Người phụ nữ 40 năm vớt xác trên sông Hồng

Thứ Hai, 08/10/2012, 11:55

Cả cuộc đời bà gắn bó với khúc sông Hồng chảy qua dốc Chèm, xã Thụy Phương (huyện Từ Liêm, Hà Nội) chứng kiến bao cái chết đau thương về sông nước. Hơn 40 lần giành giật với Hà Bá cũng là 40 năm bà hành thiện tích đức, bà tên là Trần Thị Bình (59 tuổi), dân làng hay gọi là u Bình "vớt xác" dốc Chèm.

Tôi tìm đến nhà u Bình lúc trời đã xế chiều, quán trà đá sát vách nhà u vẫn đông nghẹt khách. Họ ngồi tán chuyện về tài chữa bệnh bằng thuốc cổ truyền, và vụ vớt xác cứu người mấy hôm trước của bà. U Bình là nhân vật thật đặc biệt của dân dốc Chèm này. Người hàng xóm tận tình dẫn chúng tôi vào nhà bà. Len lỏi qua vườn chuối rậm rạp, chúng tôi cũng đứng trước cửa nhà vẹo vọ. Thấy chúng tôi, u Bình nhanh chóng bỏ đôi ủng vẫn lấm bùn đất mời chúng tôi vào nhà. Ấn tượng mà lần đầu gặp bà với chúng tôi là nụ cười sảng khoái, dáng người đậm và khỏe khoắn. "Ngày nào nhà có khách lạ, là y rằng ở đâu đó, trên con sông Hồng kia lại có người chết đuối. Nhà u mà có khách là u đau đớn lắm"- bà Bình phân trần.

Bà Bình vớt xác, cứu người từ năm 17 tuổi. Cả gia đình bà sống ở dưới thuyền bên bờ sông Hồng chỗ nào nông sâu, có nước xoáy bà đều thuộc trong  tay. Bà Bình nhớ mãi mùa lũ năm 1971, khi vừa tròn 17 tuổi. Thời tiết khắc nghiệt, lũ dâng cao làm ngập úng nhiều nơi. Khúc sông gia đình bà sinh sống từ Dầy Kẻ (Đan Phượng) đến Xù Gạ (Tây Hồ) chìm trong biển nước. Lũ dữ dằn cuốn phăng nhiều nóc nhà, cướp đi nhiều sinh mạng. “Thấy nhiều người bị cuốn trong dòng lũ dữ, bố tôi chỉ kịp hét lên một câu “cứu được ai thì cứu” và lao con thuyền nhỏ theo dòng nước. Cứ thế mấy anh chị em tôi cũng lao theo. Nhào xuống dòng sông ùng ục để giành giật lại sự sống cho những người chới với trước hái tử thần. Từ đó gia đình tôi theo nghiệp cứu người, vớt xác mà không dứt được” - bà Bình kể.

Nói về “nghiệp” mà gia đình đang đeo đuổi, bà Bình cười lớn: "Không có lần nào là tôi không sợ, nhưng mỗi khi lao theo con sóng để cứu người, dường như tôi quên hết mọi chuyện. Với tôi cứu được nhiều người là sướng lắm".

Gia đình bà Bình đã chuyển lên đất liền sống cũng hơn 20 năm, nhưng nghiệp vớt xác vẫn quấn lấy, không dứt. Bà bảo: "Tôi làm nghề này không phải vì tiền, tiền tiêu bao nhiêu cũng hết, cứ cứu được người là lòng thanh thản. Thương người thân, thương người đã chết. Họ cho bao nhiêu thì cho, nhiều quá là tôi không nhận".

Thương những xác chết trôi trên sông, vào những mùa lũ không năm nào là không có người bỏ mạng dưới sông. Tôi hỏi bà có nhớ mình đã cứu và vớt được bao nhiêu người không? Bà lắc đầu nhẹ và nói: Nhiều quá rồi, không nhớ nổi, chỉ biết người bé nhất là đứa mới 12 tuổi. Lớn tuổi nhất cũng đến độ 47 tuổi.

