Người một mình bắn rơi 37 máy bay Mỹ

Chủ Nhật, 17/04/2005, 07:46

Trong chiến tranh chống Mỹ, Vũ Xuân Đài là người lập nên kỳ tích có một không hai. Chỉ trong 3 năm từ 1965 đến 1968, anh đã bắn rơi 37 máy bay Mỹ. Có trận, anh đã bắn rơi 3 máy bay. Điều khó tin và có thể gây nghi ngờ này là sự thật, một sự thật giản dị như chính con người làm nên kỳ tích ấy.

Tháng 4/1965, chàng trai Vũ Xuân Đài nhập ngũ trong đội hình một đơn vị mà tất cả đều là con em thủ đô. Khi đang huấn luyện ở Phù Ninh (Phú Thọ) thì Chủ tịch Trần Duy Hưng lên tuyên bố thành lập tiểu đoàn lấy tên là tiểu đoàn 19/5 của Hà Nội, vào chiến trường chiến đấu.

Từ anh nuôi trở thành dũng sĩ diệt máy bay

Tại chiến trường Khu 5, tiểu đoàn anh được đổi thành Tiểu đoàn súng 12 ly 7 phòng không thuộc Sư đoàn 2. Đầu tiên Vũ Xuân Đài được biên chế vào tiểu đội lắp đạn vì anh nhỏ quá, chỉ nặng có 43 kg, trong khi đó ở tiểu đội toàn những anh em 50 - 60kg. Sau mấy lần được phân công xuống phụ bếp giúp bộ phận nuôi quân, thấy Vũ Xuân Đài nấu cơm ngon, thế là đại đội trưởng điều ngay anh từ tiểu đội lắp đạn xuống làm anh nuôi.

Vũ Xuân Đài không thích, liền mũ mão chỉnh tề tìm chỉ huy đơn vị, để trình bày nguyện vọng. Sau những lời giải thích, làm công tác tư tưởng, anh cũng đồng ý nhận nhiệm vụ với lời “giao  giá” chỉ làm đúng một tháng, sau đó phải được chuyển lên chiến đấu.

Nếu không có gì thay đổi thì việc Vũ Xuân Đài trở thành một sĩ quan hậu cần đã không bị gián đoạn. Nhưng không, dù làm anh nuôi, anh vẫn âm thầm nuôi ý chí xin lên chiến đấu. Anh chỉ mê bắn súng chứ không thích làm anh nuôi. Nhìn anh em bắn, Đài thèm lắm. Và thế là những lúc đi đưa cơm cho anh em trực bên ụ súng, trong khi anh em ăn thì Vũ Xuân Đài tranh thủ “nghịch ngợm” vài động tác cho đỡ nhớ.

Địa bàn đơn vị chiến đấu gồm mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời gian ấy, máy bay trực thăng địch đổ bộ từng đàn hàng chục chiếc. Tiểu đoàn 14 phòng không với biên chế 6 khẩu súng máy 12 ly 7 có nhiệm vụ tiêu diệt máy bay Mỹ, phối hợp yểm  trợ cho bộ binh ta. Nhiều trận chiến đấu diễn ra ác liệt, rất nhiều đồng chí đã hy sinh ngay bên súng khi đang chiến đấu. Tuy vậy, các chiến sĩ của ta, trong đó có Vũ Xuân Đài, vẫn không nản lòng, vẫn nêu cao khẩu hiệu: "Nhằm thẳng quân thù bắn".

Một trận đánh làm thay đổi công việc của Vũ Xuân Đài từ anh nuôi lên xạ thủ số 1 là trận Việt An ở Quảng Nam. Khi trận địa bố trí xong, máy bay địch bay vào, không hiểu sao quân ta nổ súng chỉ được vài loạt thì ngừng lại. Chính trị viên phó đại đội bảo Đài: “Có khi hết đạn rồi, đồng chí lên tiếp đạn cho anh em đi”. Thế là, anh khoác khẩu K44, hai tay xách hai hòm đạn, lom khom ra đến trận địa thì thấy máy bay sà xuống thung lũng ném bom vào trận địa của ta. Thấy "ngon" quá, Đài liền nằm ngửa ra bãi tranh, để hai hòm đạn hai bên che đầu, giương khẩu K44 nhằm vào 2 chiếc phản lực trên đỉnh núi và bắn, chả biết bắn có  trúng không nhưng một lúc sau thì máy bay không quần đảo nữa. Hành động “ngẫu hứng” đó đã phải trả giá bằng việc anh bị đơn vị kiểm điểm vì bắn không có lệnh. Đài cãi lại rằng “đơn vị đã quán triệt khi súng lớn phát hỏa thì súng bé được bắn”...

Và thay vì án kỷ luật, theo đề nghị của đại đội, Vũ Xuân Đài được Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 điều ngay lên làm xạ thủ số 1, đi sang Quảng Ngãi, tham gia chiến đấu. Ngay sau đó, ngày 4/3/1967, cũng là trận đầu tiên anh được tham gia chiến đấu, tại địa phận Phú Sơn (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi),  chàng xạ thủ số 1 Vũ Xuân Đài đã bắn rơi 4 máy bay ngay tại  rặng tre ven làng làm nức lòng quân dân Khu  5.

