Người thắp hương lên mộ mình

Thứ Năm, 16/04/2009, 08:21
Trong kháng chiến chống Mỹ, có nhiều chiến sĩ từng phải làm lễ truy điệu sống, trước khi bước vào một trận đánh hoặc nhận một nhiệm vụ nguy hiểm. Ông Nguyễn Ngọc Hiển là một người như vậy. Năm 2008, vào thăm nghĩa trang Trường Sơn, ông bất ngờ gặp mộ mình. Người chiến sĩ quả cảm năm xưa rưng rưng nước mắt thắp hương lên mộ mình.

"Tôi ơi tôi, vẫn còn sống đây mà một mình có những hai mộ". Ông Hiển thầm thì trước mộ mình, vì ông có tới hai ngôi mộ, một ở nghĩa trang Trường Sơn, một ở nghĩa trang quê nhà.

Về thăm ông, một người từng là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Hà Nội mới nghỉ hưu. Nay là Giám đốc Ban quản lý khu đô thị An Dũng 6 - Hải Phòng, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân, một doanh nhân thương binh, tôi hiểu thêm thời của các ông sống, chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển, 63 tuổi tại thôn An Biên, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ngôi làng gần làng Cổ Am, đất học của Hải Phòng. Gia đình ông nghèo, bố mẹ hoạt động cách mạng, nên cậu bé Hiển học hết lớp 7 được cử đi học ở Liên Xô (cũ).

Năm 1967, khi cuộc kháng chiến ở giai đoạn ác liệt, Nguyễn Ngọc Hiển từ Liên Xô về nước, được đưa vào chiến trường khu V hoạt động ở Bắc Bình Định - Nam Quảng Ngãi. Hoạt động trong lòng địch, là chiến sĩ đặc công luôn kề cận với cái chết, trước khi vào trận đánh đơn vị đều làm lễ truy điệu, gia đình được tin ông đã hy sinh.

Năm 1968, ông Hiển hoạt động ở Quy Nhơn, một lần bị lộ, suýt nữa đã bị địch bắt. Sau đó, ông được điều về Buôn Ma Thuột, hoạt động cho đến năm 1971. Trong những năm tháng hoạt động đặc công, trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, hiểm nguy, đến bây giờ, ông Hiển vẫn không nghĩ là mình có thể may mắn sống sót.

Năm 1973, ông Hiển viết thư gửi về cho cha mẹ, nhờ một đồng đội thương binh mang thư ra Bắc. Trong thư, ông gửi theo một bài thơ tặng cho cô gái hàng xóm mà ngày còn ở nhà người lớn đã gán ghép cho ông! Người chiến sĩ thương binh mang thư ông về đến Quảng Ngãi, chẳng may bị địch phục kích bắn chết.  Một chiến sĩ khác là Bùi Thanh Quang sau khi chôn cất đồng đội hy sinh đã cầm lá thư về Bắc, đem tới cho cha mẹ Hiển. Anh tưởng rằng người mình vừa mai táng là Ngọc Hiển, nên nói với cha mẹ Hiển là "Cháu đã chôn anh Hiển nhà bác".

Năm 1971, ông Hiển làm Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 405, Quân khu V. Ông đã bị thương nặng 5 lần, năm 1972 được đưa đi điều trị hơn một năm, sau đó trở vào chiến trường tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam xuân 1975. Ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 3 mang tên Sao Vàng, trực tiếp tham gia đánh Buôn Ma Thuột, tham gia giải phóng Bình Định, Phan Rang, Sài Gòn.

Sau giải phóng, ông về làm công tác quân quản thành phố Nha Trang, sau đó tham gia giải phóng Côn Đảo. Cuối năm 1975, ông trở lại Sư đoàn 3 Sao Vàng, chuyển ra đóng quân ở Lạng Sơn. Cũng trong thời gian này ông về phép, mới biết, gia đình đã tưởng mình hy sinh!

Hơn 10 năm xa quê hương và gần 10 năm cha mẹ được tin con trai đã mất, lúc Ngọc Hiển về thăm, nhìn lên bàn thờ thấy có ảnh mình kèm bát hương, anh không hiểu đã có chuyện gì xảy ra. Gặp bố vừa về, hai bố con nhìn nhau ngỡ ngàng, mặt đất như run rẩy dưới chân hai người. Mẹ Ngọc Hiển chết ngất khi thấy con về.

Năm 1977, ông được điều về Quân khu III, làm Chính ủy Trung đoàn 748. Năm 1978, điều kiện cho phép, ông mới xây dựng gia đình rồi sinh ra ba cô con gái, đều xinh xắn, thông minh. Năm 1992, ông khám sức khỏe, giấy chứng nhận thương tật xác định ông mất sức 61%. Ông chuyển ngành về Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội. Lúc đó, ông là Thượng tá. Năm 1995, ông được đề bạt là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty, cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Sau đó, người chiến sĩ năm xưa lại được đề bạt làm Giám đốc Ban quản lý khu đô thị An Dũng 6 Hải Phòng.

Ngoài công việc ở công trường, đêm về ông lại làm thơ, trăn trở nhớ lại cái thời mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Tháng 6 năm 2008, ông vào viếng nghĩa trang Trường Sơn và đã làm bài thơ Nghĩa trang Trường Sơn một chiều thương nhớ.

Nằm đây đồng chí nhé
Ở đâu cũng là đất Thành đồng
Khi sống thì mang trong lòng tất cả núi sông
Khi chết lại về lòng sông núi
Các anh ơi chiều nay!
Buổi chiều của gần bốn mươi năm đạn cày bom dội
Chúng tôi trở về thăm lại
Hàng mộ chạy dài trên nền cỏ xanh
Nằm yên nghỉ giữa muôn ngàn cây cỏ…

Bài thơ ấy ông đã đọc trong chương trình "Còn mãi với thời gian" của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vừa rồi khiến cho hàng ngàn khán giả xúc động

Diên Khánh
.
.
.