Người phụ nữ Mông mở xưởng dệt thổ cẩm xuất khẩu

Thứ Ba, 24/02/2009, 08:55
Sinh ra gần cổng trời Quản Bạ, cho đến lúc lấy chồng, chị Vàng Thị Mai chưa từng được bước qua cổng trời để xem thế giới bên ngoài ra sao, chưa từng được học qua chút gì về quản lý kinh doanh, cũng chưa từng đến Hà Nội. Nhưng với một quyết tâm kỳ diệu, chị đã tạo lập nên một HTX sản xuất thổ cẩm hưng thịnh với 110 thành viên, hàng hóa được bán rộng rãi khắp đất nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Bằng chiếc khung cửi và những sợi lanh giản dị, chị đã làm nên kỳ tích, giúp không chỉ gia đình chị, mà còn rất nhiều phụ nữ Mông khác đổi đời.

Vươn lên nhờ phát huy vốn cổ

Với những vốn liếng giờ chị có trong tay, tạo ra được một HTX nghề truyền thống với số tiền tỷ, tạo công ăn việc làm cho vài trăm người; cưu mang vài chục phụ nữ bị bạo hành, nạn nhân của buôn bán người; sản phẩm được bán đi khắp nơi... quả thật quá kì diệu.

Sinh ra tại xã Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang), chị là một phụ nữ Mông giản dị, thuần chất. 18 tuổi, chị lấy chồng và đẻ liền 4 đứa con. Hơn 30 tuổi, "đô thị" lớn nhất mà chị được biết đến là thị xã Hà Giang. Có hơn người khác chăng là chị cố gắng vừa học trường làng, vừa học bổ túc được hết lớp 9. Tuy vậy, cuộc sống của chị cũng như các phụ nữ khác trong xã đều đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn.

"Bản mình đất thì ít, mà người nhiều quá. Sáng leo đồi, chiều leo dốc, tối về xay ngô mà vẫn đói. Mình nghĩ phải làm gì cho bớt khổ thôi".

Lúc đó trong tay chẳng có gì ngoài tài dệt lanh được mẹ dạy cho từ nhỏ, chị nghĩ phải làm giàu từ cái nghề truyền thống tinh hoa của người Mông này. Cố hết sức, chị vận động được 10 chị em khác trong bản cùng gieo lanh, với số vốn ban đầu là 13 triệu được Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ mua phân, mua giống. Những ngày đầu thực sự là những ngày khó khăn.

Người già trong bản bảo: "Tôi già thế này rồi mà chưa từng thấy ai lại gieo cái bãi lanh to như thế này. Ai đi theo bà Mai rồi có ngày sẽ chết thôi".

Rồi các ông chồng suốt ngày say khướt, về nhà không thấy vợ nấu cơm là xông hẳn sang nhà chị, lôi vợ ra đánh ngay trước cửa, rồi còn dọa đánh cả chị vì nghĩ chị xúi bẩy các bà vợ bỏ nhà.

Rồi năm 1999 - năm bắt đầu thành lập tổ sản xuất, chồng chị bị tai nạn gẫy 5 chiếc xương sườn, không còn lao động được nữa. Vừa phải vững vàng đi đầu để các chị em khác không nản chí, vừa phải gánh vác trách nhiệm gia đình, toàn bộ gánh nặng đè lên đôi vai chị. Khó khăn thế cũng không thể khiến chị gục ngã.

Khi cây lanh cho thu vụ đầu tiên, chị có câu trả lời thuyết phục nhất với dân bản. Mỗi ha đất trồng lanh, người dân thu được khoảng 300kg sợi, trị giá hơn 10 triệu đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với ngô. Đơn xin vào HTX ngày càng nhiều đến nỗi chị phải tổ chức gắp thăm để chọn người.

HTX lanh Lùng Tám mỗi ngày một lớn mạnh. Sau 2 năm thành lập, năm 2003, các chị đã có thể mua được chiếc ôtô đầu tiên, trong cái nhìn ngỡ ngàng của người dân toàn xã.

"Từ ấy, những người chồng không bao giờ đánh đập, mà còn giúp vợ tước lanh để chạy công. Về không thấy vợ là biết tự vào bếp nấu cơm, giặt quần áo. Có những hộ gia đình đàn ông dệt còn nhanh hơn đàn bà", chị Mai cười hạnh phúc nói.

Giúp người phụ nữ đổi đời

Mặc dù cơ sở sản xuất mỗi ngày một lớn, nhưng hàng của các chị làm ra hầu như không bao giờ bị ế. Lanh Lùng Tám có độ bền và màu sắc sặc sỡ, do nước nhuộm hoàn toàn được chiết xuất từ các loại cây rừng. Các công đoạn được làm thủ công hoàn toàn và hoa văn đều là các hoa văn cổ.

Ban đầu, các xã viên chỉ sản xuất và bán vải lanh thô. Từ cuối năm 2003, HTX đã đào tạo được 6 công nhân đi học nghề thiết kế sản phẩm tại Hà Nội và sáng tạo ra ngày càng nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng. Các sản phẩm: túi, ví, túi điện thoại, túi xách du lịch, đệm, gối… được bán ngày càng rộng rãi trong nước và còn có mặt ở các nước: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Pháp…

Mới chỉ học đến lớp 9, nói tiếng Kinh chưa được sõi lắm, nhưng chị quản lý HTX đâu ra đấy. Cũng có thi đua, khen thưởng. Cũng đưa người đi tham quan các mô hình. Hiện tại, không chỉ là nơi gìn giữ vốn cổ của người Mông, HTX Lùng Tám còn là nơi cưu mang những phụ nữ bất hạnh...

Với nhiều thành tích trong quá trình hoạt động, chị được tặng Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Sản phẩm các chị làm ra được tặng Huy chương vàng cho sản phẩm vải lanh tại Hội chợ thương mại châu Á - Thái Bình Dương năm 2002.

Ở tít tận cao nguyên đá, chị cũng biết năm 2009 khủng hoảng kinh tế, thế nên phải làm thật đẹp mới bán được hàng. Hiện chị nung nấu cho người đi học tiếng Anh để tự xuất khẩu hàng. Mong mỏi của chị hiện nay là thu hút được thêm ngày càng nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình nữa.

Chị đã cử nghệ nhân đến tận các thôn bản xa để dạy nghề cho đồng bào, thuyết phục những hộ gia đình nghèo học nghề kiếm sống, chứ đừng chờ nhà nước hỗ trợ gạo.

Cứ nghe chị nói chuyện, ai cũng phải bất ngờ về những suy nghĩ đột phá của một người phụ nữ  chân chất, mộc mạc. Với những nỗ lực của mình, chị nhen nhóm trong phụ nữ Mông những tia hi vọng: Cuộc sống đang đổi thay theo cách tốt đẹp hơn

Vũ Hân - Thanh Loan
.
.
.