Ngay số bản tin thứ 2 của Sư đoàn 2 đã biểu dương anh là “con chim đầu đàn” của tiểu đoàn. Sau đó là bài “19 tuổi, bắn rơi 19 máy bay địch”, nêu gương Vũ Xuân Đài có sáng kiến thứ nhất là ngắm bằng cả hai mắt, thứ hai là cứ lắp 1 viên đạn lửa kèm một viên đạn xuyên. Ban đêm đường đạn lửa có màu đỏ, ban ngày có màu xanh có tác dụng dẫn đường cho đạn xuyên. Nhưng trên hết là tinh thần dũng cảm dám nhìn thẳng vào máy bay địch mà bắn. Sau trận lập công ngoạn mục bằng 3 điểm xạ liên tiếp hạ 3 máy bay, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 2. Trải qua một số trận đánh nữa Vũ Xuân Đài đã thành gương sáng trong đơn vị. Trận nào mà không có Vũ Xuân Đài tham gia là một số đồng đội cảm thấy không yên tâm. Thậm chí, có lần anh bị ốm không thể chiến đấu được, tiểu đoàn trưởng của anh còn bảo: “Nó ốm thì khênh nó đi”. Câu nói ấy khiến anh cảm động cho đến tận bây giờ.

Rất nhiều bài báo đã viết về anh. Năm 1967, anh được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Sư đoàn 2. Nhân dịp này, trong số bản tin của sư đoàn đã có bài của tác giả Vũ Thân viết về anh: “19 tuổi đời, 19 tháng cầm súng, Vũ Xuân Đài đã bắn rơi 19 máy bay giặc Mỹ, bắn bị thương 4 chiếc khác, (...). Với thành tích trên, Vũ Xuân Đài đã trở thành dũng sĩ bắn máy bay số 1 của Tiểu đoàn 14 Phòng không...”.--PageBreak--

Từ năm 1965 đến 1968, Vũ Xuân Đài đã tham gia chiến đấu hơn 30 trận, bắn rơi tất cả 37 máy bay địch các loại từ CH47 đến HU1A, HU1B, CH06, T28... trong đó có những trận lập công xuất sắc. Tại trận Thanh Quýt (Điện  Bàn, Quảng Nam), anh đã bắn cháy chiếc C47 chở 56 sĩ quan cao cấp và cán bộ bình định Mỹ-ngụy, trong đó có tên tỉnh trưởng Quảng Nam, Tất cả chúng đã bỏ mạng. Có trận anh lập nên kỳ tích hiếm thấy, như trận ở Bình Trị, anh đã tiêu diệt 3 chiếc HU1A của địch bay gần nhau, một chiến tích xuất thần hiếm thấy không thể lặp lại trong chiến đấu. Tại trận đánh sân bay Đà Nẵng năm 1968, anh đã bị một mảnh đạn găm vào lưng. Đến trận ở Tiên Phước, Quảng Nam, anh lại bị thương, mặt sưng to, mắt cũng sưng tưởng rằng không bao giờ còn nhìn thấy ánh sáng nữa, phải điều trị hàng tháng ròng. Năm 1969, tức là năm 22 tuổi, khi đó Vũ Xuân Đài đã được bổ nhiệm giữ chức Đại đội trưởng. Trong trận đánh ngày 23/9, anh bị thương nặng phải nằm võng để anh em cứu thương khênh đi. “Sự nghiệp” diệt máy bay Mỹ của Vũ Xuân Đài cũng dừng lại ở đó.

Sau này,  qua các thủ trưởng cũ và đồng đội, anh được biết, ngày đó  cấp trên đã có ý định cử anh đi học ở Liên Xô nhưng đơn vị báo cáo xin anh ở lại bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến để đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng. Nhưng việc làm này chưa kịp thực hiện thì anh bị thương, rồi lạc đơn vị, rồi rời chiến trường ra Bắc điều trị. Thế là mọi việc thành dang dở...

Về với đời thường

Quá trình điều trị tại Viện Quân y 7 ở thị xã Hải Dương đã đưa đến cơ duyên anh về công tác tại Viện sau này. Năm 1972, từ một dũng sĩ diệt máy bay trên chiến trường, Vũ Xuân Đài được chuyển qua làm... tài vụ sau khi được đi học một lớp kế toán của Quân khu 3. Cứ như là tay súng thiện xạ này có “nợ nần” với ngành Hậu cần vậy. Cũng tại nơi công tác mới này, cuộc đời đã gắn bó anh với chị để rồi thành phố Hải Dương mãi là quê hương thứ  2 của anh thương binh hạng 1/4 Vũ Xuân Đài.

