Người thầy giáo mê vẽ Bác Hồ

Thứ Ba, 12/04/2005, 07:21

Ở Quảng Bình, nhiều người gọi ông là thầy giáo, cũng có nhiều người gọi ông là họa sĩ, một số gọi ông là nhà văn. "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề" - cha ông ta bảo thế, và chính vì ông cũng biết vậy nên ông không muốn cái gì mình đam mê cũng đều… "xanh".

Thầy giáo Phan Xuân Hải không dám nhận mình là họa sĩ bởi chưa qua một trường lớp đào tạo nào về hội họa, nhưng vẽ với ông lại không phải là một cuộc chơi. Vẽ gì? Câu trả lời thật ngắn gọn, một và chỉ một Bác Hồ mà thôi.

Dạy văn, vẽ Bác Hồ, viết kịch bản sân khấu, nghề nào cũng… chín

12 tuổi, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã vẽ bức chân dung Bác Hồ đầu tiên cho cả làng rước trong lễ mừng chiến thắng. Ông chỉ chờ đến khi lớn lên sẽ được ra Việt Bắc học mỹ thuật, nhưng gia đình quá khó khăn, ông đành theo nghề sư phạm.

Ông nhớ lại ngày ông rời Nghệ An vào Quảng Bình nhận công tác, nhưng sau chuyến công tác bị hoãn giữa đường theo lệnh của cấp trên, có một trường đến tuyển ông khi ông chưa kịp ra Nghệ An. Ông Hiệu trưởng hỏi: "Ai là người dạy văn giỏi nhất trong số các anh chị?" thì tất cả chỉ vào ông. Sự tín nhiệm đầu đời là một định mệnh để "ông đồ xứ Nghệ" ở lại với miền quê cát trắng Quảng Bình.

"Trong quá trình đi dạy, mỗi lần có các hội diễn, tôi lại dàn dựng những tác phẩm văn học như Đồng hào có ma, Viên quận trưởng, Chí phèo… thành những kịch bản sân khấu cho anh chị em diễn, dần thành quen, tôi bắt đầu viết kịch bản". Tính đến nay, nhiều kịch bản của ông đã được diễn trên các sân khấu lớn như: Quách Xuân Kỳ, Lòng mẹ, Vòng tay yêu thương, Chuyến hàng cuối năm, Thiên lôi xử án… Những cố gắng ấy đã mang lại cho ông ít nhiều thành công: Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, Giải thưởng văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ nhất 1991-1995...

Trong ngôi nhà cấp 4 của người đàn ông độc thân này ở thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình, khung vải dựng chi chít trong nhà, ngoài thềm, bút vẽ chỗ nọ, bát màu chỗ kia. Khung to, khung nhỏ, cái đã hoàn thành từ lâu, cái vừa ráo sơn, có nhiều cái còn dang dở, nhưng đặc điểm chung của tất cả những gì trên các khung vải đó là hình ảnh Bác Hồ. Ông bảo, suốt một đời đi dạy, ông đã giảng giải cho bao thế hệ học trò về Bác Hồ, về văn hóa nhân loại, hùng khí non sông hội tụ trong Người, nhưng chưa đủ, ông muốn làm một điều gì đó để thỏa sự yêu mến, quý trọng một thần tượng.

Từ bức vẽ đầu tiên về Bác năm 12 tuổi, 60 năm đã qua, ông không nhớ là mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung về Bác. Trên 50 bức tranh về Bác nơi các công sở, cơ quan của tỉnh Quảng Bình, bức chân dung Bác ở trụ sở Bộ Công an, bức chân dung về Bác ở hội trường của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khổ 1,8m x 1,3m để đón những người chiến thắng trở về và trao trả tù binh sau chiến thắng vào năm 1972 đều của một tác giả Phan Xuân Hải. Nhắc về bức chân dung này, ông không thể quên được năm ấy, nhiều người ốm yếu, có người sau bao nhiêu năm mới được đoàn tụ gia đình, nhìn thấy bức ảnh Bác, hết người này đến người kia hôn ảnh Bác và không kìm được sự xúc động, họ ôm nhau nức nở.

