Người phụ nữ gần 40 năm không ăn cơm

Thứ Ba, 30/08/2005, 07:37

Bà là Nguyễn Thị Lúa (Út Lúa), 67 tuổi, ở ấp Danh Tấm, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thủa nhỏ bà Út hay ốm yếu. Vốn mắc bệnh gan, năm 28 tuổi, bệnh khởi phát, khiến sức khỏe bà suy sụp. May nhờ một bác sĩ giỏi tay nghề đã cứu bà thoát chết. Song, cũng từ đó, bà bắt đầu... sợ cơm, cho đến tận hôm nay.

Khỏi bệnh, gia đình cố gắng bồi bổ cho bà mau chóng lại sức. Thế nhưng, lạ một điều, mỗi khi bà đụng đến một hạt cơm là y như rằng “có vấn đề”. Mỗi lúc và một vài miếng cơm là lập tức bà bị lên cơn đau bụng quằn quại và nôn thốc nôn tháo. Suốt cả một tuần lễ như thế, nên từ đó bà đâm hoảng, hễ thấy cơm là tự dưng sợ đến vã mồ hôi hột.

Thời gian đầu không ăn được cơm, bà uống bột đậu xanh để sống. Được vài tháng, thấy ngán, bà chuyển sang ăn bánh tét. Được khoảng hai, ba tháng nữa, cơ thể bà không tiếp tục dung nạp được bánh, mà lại chỉ thấy thích ăn... ổi! Thời gian này kéo dài gần nửa năm. Sau đấy, cứ hai ba năm, cơ thể bà lại “đòi hỏi” một thứ thực phẩm khác, khi thì lương khô, mì gói, lúc lại là bột tinh chế, canh khoai từ,... nhưng chung quy vẫn là những thứ không phải là cơm. Thậm chí, có tháng bà chỉ uống nước chanh, nước đường mà vẫn sống khỏe.

Từ khi khỏi bệnh, sở thích ăn uống cứ biến đổi nhưng công việc thường ngày của bà thì không có gì đổi thay. Khi mới 16 tuổi, bà đã là một thợ may có tiếng trong vùng. Thời đó, nghề này ít người theo, nên khách hàng của bà rất đông, một mình bà với nghề may vá này cũng đủ nuôi sống cả gia đình. Thời “vàng son” này kéo dài mãi cho đến gần 10 năm sau thời điểm bà “tuyệt thực” cơm. Nhiều khi vào mùa, đồ làm không xuể, ngồi suốt cả ngày lẫn đêm may đồ cho khách, dù trong bụng không có lấy một hạt cơm, bà vẫn không hề hấn gì.

Một điều lạ hơn nữa là hiện nay khẩu phần của bà ngày một ít hơn trước nhưng sức khỏe thì lại có chiều hướng ngày một tốt hơn. Cô Tô Thị Xiêm, 53 tuổi, người cháu đã hơn 35 năm nay ở cùng và chăm sóc bà, cho biết: Hiện tại, mỗi ngày bà Út chỉ ăn có một gói mì (loại mì gói thông dụng), hoặc một đĩa rau xanh và không hề tăng số lượng. Cứ có mùi... gạo là bà lại sợ tái mặt.

Chuyện bà Út "nhịn ăn" nhiều người trong xóm đều biết. Ông Sáu Chiến, nhà ở gần đó kể: “Bây giờ, bà ấy khỏe hơn tụi tui! Lúc trước, thời... còn ăn cơm, trông bà Út rất yếu ớt. Mỗi khi nhà bà phơi lúa, gặp trời mưa, là không cách gì trở tay kịp. Tôi và mấy người nữa,  phải chạy qua phụ. Thế nhưng bây giờ, tự tay bà làm lấy hết, rất nhanh gọn mà không phải nhờ đến ai”.

Vài năm trước, mẹ già còn sống, nên bà Út ít đi đâu xa. Còn bây giờ thì bà lại ít khi ở nhà. Vốn là một phật tử nên bà thường đi đây đi đó, đến các chùa chiền tham gia những việc từ thiện. Khi thì bà ở Kiên Giang, Rạch Giá, lúc lại ở Bạc Liêu, Cà Mau. Ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - nguyên quán của gia đình bà - có ngôi chùa Hưng Long do cha bà lập nên. Nhiều người dân sống quanh đây cho biết, sáu bảy năm trước khi tiến hành trùng tu ngôi chùa, người ta thấy bà Út hăng hái lao động không khác gì một người thợ. Phụ mang vác gạch đá, lo cơm nước cho đám thợ, làm quần quật suốt ngày, thế nhưng bà không thèm ăn lấy một hạt cơm mà sức khỏe thì... vẫn bình thường.

Còn ở tại địa phương nơi bà sinh sống, nhiều người đã không còn lạ gì chuyện bà nhịn ăn. Hầu như tất cả các đám hiếu, hỉ trong xóm ấp đều có bà tham gia.  Với thời gian, nhiều người biết "nỗi khổ" của bà, nên việc tham dự đám tiệc, đối với bà, không còn là một "cực hình" như trước nữa. Đám tiệc nào bà cũng đều tới dự, chủ yếu để trò chuyện. Theo bà, đó cũng là một cách để giữ trọn vẹn tình nghĩa với xóm giềng

Bá Sơn
.
.
.