Công tác tại Viện Quân y 7 đến năm 1979 thì Vũ Xuân Đài về phục viên. Sau đó là một loạt công việc cứ cuốn lấy anh. Lúc đầu là ông chủ quán tiết canh lòng lợn, sáng sáng lọc cọc ra chợ lấy tiết, lấy lòng về băm, chặt, chế biến. “Thương hiệu” tiết canh ông Đài đã lan xa, quán đông khách, có thu nhập. Sau vì bận rộn quá, khách lại cứ khoái ông chủ phải uống chung vài ly nên anh bỏ, xoay qua bán bún cá. Sau đó lại là ông chủ của một cơ sở sản xuất mô tơ điện. Rồi chủ thầu một góc Nhà Thiếu nhi Hải Dương kinh doanh các dịch vụ vui chơi cho trẻ em.

Trong một lần thu dọn đồ đạc, Vũ Xuân Đài đã tần ngần xem lại một loạt bằng khen, giấy chứng nhận dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay, anh chọn 2 chiếc bằng khen treo lên tường. Cùng sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh phường Nguyễn Trãi với anh có một người trước đây công tác ở Quân chủng Phòng không – Không quân. Trong một lần đến nhà Vũ Xuân Đài chơi, vô tình người đồng đội đã nhìn thấy hai chiếc bằng khen trên và cứ gặng hỏi Vũ Xuân Đài có phải anh bắn rơi nhiều máy bay vậy không. Mặc dù biết nhau đã lâu nhưng người bạn cũng không ngờ rằng “ông” Đài là một tay súng “siêu” đến thế.

Và đúng là có ngày dùng đến thật. Năm 1994, khi Trung ương Đảng có chỉ thị  35, tiếp đó, Bộ Quốc phòng ra Thông tư 465 chỉ đạo xúc tiến hoàn thành việc khen thưởng, giải quyết chính sách cho những người có công với nước trong chiến tranh, Vũ Xuân Đài đã được các đồng đội, thủ trưởng cũ giúp đỡ, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Bạn bè cùng chiến đấu với anh giờ đây người là tiến sĩ triết học, nhiều người còn công tác trong quân đội và là những sĩ quan cao cấp. Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy chính là vị Sư trưởng Sư đoàn 2 năm nào. Tất cả đồng đội vẫn còn nhớ như in thành tích lẫy lừng của Vũ Xuân Đài.

Trong một cuộc gặp mặt truyền thống của Tiểu đoàn 14 phòng không  12 ly 7, tất cả hơn 100 đồng đội đều nhất trí giúp Vũ Xuân Đài làm thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng Anh hùng. Họ đã thống nhất làm bản kiến nghị gửi Tổng cục Chính trị; Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5; Đảng ủy - Chỉ huy Sư đoàn 2; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Hưng trước đây (nơi Vũ Xuân Đài sinh sống) kiến nghị về trường hợp của anh. 

Thượng tá Phạm Quang Thành, ngày trước là xạ thủ số 2 cùng tiểu đội với anh, lúc đó công tác ở Cục Tư tưởng văn hóa  (Tổng cục chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam) đã cất công đến lục trong thư viện Quân đội tìm lại các số báo Quân đội nhân dân có in bài viết về Vũ Xuân Đài những năm 1965 - 1968 để làm bằng chứng.

Mọi chuyện suôn sẻ. Ngày 20/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Vũ Xuân Đài. Và với số lượng bắn rơi 37 máy bay Mỹ của anh, nếu như theo sử sách ghi nhận từ trước tới nay ở Việt Nam thì chưa có ai vượt qua được con số này. Trong bộ kỷ yếu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) giới thiệu tóm tắt thành tích của các anh hùng, người bắn rơi nhiều máy bay nhất là Vũ Xuân Đài, người bắn rơi nhiều thứ 2 là Lê Hữu Tưu với thành tích bắn rơi 31 chiếc, người thứ  3 là Đặng Đình Trường, bắn rơi 19 chiếc. Như vậy, Vũ Xuân Đài chính là người bắn rơi nhiều máy bay nhất Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Khi chúng tôi về Hải Dương lấy tư liệu để viết bài này thì Vũ Xuân Đài đang mải mê và bận rộn với dự án Nhà máy chế biến rác thải mà anh là một thành viên. Dự án đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để xây dựng nhà máy. Đây là công trình do Công ty Cổ phần thương mại và tư vấn xây dựng Hoàng Hải làm chủ đầu tư với số vốn 53 tỉ đồng, dự kiến sẽ lắp đặt một dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ sepaphin, công suất 200 tấn một ngày đặt tại Hưng Yên quê hương anh. Dự án này đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt và cấp đất. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2005.

Dưới ánh chiều tà, trong khuôn viên Nhà thiếu nhi Hải Dương, nơi gia đình anh phục vụ các dịch vụ giải trí cho các cháu thiếu nhi, Vũ Xuân Đài nói nhiều về các dự định của mình, nói nhiều về tính khả thi của nhà máy chế biến rác thải và ý định mở thêm các công viên, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi không chỉ ở Hải Dương mà còn mở tại quê hương Hưng Yên của anh

Nguyễn Trường Thành
.
.
.