Vẽ tranh Bác Hồ với ông không phải là vẽ tranh cổ động, nên ông cẩn thận đến từng chi tiết. Ông chăm chút từng chiếc lá trong khu vườn Bác ngồi, và đếm từng sợi mây trên cái ghế trong phòng làm việc của Bác để thể hiện. Lúc nào sức khỏe thật tốt, tinh thần thật phấn chấn ông mới vẽ. "Cái khó ở gương mặt của Cụ, làm thế nào để thể hiện thần sắc của một vị lãnh tụ thiên tài nhưng bao dung, nhân hậu. Và cái khó trên gương mặt ấy chính là đôi mắt, một đôi mắt tự tin, chứa đựng tinh thần thép nhưng lại đầy âu yếm, thương yêu". Và có khi chỉ vì một đôi mắt, ông thức cả đêm để thể hiện cho bằng được và những hôm như thế, ông chuẩn bị sữa, ngậm sâm để không rơi vào trạng thái căng thẳng quá. Khi thần sắc của vị lãnh tụ kính yêu được thể hiện, ông sung sướng đến rơi nước mắt, thắp mấy nén hương, tự thưởng cho mình vài ly rượu, dành cả mấy ngày để ngắm nghía, sửa chữa thêm cho bức tranh được hoàn thiện.

Chạnh lòng trước tiếng gà trưa, đa đoan với đất gió Lào cát trắng

Ngôi nhà nhỏ của ông nằm bên bờ sông Gianh, con sông đi vào lịch sử với những dòng viết bằng máu và nước mắt. Ngôi nhà đó, mưa thì dột tứ bề, nhưng là không gian để ông thả hồn với những hộp màu, khung vẽ, cũng là nơi ông cất giữ những kỷ niệm với người vợ quá cố.

Bà và ông gặp nhau như một bước xoay vần của số mệnh. Họ yêu nhau từ thời cả hai đang là sinh viên ở trường sư phạm liên khu 4, nhưng gia đình bà không gả bà cho ông vì ông quá nghèo, sau đó ép bà lấy một tay ngư chủ giàu có ở Cửa Hội. Ông vào Quảng Bình dạy học và mất liên lạc với người yêu cũ dù lòng rất nhớ. Năm 1956, ông đi dự Đại hội Công đoàn lần thứ II tại Hà Nội, trên chuyến tàu ra Vinh, ông gặp một người bạn học cũ, bạn mời ông về nhà chơi. Khi ngồi ăn cơm, ông nhìn sang bên kia đường, thấy cô gái đang may đồ trong một tiệm may rất giống người yêu cũ. Khi bạn nghỉ trưa, ông nhẹ nhàng nhảy qua hè phố sang gặp người yêu xưa. Tranh thủ khoảng thời gian ngắn, ông cùng bà về nhà bà, lúc này bố bà đã mất còn lại người mẹ, ông xin phép mẹ bà cho hai người được nối lại tình xưa.

Bà là người nhẹ nhàng, hết lòng vun vén cho chồng con, và đặc biệt chưa làm mất lòng ai bao giờ. Những năm chiến tranh, gia đình ông phải sơ tán lên một vùng quê cách nhà 7km, ông muốn xin cho bà dạy ở một làng gần, nhưng ngành giáo dục lại phân công bà đến một xã rất xa. Sáng bà phải lội qua một con suối nước ngang cổ, đi bộ đến chỗ dạy quần áo ướt thành khô và lúc nào về nhà cũng trong trạng thái ướt sũng, bà cũng chịu khó chịu khổ không kêu ca gì. Về sau, bà bị chứng thấp khớp, sau đó biến chứng sang tim mạch.

Sau khi bà mất, ông tuyên bố không bao giờ bước lên bục giảng nữa vì nỗi buồn về mình, về nghề mà không thể nói. Rồi vết thương nào cũng thành da, nhớ học trò, nhớ trường, nhớ lớp, ông lại tiếp tục lên bục giảng dạy những bài văn xưa cho các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi.

72 tuổi, sau mái tóc đã bạc trắng và đôi mắt với ánh nhìn rất sâu ấy, là sức nặng của kỷ niệm, nên mỗi lần nghe tiếng gà gáy trưa bên sông Gianh, ông lại rơm rớm nước mắt. Vùng quê gió Lào cát trắng với bao nhiêu món nợ ân tình ông thấy mình chưa đền đáp hết nên ông lại vẽ, vẽ để thấy thời gian trôi qua không vô nghĩa, để thấy kỷ niệm mãi còn và để thấy sự đơn độc không gặm nhấm được cuộc sống của người đàn ông bản lĩnh ấy…

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.