U Bình đã hơn 40 năm vớt xác cứu người trên sông.

Cả cuộc đời bà Bình là những chuyến đi dọc con sông Hồng. Đỉnh điểm có đến một tháng 4 lần bà đi dọc con sông với chiếc lưới cào móc. "Xoạch một cái có người đến sân gọi, tôi lấy đồ nghề và bắt tay vào công việc ngay không chần chừ"- bà Bình tâm sự".

Mấy hôm trước, có anh chồng đến nhà nhờ tìm xác vợ. Trong tháng này, vụ này là vất vả nhất. U Bình thở dài:"Hai vợ chồng trẻ, giận hờn rồi cãi nhau trên cầu. Cô vợ rơi xuống nước. Hai ba ngày sau vẫn không tìm thấy xác, tôi lại đi thuyền dọc con sông tìm kiếm. Cuối cùng, xác người vợ tìm thấy tít tận Nam Định. Nước sông lớn quá, chảy miết nên tôi không rà kịp".

"Có những vụ chết rất thương tâm, cô gái trẻ chỉ vì bố mẹ mắng mà giận hờn bỏ đi, rồi ra cầu tự tử. Với những kinh nghiệm lâu năm, u cũng không tìm thấy nó. Đến khi người mẹ khóc ngất xuống bên bờ sông, xin nó tha lỗi thì nó mới nổi lên" - giọng u Bình nghẹn ngào.

Tay cầm chiếc lưới với những chiếc móc sắc cạnh, u Bình nhắc chúng tôi cầm cẩn thận kẻo đứt tay. Chiếc lưới đã đi với bà được hơn chục năm, nó cũng để lại bao vết thương trên tay bà. Bà bảo: Hành nghề chỉ với những dụng cụ đơn giản vậy thôi. Đó là dây câu vuông với vô số lưỡi câu sắc nhọn thả hờ. Dụng cụ này được mắc vào hai chiếc thuyền giăng ngang quanh khu vực nghi là có nạn nhân, thả xuống nước và kéo đi kéo lại. Nếu gặp thi thể, lưỡi câu mắc vào áo quần nạn nhân. Người vớt kéo nhẹ thi thể đến gần thuyền rồi nhảy xuống buộc nạn nhân vào dây thừng để kéo vào bờ. Có những thi thể nạn nhân đã bị phân hủy, khi móc động vào đã tan ra ngay. Lúc ấy bà lại phải làm lễ cúng, trong lòng mới thấy thanh thản.

Người xưa quan niệm, ngư dân vạn chài không cứu người chết đuối vì một khi Hà Bá đã gọi thì không ai dám cưỡng lại. Nếu cố tình cứu người chết đuối, ngư dân sẽ phải thế mạng cho người đó... U Bình bỏ ngoài tai tất thảy. Trong thâm tâm, bà luôn tự nhủ cứu người, vớt thi thể người chết đuối là làm phúc, mà đã làm phúc thì Hà Bá nào lại đi hại người tốt!

Ngoài vớt xác trên sông, cũng đã ngót 20 năm bà Bình làm việc bốc mộ cho người chết. Nhiều người khuyên bà bỏ công việc "chẳng ai làm này" nhưng nhiều năm nay vẫn thấy bà đau đáu với nghề. Có lẽ điều ý nghĩa nhất của đời bà Bình đó là làm việc nghĩa này. Bao nhiêu năm làm phúc cứu người nhưng bà cũng chẳng nhớ đã cứu được bao nhiêu người, chỉ biết là nhiều lắm. Dù vậy,  căn nhà của bà Bình vẫn chỉ là một túp lều bé nhỏ và không có vật dụng gì đáng giá, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Dân dốc Chèm bảo gia đình u Bình có anh em ở khắp mọi nơi. Và mỗi lần cứu người là bà lại có thêm một người bạn, anh em kết nghĩa, một gia đình

Thanh Hòa
.
.
.