Người thiết kế xe đặc biệt

Thứ Năm, 02/06/2005, 08:02

Họa sĩ Lê Minh Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Mỹ thuật Đài Truyền hình Việt Nam, là người duy nhất thiết kế chiếc xe đặc biệt, đó là xe tang để đưa các nguyên thủ quốc gia và tướng lĩnh LLVTND Việt Nam về cõi vĩnh hằng.

Hơn 30 năm là họa sĩ thiết kế mỹ thuật, họa sĩ Lê Minh Sơn đã có nhiều đóng góp cho ngành hội họa nước nhà. Ông trực tiếp làm hàng trăm chương trình nghệ thuật, là tác giả của hình hiệu đầu tiên trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam; nhiều hình hiệu, đài hiệu cho các tỉnh, thành trong cả nước và là chủ nhân hàng chục huy chương cho các tác phẩm nghệ thuật ở trong cũng như ngoài nước.

Nhà riêng họa sĩ nằm trong một ngõ nhỏ của phố Giảng Võ, Hà Nội. Căn hộ của ông ngổn ngang những tranh... và tranh. Chỉ vào những bức vẽ treo trên tường, ông nói với chúng tôi: “Mỗi tác phẩm đều gắn bó với những kỷ niệm vui buồn trong đời sáng tác của mình. Bây giờ về hưu rồi nhưng “máu” nghề vẫn không thay đổi”. Khi được hỏi về mẫu thiết kế xe tang cho các nguyên thủ quốc gia và tướng lĩnh, đôi mắt của người họa sĩ già rạng rỡ hẳn lên: “Đấy là một tác phẩm đặc biệt và đáng nhớ nhất”. Ngược thời gian hơn 25 năm về trước, ông kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của chiếc xe đặc biệt này. Câu chuyện thật là thú vị...

Năm 1978, khi đang công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam, họa sĩ Lê Minh Sơn được Ban Nghi lễ của Chính phủ và Bộ Quốc phòng cử vào Ban tang lễ, chịu trách nhiệm thiết kế xe tang cho nguyên thủ quốc gia và tướng lĩnh từ trần. Nhiệm vụ mới mẻ và hơi “lạ” làm cho ông rất lo lắng. Nhưng ông nghĩ, cấp trên có tin tưởng thì mới giao cho mình làm. Mình phải tự hào về điều đó để có quyết tâm làm chứ. Nhiều ngày liền, ông tập trung nghiên cứu tài liệu, xem băng hình, tranh ảnh về mẫu xe tang của nhiều nước trên thế giới. Hồi đó, Chính phủ Mông Cổ có tặng chúng ta 12 con ngựa và gợi ý ta làm xe tang theo mẫu của bạn. Bàn đi tính lại nhiều lần, ông thấy phương án này không ổn, vì người Việt mình dùng ngựa chưa quen, nó cũng không hợp với phong tục truyền thống. Vả lại, cỗ xe do ngựa kéo trong các lễ lớn thì rủi ro cũng lớn.

Họa sĩ Lê Minh Sơn tham khảo mẫu xe của các nước Pháp, Đức... Ở các nước này, họ đặt linh cữu trên mâm pháo và kéo bằng xe bọc thép. Nó thể hiện được sức mạnh, sự hoành tráng và rủi ro cũng khó xảy ra. Nhưng phải vận dụng mẫu này như thế nào vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam? Ông chợt nhớ đến lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh và Tướng Phùng Thế Tài khi giao nhiệm vụ cho ông: “Xe tang phải vừa thể hiện sự uy nghiêm, vừa phải đậm chất dân tộc. Nhìn phải đúng là “xe Việt Nam”, “linh cữu Việt Nam”.

Từ định hướng này, ông suy nghĩ để cho ra đời mẫu phác thảo. Nhiều đêm đang ngủ nghĩ ra một chi tiết hay, ông bật dậy bổ sung vào ngay bản vẽ. Không hài lòng với những gì đã có, ông liên tục điều chỉnh bản vẽ của mình. Đã không biết bao nhiêu lần ông vẽ rồi xé đi, vẽ lại. Hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc mình làm nên ông suy nghĩ rất cẩn trọng, lao động với trách nhiệm cao nhất.

Hơn một tháng sau, họa sĩ Lê Minh Sơn đã hoàn thành ba mẫu thiết kế: Cấp nguyên thủ quốc gia linh cữu đặt trên mâm pháo có khắc dòng chữ “Tổ quốc ghi công” với hình 100 cánh sen tượng trưng cho trăm tuổi thọ; lãnh đạo cao cấp Nhà nước linh cữu đặt trên mâm pháo 130 ly; cấp tướng đặt trên mâm pháo 120 ly, mâm pháo được kéo bởi ôtô ZIL - 131 đã thiết kế lại. Dùng ôtô ZIL - 131 (sau này dùng xe GAZ 66) đỡ cồng kềnh hơn xe bọc thép mà vẫn mang nét uy nghiêm bởi nòng pháo đại bác hướng về phía sau. Tấm meca trong suốt dùng để úp trên linh cữu cùng với 100 cánh sen hồng, lư hương đồng đặt trên đầu bệ pháo được khắc chạm hoa văn hình mái đình, mái chùa rất gần gũi với mỗi người dân Việt Nam.

Họa sĩ Lê Minh Sơn không chỉ dừng ở công đoạn thiết kế mà ngay trong quá trình thực hiện chế tạo xe theo mẫu, ông cũng có những đề xuất rất sáng tạo và hiệu quả. Ở công đoạn nâng linh cữu lên mâm pháo sao cho những cánh sen không che khuất, những người thực hiện định dùng dòng điện 21 vôn của ắcquy, qua hệ thống bánh răng kích lên. Nhưng thực tế, dùng phương án này quá... mạo hiểm, vì trường hợp không may mất điện hoặc ắcquy không đủ điện... thì không thể xử lý ngay được. Họa sĩ Lê Minh Sơn đã nghĩ ra sáng kiến: dùng lực của đòn bẩy qua hệ thống “quả đào” để nâng linh cữu lên. Hai “quả đào” thép được chế tạo và đặt dưới mâm pháo. 4 vệ binh đứng hai bên dùng tay quay để từ từ nâng hai “quả đào” lên. Linh cữu được nâng chính xác và an toàn.

Sau khi Tướng Phùng Thế Tài - Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam trực tiếp phê duyệt mẫu thiết kế, họa sĩ Lê Minh Sơn và những người thợ của Viện Thiết kế cơ giới, Bộ Quốc phòng, đã miệt mài lao động suốt hơn 3 tháng ròng. Chiếc xe tang hoàn thiện được các đồng chí trong Ban tang lễ Nhà nước và Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đánh giá cao.

Không lâu sau, một trong những chiếc xe này đã đưa cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng về nơi an nghỉ cuối cùng. Các mẫu xe này cho đến nay vẫn không có gì thay đổi. Là thành viên của Ban tang lễ Nhà nước nên mỗi lần có tang lễ lớn, họa sĩ Lê Minh Sơn đều có mặt để kiểm tra lại xe tang và hướng dẫn sửa chữa cần thiết.

25 năm đã qua nhưng  mẫu thiết kế xe tang với lời phê “Đồng ý mẫu này” và chữ ký của Tướng Phùng Thế Tài vẫn được họa sĩ Lê Minh Sơn nâng niu, cất giữ cẩn thận. Với ông, đây là tác phẩm đặc biệt, một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình

Trần Hoàng Tiến - Nguyễn Việt Hùng
.
.
.