốc cho anh. Ban đầu sư cụ trực tiếp đắp thuốc, về sau vết thương có tiến triển tốt, cụ hướng dẫn cho anh tự điều trị. Sau hai năm trời, vết thương ở bàn chân Thoàn mới lành lại được.

Biết mình là người tàn tật, về quê cũng chẳng làm được gì nên Đào Viết Thoàn xin đơn vị được chuyển về ở hẳn trong chùa để vừa chữa bệnh, vừa tìm tòi học hỏi bài thuốc của thầy. Thấy anh là người có quyết tâm, nghị lực, sáng dạ, chịu khó, sư cụ đã tận tình chữa khỏi bệnh cho anh, đồng thời nhận làm đệ tử và dạy cho anh bí quyết chế thuốc và cách chữa bỏng. Sau 7 năm ở chùa vừa chữa khỏi bệnh vừa học được cách chế thuốc và phương pháp điều trị, năm 1987 anh về quê đoàn tụ và điều dưỡng tại gia đình.

Đến chữa bỏng cứu người

Năm 1987, thương binh nặng Đào Viết Thoàn trở về quê hương với tài sản duy nhất là bài thuốc chữa bỏng bí truyền và vốn kiến thức y học tích lũy trong 5 năm. Với bài thuốc quý học được từ thầy Thích Đàm Lương, ngay sau khi về quê anh đã đưa ra ứng dụng. Trong một lần do sơ suất, một người hàng xóm của anh bị nước sôi đổ vào người. Vết bỏng rất nặng phải cấp cứu, anh lập tức dùng bài thuốc của sư thầy đắp lên vết bỏng. Vết bỏng nhanh chóng khô ráo, lên da non. Vài ngày sau người hàng xóm bình phục, vết bỏng không để lại sẹo.

Tiếng lành đồn xa, ban đầu chỉ là những người bị bỏng trong làng đầu xóm tìm đến, dần dần người bị bỏng khắp nơi tìm về. Căn nhà của anh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các bệnh nhân bỏng từ trong Nam ngoài Bắc, trong đó nhiều người bị bỏng nặng đã chữa trị nhiều nơi. Được biết, hơn 21 năm qua, thương binh nặng Đào Viết Thoàn đã chữa trị thành công cho trên 18.000 bệnh nhân bỏng, chấn thương ở nhiều tỉnh, thành phố...

Ghi nhận những đóng góp trong việc chữa bệnh cứu người bảo vệ sức khỏe nhân dân, thương binh nặng Đào Viết Thoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành. Ông còn là tấm gương tiêu biểu cho phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của tỉnh Thái Bình

Thanh Phú
.
.
.