Người thầy giàu nghị lực

Thứ Tư, 26/08/2009, 15:26
Có một người thầy cả đời cần mẫn trên cương vị của một người lái đò, đưa bao lớp học trò qua sông. Hiện nay dù đã gần 70 tuổi, sức khoẻ yếu, điều kiện dạy học vô cùng khó khăn nhưng thầy vẫn nhiệt tình dạy dỗ các em trong căn phòng bé nhỏ của mình.

Người thầy nhiều nghị lực

Tôi đến gặp thầy Triệu Văn Giới thôn Phù Thượng (xã Thắng Lợi - Văn Giang - Hưng Yên) khi thầy đang lên lớp. Những ngày hè nóng nực này, thầy vẫn đều đặn dạy học trong căn phòng chật hẹp nhà mình. Trước mặt tôi là một ông già lưng gù, mắt kém, chẳng ngờ đây là thầy giáo đã từng đào tạo rất nhiều học sinh giỏi và thi đỗ vào nhiều trường đại học lớn. Và đã hơn 40 năm làm nghề "chèo lái con đò chữ nghĩa". Nhìn vào hình dáng bên ngoài, tôi biết rằng để dạy được những lớp học trò giỏi, ông phải cố gắng đến thế nào.

"Tôi chỉ có thể dạy học vì sức khỏe không cho làm việc nặng", thầy Giới nói. Trước đây mỗi ngày thầy dạy hai ca, mỗi ca khoảng 30 học sinh. Mấy năm nay vì mệt, thầy chỉ dạy một ca cho các em học lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10. Nhìn vào ngôi nhà cũ nát, tôi thắc mắc: gần 70 tuổi thầy vẫn không xây nổi một cái nhà đàng hoàng.

Thầy Giới cười: "Có sao đâu, như thế này là đủ lắm rồi. Tôi vẫn động viên con cái học lên cao học cho biết. Thực sự tôi giàu có vì cả ba đứa con tôi đều đã thành đạt, một đứa học Đại học Giao thông Vận tải, hai đứa học Đại học Sư phạm I, nhà tôi tính cả dâu, con và tôi thì có tới 5 người dạy học". Thầy Giới còn tự hào kể với tôi rằng thầy là giáo viên duy nhất của hệ 7+2 (hệ phổ thông 7 năm khi chưa cải cách cộng hai năm học trung cấp sư phạm) tồn tại đến tận bây giờ. Học xong Trung cấp Sư phạm Hưng Yên, thầy Giới về công tác tại Trường Cấp II Thắng Lợi - Văn Giang - Hưng Yên. Vì căn bệnh cột sống quái ác, thầy đã phải nghỉ dạy từ năm 1982 vì không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ (thầy bị thoái hoá cột sống từ năm 17 tuổi và không thể đứng thẳng người cũng như quay cổ).

Thầy Giới trong giờ lên lớp.

Về nhà với sức khoẻ yếu, ba đứa con đang tuổi đi học, bố mẹ già, tưởng chừng không thể vượt qua khó khăn đời thường và sức ép tâm lý. Thầy tâm sự: "Có lúc nhà tôi tưởng như vỡ nợ. Cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ mấy sào ruộng". Khi về mất sức, Nhà nước trả lương đến năm 1991 rồi thôi, từ đó kinh tế gia đình thầy bế tắc thực sự. Thế rồi một số học sinh cũ đã lập gia đình tin tưởng thầy nên gửi con nhờ kèm cặp. Kết quả học tập của các cháu khá lên rõ rệt. Số học sinh được bố mẹ đưa đến nhờ thầy kèm đông dần lên. Sau đó, thầy nghĩ đến chuyện nên thành lập một lớp để dạy các em, sẽ có kết quả tốt hơn.

Từ lớp học trong căn nhà cũ nát của thầy đã có nhiều em trở thành học sinh giỏi, nhiều em đỗ đại học. Có gia đình cả hai chị em đến học thầy đều đỗ vào Khoa Toán ĐH Tổng hợp. Trước đây, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đến học, thầy không lấy tiền. Hiện nay kinh tế có khá hơn, thầy lấy mỗi em 25 ngàn/tháng. Với thầy, thu nhập như vậy là tốt rồi, đủ để hai ông bà sống tằn tiện. Như thầy nói, chẳng cần phải tích luỹ, vì "tôi nuôi con tôi như vậy, chẳng lẽ khi không làm được gì nữa, chúng lại bỏ rơi tôi?".

Cần chú ý phương pháp dạy và chất lượng học sinh

Tình hình dạy và học hiện nay có nhiều bất cập mà theo thầy Triệu Văn Giới là do cơ chế. Điều này làm thầy rất bức xúc. Ví như chuyện rất nhiều gia đình ở xã ông đã xin cho con mình được lưu ban vì thấy nó học yếu quá mà không được. Ở lớp 1 các cháu không biết gì vẫn được đẩy lên lớp 2, lớp 2 đẩy lên lớp 3 để có thành tích, đủ quân số, cứ như vậy, sẽ biến các em thành ra mất gốc, trống rỗng.

Thầy Giới tâm sự: "Tôi dạy học ở nhà 15 năm nay, càng ngày thấy lực học của các cháu càng thụt lùi. Không phải do bố mẹ các cháu nghèo không cho đi học, bắt lao động, mà là các phương tiện vui chơi giải trí bùng nổ, bố mẹ lại không quản chặt chẽ nên các cháu bị cám dỗ, sa đà quên đi học hành, dẫn đến chất lượng giảm. Thầy khẳng định: "Học sinh mất gốc là lỗi của người thầy. Thầy dạy, năng lực của học sinh như thế nào thầy phải nắm rõ để có cách dạy cho từng đối tượng phù hợp”.

Theo kinh nghiệm của thầy, để một giáo viên THCS có thể dạy tốt môn toán thì phải mất bốn năm người đó nhiệt tình với công việc. Anh ta phải dạy từ lớp 6 đến lớp 9 và phải tư duy một cách có hệ thống. Dạy thế mới giúp học sinh hình dung kiến thức dễ dàng. Từ kinh nghiệm của nhiều năm qua, thầy nhớ như in tất cả các kiến thức và chúng đã sắp xếp sẵn trong đầu, chỉ việc lấy ra khi dạy. Sách tham khảo là đáng quý nhưng không phải loại sách nào cũng quý. Từ đó, thầy sẵn sàng mách cho các em biết những loại sách nào nên học và nên mua, để tránh mua phải những loại sách kém chất lượng, tiền mất mà vẫn dốt.

Nhưng quan trọng đối với thầy là dạy cho học trò lẽ sống. Phải sống làm sao cho tốt. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, lớn lên làm việc lớn, đừng bao giờ làm sai. Thầy còn dặn học sinh nào sau này mơ ước và có hướng làm giáo viên, thì cũng nên giữ cho cái cốt cách luôn luôn sáng trong. Sống ở đời, cái nghĩa, cái tình là quan trọng.

Cốt cách của một thầy giáo nhiều nghị lực như thầy Triệu Văn Giới khiến bà con, phụ huynh và học sinh kính trọng, nể phục. Tôi hiểu rằng, trăm nói không bằng một làm. Chúng ta nói nhiều đến chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, vẫn có những em ngồi nhầm lớp, mất gốc, tại sao không tham khảo cách làm của thầy Giới?

Nguyễn Văn Hoan
.
.
.